Cơn ác mộng đối với tàu sân bay hạng nặng của hải quân Mỹ đang bắt đầu?

Nhiều chuyên gia quân sự đã tỏ ra lo ngại về khả năng tàu sân bay Mỹ bị một thế lực đối đầu làm tê liệt hoặc đánh chìm, dù trên thực tế, Washington chưa bị mất tàu sân bay nào kể từ Thế chiến II.

Tàu sân bay đã thay thế tàu chiến trong Thế chiến II do có tầm hoạt động và sức mạnh tấn công vượt trội. Ngày nay, các siêu tàu sân bay của Mỹ như tàu sân bay lớp Nimitz và Ford vẫn đóng vai trò trung tâm trong việc phóng chiếu sức mạnh trên toàn cầu, có khả năng thực hiện các phi vụ tấn công lớn và nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo quan trọng.

Tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ. Ảnh: Wikipedia

Tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ. Ảnh: Wikipedia

Tuy nhiên, vai trò của chúng ngày càng bị tàu ngầm, tên lửa siêu thanh như DF-21D của Trung Quốc hoặc máy bay không người lái thách thức. Nhiều khả năng chúng phải hoạt động xa bờ biển hơn để tránh khỏi các mối đe dọa. Ngày nay, Mỹ đã tìm cách nâng cấp cũng như việc triển khai máy bay không người lái MQ-25 tiếp nhiên liệu giúp tàu sân bay kéo dài thời gian hoạt động trên biển, nhưng với kích thước khổng lồ, chúng vẫn dễ trở thành mục tiêu tấn công.

Vai trò của tàu sân bay trong lực lượng hải quân Mỹ

Vai trò của tàu sân bay đã trở nên nổi bật trong Thế chiến II, làm thay đổi hoàn toàn chiến lược hải quân. Ngay sau khi ra mắt, chúng đã thay thế tàu chiến trở thành trụ cột của các lực lượng đặc nhiệm hoặc hạm đội trên biển.

Kể từ Thế chiến II, tàu sân bay đã trở thành lực lượng chính trong các hoạt động chiến đấu của quân đội Mỹ ở vùng biển xa xôi. Những con tàu này, với thủy thủ đoàn khoảng 5.000 người gồm thủy thủ và lính thủy đánh bộ, không chỉ đóng vai trò là căn cứ không quân nổi mà còn cung cấp các lựa chọn tấn công khác biệt. Theo Viện Hải quân Mỹ, các tàu sân bay lớp Nimitz và Ford có khả năng thực hiện “tới 125 phi vụ mỗi ngày và tấn công chính xác 6 mục tiêu trong mỗi phi vụ”.

Cuộc tấn công của tàu sân bay cũng như các tàu phụ trợ đi kèm có thể gây ra sức tàn phá trên diện rộng với đối phương. Do đó, việc triển khai tàu sân bay ở các vùng biển không chỉ củng cố cam kết của Washington bảo vệ đồng minh mà còn là thông điệp cảnh báo gửi tới những quốc gia đối đầu. Ngoài vai trò tấn công, tàu sân bay còn có khả năng thực hiện các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Những “căn cứ không quân nổi” này sẽ nhanh chóng vận chuyển các nguồn cung cấp viện trợ quan trọng cho những khu vực bị thiên tai tàn phá.

Hồi tháng 11/2013, tàu sân bay USS George Washington bắt đầu hoạt động cứu trợ ngoài khơi bờ biển Philippines sau khi cơn bão Haiyan đổ bộ vào nước này. Cơn bão đã tàn phá 9 trong số 17 khu vực ở Philippines.

Cơn ác mộng đối với tàu sân bay hạng nặng của Mỹ

Nhiều chuyên gia quân sự đã tỏ ra lo ngại về khả năng tàu sân bay Mỹ bị một thế lực đối đầu làm tê liệt hoặc đánh chìm, dù trên thực tế, Washington chưa bị mất tàu sân bay nào kể từ Thế chiến II.

