Cơm tấm đêm
Tôi đi nhiều, từ Nam chí Bắc tiệt nhiên không thấy ở đâu có cơm tấm đêm như ở TPHCM. Cơm tấm thì nhiều, ở đâu cũng có, nhưng chỉ bán buổi sáng, cơm tấm ai lại ăn ban đêm!
Ăn ban đêm sao tiêu? Sao nuốt trôi? Sao ngủ được với cái món ăn khó tiêu thuộc hàng vô địch. Cơm tấm thì phải nấu khô, thậm chí thiệt là khô, cho hột cơm rời ra, rồi còn có tóp mỡ, mỡ hành, sườn, trứng, bì… toàn những thứ khó tiêu. Mà sao đêm rồi còn ăn cơm tấm?
Hỏi nhiều quá! Ai rảnh mà tìm hiểu để trả lời mấy câu hỏi đó. Dân Sài Gòn không có thói quen thắc mắc. Hỏi nhiều thì đói! Thời gian để chạy thêm cuốc xe, cố làm thêm một ca nữa, ráng làm cho trọn việc này việc kia có khi lại được thêm dĩa cơm. Ráng tô cho xong bức vách, quét thêm khúc đường hay dọn cho xong một bãi sân, kiếm thêm mấy chục cũng mua được thêm cái áo, cuốn tập cho sấp nhỏ.
Mà người lao động một ngày quần quật thì ngày cũng như đêm, làm gì có chuyện ăn không tiêu, ăn dĩa cơm xong chưa chạy về đến nhà nhiều khi đã đói.
Mà cơm tấm đêm thì ngon hết sảy. Ăn với món gì cũng ngon, thậm chí ăn cơm không càng ngon! Dĩa cơm trắng khói bốc nghi ngút, rưới mỡ hành lên, chan nước mắm ớt, thêm miếng đồ chua là ngon nhức nách.
Nếu mà thêm cái trứng ốp la chiên hơi sống, lấy cái nĩa chọc cho tròng đỏ vỡ, chảy tươm ra cơm, lấy muỗng trộn lên cái chỗ vàng óng, sền sệt chan đẫm nước mắm đó thì chắc trên đời không có món nào hơn. Hay có cục xíu mại sốt cà, lấy cái muỗng dằm dằm ra rồi cũng múc trộn với cơm.
Còn sườn, bì với chả thì thuộc loại “kinh điển” rồi. Tuyệt chiêu “sà bì chưởng” đã làm nên tên tuổi cơm tấm Sài Gòn. Mà sườn phải là sườn mỡ, nướng hơi cháy, mỡ chảy ra rớt xuống than hồng, khói lửa mịt mùng cả một khúc đường, nức mũi người qua là chiêu “tiếp thị” có một không hai. Dân lao động ban đêm làm về với bụng đói, đi ngang qua làn khói hương thơm ấy ít ai mà cưỡng lại được.
Ghé vào ăn cơm cũng đủ hạng người nhưng có vẻ ai cũng vất vả mưu sinh, lấy đêm làm ngày. Cho nên dĩa cơm tấm đối với họ, ví như phần thưởng, ít ỏi bình dân nhưng là niềm vui của cả một ngày lao động.
Có một lần lâu lắm, tôi cũng ngồi ăn ở một quán cơm tấm đêm bên quận 8. Cái quán nhỏ, xập xệ, bán trên vỉa hè, ké mái hiên của một cửa hàng bán vật liệu xây dựng nên ban đêm đóng cửa. Bữa đó trời mưa, tôi thấy trong góc quán có một tay ra vẻ anh chị, dáng vẻ bặm trợn đang ngồi lầm lì ăn. Điệu bộ anh ta hằn học, cứ cầm cái muỗng dằm mạnh xuống dĩa cơm như dỗi hờn, căm ghét hết thảy mọi người xung quanh.
Một bà già bán vé số bước vào quán trú mưa, run lập cập nhưng vẫn tranh thủ mời mấy anh ăn mặc lịch sự kiểu người đi làm văn phòng, chắc mới nhậu về, ngồi bàn ngay cạnh, mua ủng hộ vài tờ vé số mà mấy anh cứ lắc đầu nguầy nguậy.
“Đm…! Bà già lại đây tôi mua cho”, cả quán quay nhìn tay anh chị nhưng rồi vội vã quay đi, tránh ánh mắt quắc gặm như dao của anh ta.
“Bà ngồi xuống đây coi, Đm… có mấy tờ vé số mà mắc gì cứ đứng năn nỉ. Mà bà ăn dĩa cơm rồi tôi mua cho chục tờ”. “Ê quán, lấy cho bả dĩa cơm với chả, đm! Ko biết có nhai nổi ko!?”. Bà già răm rắp, lí nhí chắc nói lời cảm ơn. “Tui mà gặp mấy thằng con của bà là tụi đập chết m..! Đm, già cả vậy giờ này còn phải đi kiếm lúa!”.
Trời ơi! Tui chưa bao giờ nghe ai chửi thề mà dễ thương như vậy. Tự nhiên tui thấy khoái nghe chửi thề. Gió khuya, tạt nước mưa lạnh liên tục vào trong quán mà tui nghe thấy ấm lòng, ấm bụng, không biết tại dĩa cơm, tại hơi than từ cái bếp lò hay vì tiếng chửi thề!?
Và đêm nay, cũng một đêm Sài Gòn mưa rả rích, có một người thấy thèm cơm tấm đêm không phải vì đói. Mà vì nhớ cái thuở đêm đêm về ghé Ngã Bảy ăn cơm. Nhớ cái xóm nghèo, nhớ tiếng chửi thề, nhớ mấy thằng bạn từ thời học cấp 1, cấp 2 đã từng cùng nhau nhóc nheo, lêu lõng. Nhớ cái thời cơm không đủ no, áo không đủ ấm.
Và nhớ cả cô bạn học, nghỉ bán cơm tấm đêm phụ mẹ để đi lấy chồng bên kia bờ bến lạ. “Ăn no rồi về ráng học cho giỏi nghen, chớ đừng có nghèo như nhà tui, khổ và nhục lắm”.
Sài Gòn, đêm mưa tháng 6.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/com-tam-dem-92020.html