Cơn bão số 3: Thủy điện Bản Vẽ cắt giảm 74% lưu lượng đỉnh lũ
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên lưu vực hồ chứa của Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ đã xuất hiện trận lũ đặc biệt lớn. Tại thời điểm xuất hiện đỉnh lũ với lưu lượng 12.800 m3/s, hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ đã xả nước qua công trình 3.285 m3/s, cắt giảm đến 74% lưu lượng đỉnh lũ.

Thủy điện Bản Vẽ cắt giảm đến 74% lưu lượng đỉnh lũ, góp phần giảm ngập lụt cho hạ du
Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết, lũ bắt đầu xuất hiện lúc 4h ngày 22/7 với lưu lượng 583 m3/s, mực nước hồ cùng thời điểm là 189,08 m. Lũ sau đó tăng nhanh, đạt 1.500 m3/s lúc 10h cùng ngày, mực nước hồ là 189,69 m.
Trước tình hình đó, vào lúc 10h15 cùng ngày, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã nhận được lệnh vận hành giảm lũ cho hạ du của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An.
Đến 16h, hồ chứa bắt đầu vận hành điều tiết nước qua tràn với lưu lượng 508 m3/s (các cửa van mở hoàn toàn), tổng lưu lượng nước xả qua công trình là 845 m3/s, mực nước hồ cùng thời điểm là 191,23 m (mực nước đón lũ thấp nhất là 191,5 m).
Đến 2h ngày 23/7, lũ về hồ đạt đỉnh với lưu lượng 12.800 m3/s. Tại thời điểm xuất hiện đỉnh lũ, hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ đã xả nước qua công trình là 3.285 m3/s, cắt giảm đến 74% lưu lượng đỉnh lũ.

Phòng điều khiển Trung tâm Nhà máy, lực lượng vận hành luôn trực 24/7 để vận hành Nhà máy phát điện an toàn
Việc cắt, giảm lũ cho hạ du làm mực nước hồ tăng nhanh, hồ chuyển dần sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình. Tuy nhiên, do vùng hạ du đang xảy ra ngập lụt nghiêm trọng nên Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An xin chuyển từ chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình sang chế độ vận hành bất thường để hạn chế việc xả nước xuống hạ du, tiếp tục đóng góp vào việc giảm ngập lụt cho hạ du.
Đây là trận lũ đặc biệt lớn, vượt tần suất lũ kiểm tra (lũ kiểm tra của công trình thủy điện Bản Vẽ có lưu lượng là 10.500 m3/s). Tuy nhiên, Công ty đã vững vàng vượt qua, vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối, góp phần đáng kể trong việc cắt, giảm lũ cho hạ du.
Đại diện công ty cho biết, với nhiệm vụ đa mục tiêu, Thủy điện Bản Vẽ không chỉ đơn thuần là một công trình phát điện mà còn đóng vai trò như “lá chắn” vững chắc, góp phần bảo vệ an toàn cho khu vực hạ du trong mùa mưa lũ. Chính vì vậy, công tác vận hành và điều tiết hồ chứa luôn được đặt lên hàng đầu, trở thành mối quan tâm đặc biệt của cả chính quyền địa phương lẫn đơn vị quản lý.

Nhân viên Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ kiểm tra công trình, thiết bị đảm bảo hoạt động ổn định trong mùa mưa lũ
Đại diện Công ty Thủy điện Bản Vẽ cũng cho biết, trước diễn biến phức tạp và khó lường của bão số 3, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã chủ động cao độ, triển khai khẩn trương, đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống thiên tai nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công trình và khu vực hạ du. Không chỉ dừng lại ở việc thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Công ty còn chủ động xây dựng và thực hiện sớm các phương án ứng phó, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ngay sau khi có thông tin về cơn bão, thực hiện chỉ đạo của Tổng công ty Phát điện 1, Công ty đã nhanh chóng tổ chức kiểm tra, rà soát toàn diện toàn bộ các hạng mục công trình, thiết bị và hệ thống vận hành trước mùa mưa lũ. Kết quả kiểm tra cho thấy tất cả hạng mục đều đảm bảo an toàn, hoạt động ổn định và sẵn sàng đối phó với các tình huống mưa lũ phức tạp.
Trong quá trình điều tiết, Công ty thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt, luôn đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du. Không chỉ chú trọng đến công tác kỹ thuật, Công ty Thủy điện Bản Vẽ còn đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai. Các thông tin dự báo mưa lũ, tình hình vận hành hồ chứa, phương án xả lũ… được thông báo kịp thời, minh bạch đến cán bộ, công nhân viên và người dân địa phương, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó và giảm thiểu rủi ro thiên tai trong cộng đồng.
Song song với đó, Công ty đã tổ chức các lực lượng trực ban, ứng trực 24/24h tại công trình; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư, thiết bị dự phòng, đảm bảo sẵn sàng xử lý nhanh chóng mọi tình huống phát sinh. Công tác phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng các đơn vị chức năng trên địa bàn được triển khai chặt chẽ, thống nhất để chủ động điều hành theo các cấp độ thiên tai.