'Cơn ác mộng' ngay trong nhà ở Trung Quốc

Nhà chức trách Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ những người dân phải di dời sau khi lần sụt lún thứ 32 kể từ tháng 8/2023 xuất hiện tại khu vực phía đông bắc thành phố Fuquan, Quý Châu.

 Hố sụt sâu xuất hiện giữa sàn bếp nhà Hu Yuzhen. Ảnh: Weibo.

Hố sụt sâu xuất hiện giữa sàn bếp nhà Hu Yuzhen. Ảnh: Weibo.

Khi trở về ngôi làng nhỏ ở phía tây nam Trung Quốc, một người phụ nữ bất ngờ phát hiện sàn bếp nhà mình lún xuống, ngay trước khi hố sụt mới nhất - một trong hơn 30 hố sụt được ghi nhận trong 17 tháng qua - xuất hiện bên dưới ngôi nhà của cô.

Khu vực cộng đồng Baxiangping thuộc làng Xiangping, phía đông bắc thành phố Fuquan, Quý Châu, từng được tuyên bố có nguy cơ xảy ra thảm họa địa chất vào tháng 5, South China Morning Post đưa tin.

Theo hai báo cáo, nguyên nhân chính đến từ tình trạng cạn kiệt nước ngầm do khai thác mỏ và mưa lớn.

Hố sụt ngay trong nhà

Theo Red Star News, cư dân Hu Yuzhen trở về nhà vào ngày 9/12 sau nhiều ngày đi xa và phát hiện sàn xi măng trong bếp bị nứt, lún, đồng thời có tiếng động bên dưới.

Cô đã đi gọi người giám sát địa chất của làng và khi họ quay lại, một hố sâu xuất hiện với đường kính 2 m, sâu 3 m.

Đây là hố sụt thứ 32 được ghi nhận tại nhóm địa hình karst của Baxiangping - một dạng địa hình đặc trưng dễ bị xói mòn, nổi tiếng với tình trạng đất trũng và sụt lún - kể từ tháng 8/2023.

Hầu hết hố sụt xuất hiện ở các cánh đồng xung quanh làng, đặc biệt là trong mùa lũ tháng 4 và suốt mùa hè. Cơ quan tài nguyên thiên nhiên thành phố này vào tháng 5 cho rằng yếu tố tự nhiên và nhân tạo đều đóng vai trò.

Dân làng cũng báo cáo những dấu hiệu khác cho thấy sự thay đổi đang diễn ra bên dưới lòng đất, bao gồm việc các dòng suối từng được sử dụng để uống và tưới tiêu nay dần cạn kiệt.

 Hơn 30 hố sụt đã xuất hiện ở làng Xiangping và các cánh đồng xung quanh tại tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc kể từ tháng 8/2023. Ảnh: CCTV.

Hơn 30 hố sụt đã xuất hiện ở làng Xiangping và các cánh đồng xung quanh tại tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc kể từ tháng 8/2023. Ảnh: CCTV.

Nguyên nhân

Phân tích của cơ quan địa chất và tài nguyên khoáng sản tỉnh - đơn vị điều tra hố sụt và sự biến mất của nguồn nước suối - kết luận các mỏ than Gantangbian và Hongda đã gây ra tình trạng thoát nước ngầm trong thời gian dài.

Theo báo cáo vào tháng 5, điều này dẫn đến sự sụt giảm mực nước ngầm dưới ngôi làng, cũng như sự thay đổi hướng dòng chảy, cuốn đi lượng nước từng lấp đầy các khe nứt dưới lòng đất.

Hố sụt có kích thước rất khác nhau và có thể hình thành tự nhiên hoặc do ảnh hưởng hoạt động của con người, như xây dựng hoặc sử dụng nước. Chúng xảy ra khi lớp bề mặt sụp xuống thành khoảng trống hoặc khoang rỗng dưới lòng đất được hình thành do nước ngầm cuốn đi cùng các loại đá dễ tan.

Li Qingfeng, kỹ sư cao cấp của cục Quý Châu, trả lời đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV vào ngày 14/12 rằng có rất nhiều hang động trong khu vực "là điều kiện tiên quyết cho sự hình thành của hiện tượng sụp đổ karst".

“Hoạt động khai thác lâu dài và thoát nước ngầm từ hai mỏ than xung quanh, kết hợp với ảnh hưởng của mưa lớn trên bề mặt, đã gây ra sự sụt lún đất”, ông cho biết.

“Mặc dù khu vực khai thác của hai mỏ than này cách nhóm địa hình Baxiangping hơn 1 km, nhưng khi nước ngầm được rút hết khỏi mỏ than, nước ngầm bên dưới nhóm địa hình Baxiangping cũng sẽ bị thoát ra”, ông nói thêm.

Yang Bingtao, phó thị trưởng Fuquan, nói với Red Star News rằng chính quyền sẽ hỗ trợ những người phải di dời, bao gồm cả về tài chính và xây dựng nhà mới. Chính quyền thành phố cũng sẽ làm việc với các mỏ để bồi thường tổn thất cho dân làng, ông cho hay.

Minh An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/con-ac-mong-ngay-trong-nha-o-trung-quoc-post1519943.html