Theo giới phân tích, tàu ngầm được coi là một trong những mối đe dọa lớn đối với tàu sân bay kể từ Thế chiến thứ nhất. Trước đó vào năm 2006, khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Kitty Hawk đang diễn tập gần đảo Okinawa, Nhật Bản thì một tàu ngầm Type-039 (lớp Tống) Trung Quốc bỗng xuất hiện cách tàu sân bay Mỹ chỉ 8 km. Hàng loạt chiến hạm hộ tống tàu USS Kitty Hawk lúc đó, bao gồm cả tàu ngầm và tàu khu trục mang trực thăng săn ngầm, đều không phát hiện được tàu ngầm Trung Quốc đang tiếp cận. Một trường hợp tương tự khác đã xảy ra vào năm 2015 với Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Ngoài tàu ngầm, tên lửa siêu thanh cũng gây ra nhiều lo lắng cho các hạm đội tàu sân bay. Tên lửa siêu thanh trở nên đặc biệt nguy hiểm không chỉ nhờ vào tốc độ Mach 5 mà còn có khả năng cơ động đáng kinh ngạc. Tốc độ và khả năng cơ động khiến tên lửa này rất khó bị phát hiện, theo dõi hoặc đánh chặn. Ngay cả khi phát hiện tên lửa lao tới, đối phương cũng có rất ít thời gian để triển khai biện pháp đối phó.

Mối đe dọa tiếp theo là máy bay không người lái. Cuộc chiến tại Ukraine cho thấy máy bay không người lái đã trở thành một yếu tố chính của xung đột hiện đại. Chúng có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với máy bay chiến đấu hoặc tàu mặt nước lớn. Hơn nữa, chúng rất dễ thay thế hoặc triển khai. Nhiều người lo ngại, nếu sử dụng một loạt máy bay không người lái tiến hành cuộc tấn công kết hợp, chúng có thể áp đảo hệ thống phòng không của nhóm tác chiến tàu sân bay và có khả năng gây hư hại cho con tàu.

Kỷ nguyên tàu sân bay hạng nặng đang dần khép lại?

Theo giới phân tích, trong các cuộc xung đột tương lai, những siêu tàu sân bay của Mỹ, với lượng giãn nước trên 100.000 tấn có thể là mục tiêu tấn công chính. Tàu sân bay là tài sản vô cùng giá trị với sự đầu tư lớn về nhân lực, trang thiết bị, vũ khí và tài chính. Mặc dù chúng không dễ bị đánh chìm, nhưng nếu những chiếc tàu này bị hư hỏng hoặc vô hiệu hóa thì đây sẽ vẫn là đòn giáng vô cùng nặng nề với hải quân Mỹ.

Nhiều chuyên gia đã đề xuất ý tưởng đóng những tàu sân bay hạng nhẹ để giải quyết vấn đề này. Theo đó, Washington có thể chế tạo và triển khai các tàu sân bay cỡ trung. Việc gia tăng sản lượng tàu sân bay này có thể giúp Mỹ phân tán lực lượng dễ dàng và tạo ra nhiều nhóm tấn công hơn. Ngoài ra, họ cũng có thể tiến hành nhiều hoạt động hơn, chẳng hạn như chiến đấu, huấn luyện binh sỹ quốc gia đối tác hoặc các hoạt động nhân đạo.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, việc đóng những tàu sân bay hạng nặng với kích thước lớn có thể không còn khả thi nếu vũ khí siêu thanh, máy bay không người lái và tàu ngầm tấn công gia tăng. Trong bối cảnh đó, sự dạng hóa các nguồn lực có thể là lựa chọn tốt nhất đối với Washington.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo National Security Journal

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/con-ac-mong-doi-voi-tau-san-bay-hang-nang-cua-hai-quan-my-dang-bat-dau-post1197391.vov