Con bị giáo viên phàn nàn kém tập trung, lười học, mẹ rút ra 3 điều giúp giải quyết triệt để

Từng 'vật lộn' với 2 cậu con trai nghịch ngợm, chị Liên cho rằng, có 3 vấn đề cần lưu tâm.

Là một thạc sĩ quản lý giáo dục hiện đang công tác tại một trường học ở Hà Nội, đồng thời là bà mẹ của 2 cậu con trai, có nhiều bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con, chị Nguyễn Thị Hồng Liên (Hà Nội) thường nhận được rất nhiều câu hỏi, tâm sự của các mẹ.

Trong đó, vấn đề nhiều người than nhất là con nghịch quá, cô giáo nói con không học được, hoặc con không tập trung, cứ ngồi với con là cha mẹ... phát cáu. Rồi bố mẹ quát, nạt, thậm chí đánh con. Cả nhà náo loạn cả lên, từ gia đình đến giáo viên, ai nấy đều căng thẳng, mệt mỏi.

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên (Hà Nội)

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên (Hà Nội)

Từng "vật lộn" với 2 cậu con trai nghịch ngợm, chị Liên cho rằng, có 3 vấn đề cần lưu tâm:

Thứ nhất, cô giáo và phụ huynh cần biết sự phát triển tâm sinh lý của trẻ mầm non và tiểu học. Thường xuyên tham gia dự giờ các lớp, chị Liên nhận thấy, việc trẻ lớp 1, lớp 2 không ngồi yên là rất bình thường. Vì trẻ ở độ tuổi này thường chỉ có sức tập trung 5-15-20 phút, do đó trong một giờ học 35-40 phút, các giáo viên cần thay đổi hoạt động trong lớp liên tục để các con có cơ hội vừa học vừa chơi.

Trẻ cần được di chuyển để thân thể vận động, được nhìn hình ảnh để tưởng tượng, được nghe âm thanh để cảm nhận và hứng thú, được tương tác với các bạn để hình thành kỹ năng. Do đó, một người giáo viên mầm non và tiểu học (đặc biệt lớp 1-2) khi lên lớp cần có giáo cụ dạy học, các clip, chuẩn bị nhiều trò chơi học tập để trẻ được học và tương tác, được vận động.

Với các em rất nghịch phải bố trí các em nhiều việc làm nhanh như nhận nhiệm vụ đi ra ngoài giặt giẻ lau bảng; hoặc cô sẽ cho con làm trợ lý hỗ trợ các bạn chưa làm được bài. Sau khi làm xong việc cô giáo giao, có thể ra ngồi cắt 1 ngôi sao rồi tô màu, trang trí. Hoạt động nhỏ này có thể rèn cho trẻ sự kiên trì, khéo tay.

Như vậy trong giờ học, giáo viên phải rất vất vả tạo "công ăn việc làm", nghĩ hoạt động học tập cho các con. Thường thì một lớp lý tưởng để 1 cô quản tốt được là từ 20 - 25 học sinh.

Thứ 2, với thực trạng hiện nay trường công rất đông học sinh, thực sự không có không gian, thời gian để các cô tổ chức hoạt động, lại thêm áp lực thi đua, lại chưa được cập nhật phương pháp mới (hoặc có được học phương pháp mới thì lớp 25 - 30 cháu đã khó làm theo nên không triển khai được với lớp 50-70 học sinh), giáo viên rất áp lực và vất vả.

Vì thế khi nhận một phản hồi của các cô, các bố mẹ cũng nên cố gắng bình tĩnh. Chỉ như vậy mới có thể đồng hành với con tốt hơn.

Các phụ huynh cần hiểu các cô định nghĩa tập trung là ngồi ngoan, cô bảo gì nghe nấy, chịu khó ngồi tiếp thu bài. Mỗi tiết ngồi 35 - 40 phút, nghỉ 5 phút, rồi học 8-9 tiết 1 ngày, chỉ có 2 lần ra chơi 20 phút vào giữa buổi sáng và giữa buổi chiều, trong khi điều đó là không thể với lứa tuổi 5, 6, 7.

Nên chúng ta đừng vội lo, con 5 tuổi ngồi tập trung học được 15 phút, 6 tuổi 20-25 phút, 7 tuổi 30-35 phút, sau đó chạy đi ra đi vào là bình thường. Đừng quá lo lắng, hãy tập trung vào giải pháp khiến con tiến bộ và cải thiện hơn.

Thứ 3, khi con đã thấy con không nhớ được bài, học đâu quên đó, thì lập tức phải tìm giải pháp hỗ trợ.

1. Cần phải cho con ngồi bàn bắt đầu từ 4 tuổi. Việc ngồi bàn cần tập dần 5 phút, 10 phút, lên 15 phút, rồi 20 phút, 30 phút. Thường cứ 1-3 tháng tùy trẻ thì lên được 5 phút. Nên mua một cái đồng hồ và quy định kim chỉ đến số mấy con được đứng lên. Việc ngồi bàn và chơi nhiều thứ trên bàn như ngồi vẽ, ngồi nghe mẹ đọc sách, ngồi chơi với flash card, ngồi xâu hạt, ngồi ghép hình, tô số, tô chữ...

Cuộc chiến ngồi bàn này rất vất vả cho cả mẹ và con. Con không chịu ngồi, con khóc, con viện lý do. Mẹ cần sắt đá một chút, có quy định thưởng phạt rõ ràng thì con sẽ biết phải làm gì.

"Với nhà mình, mẹ chỉ cần đổi giọng, nói con đi vào ngồi bàn, lập tức các con sẽ vào bàn ngồi, không cự nự. Mình là người nhất quán, khá có uy, biết sử dụng ngôn ngữ cơ thể, do đó mình không có có khó khăn khi dạy bất cứ đứa trẻ nào cả, vì cứ học 5 phút là cho chơi gì đó rồi lại vào ngồi thì không có gì là khó khăn cả. Chỉ cần kiên trì là con chuyển trạng thái", chị Liên cho biết.

Nếu mẹ chưa từng cho con ngồi bao giờ, thì bây giờ là lúc phải tập ngồi. Bố mẹ làm điều này càng sớm càng có lợi.

Nhưng để con ngồi mà khôngchán, hãy động viên như: Hôm nay con ngồi được 5 phút trong 45 phút, mẹ thưởng 1 mặt cười. Khi nào đủ 5 mặt cười cuối tuần mẹ cho con đi chơi hoặc mua đồ... (Phần thưởng chỉ hiệu quả khi có sự khan hiếm, tức là trước đó mẹ không mua đồ chơi, mua đồ ăn cho con bừa bãi, thiếu thì mới thèm, thèm mới là động lực).

Ngày nào cũng liên hệ giáo viên, và nếu con học chưa tốt ở đâu thì ôn tập lại với con lúc đó, tuyệt đối không cho đi học thêm. Vì những bạn nghịch chỉ có kèm 1:1 mới hiệu quả, việc đi học thêm chỉ kéo dài chuỗi ngày đau khổ ngồi tĩnh của con và làm con phát cuồng thêm. Mẹ có thể mời 1 gia sư và cho gia sư đọc bài này để cô gia sư đó làm việc với con đúng phương pháp sư phạm, động viên và có kỷ luật.

2. Đọc sách

Các mẹ nên cho con đọc thêm sách và ngồi vẽ lại cốt chuyện kể lại cho mẹ. Đây là nền tảng của việc phát triển tư duy và ngồi tĩnh. Đọc sách và đúc kết lại bài học, tóm tắt câu chuyện là không thể thiếu.

3. Giao việc

Ngoài ra nhớ giao việc cho con nhiều để các con rèn thói quen nhận nhiệm vụ và biết phối hợp. Các mẹ cũng dần cho con tự dọn đồ chơi, làm việc nhà nho nhỏ để rèn kỹ năng tự lập, đây cũng là nền tảng của sự tập trung.

4. Giờ chơi

Đừng quên bố trí đủ giờ chơi tầm 90-120 phút một ngày, có thể chia nhỏ làm 2 đợt, nhưng phải được chơi tự do đủ trẻ mới có sức tập trung học và thoát bớt năng lượng xấu, giải tỏa stress.

Các ngày cuối tuần cũng đưa con đi chơi "tẹt ga" cho con tái tạo năng lượng sau 1 tuần mệt mỏi. Truyền năng lượng yêu thương bằng sự quan tâm, hỏi han, ôm ấp, khen con nỗ lực hàng ngày, trong từng việc nhỏ.

Các sản phẩm con chị Liên làm để phát triển đôi tay và sự tập trung ở nhà.

Các sản phẩm con chị Liên làm để phát triển đôi tay và sự tập trung ở nhà.

"Con mình không phụ thuộc vào ai được, phải tự mình nỗ lực. Con quậy hay chán học mình đảm bảo 50% là sự giáo dục sai cách của bố mẹ, ông bà, 20% là sai cách từ các cô, 20% từ môi trường, 10% đến từ con. Do đó, bố mẹ không dám đối diện với cái sai không biết dạy con của mình trong quá khứ, tìm giải pháp khắc phục cho chính cái sai của mình thì không thể mong con tiến bộ được. Hãy bình tĩnh, đồng hành, nỗ lực, quả ngọt sẽ đến nhanh chóng", bà mẹ hai con chia sẻ.

Hiểu Đan

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/con-bi-giao-vien-phan-nan-kem-tap-trung-luoi-hoc-me-rut-ra-3-dieu-giup-giai-quyet-triet-de-20230725212745565.htm