Ứng dụng AI để giảm dần số người bị đột quỵ đang gia tăng ở Việt Nam
Mỗi trường hợp đột quỵ không chỉ là một người bệnh cần điều trị mà còn là một mạng sống, một gia đình bị ảnh hưởng trầm trọng. Trong khi đó, tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận hơn 200.000 người bị đột quỵ và con số đáng báo động này đang ngày càng tăng cao.
Ngày 9-11, tại phiên khai mạc Hội nghị đột quỵ quốc tế năm 2024 với chủ đề "Tiếp cận đa chuyên khoa và trí tuệ nhân tạo", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới. Đột quỵ cũng đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống y tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Mỗi năm, trên thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận hơn 200.000 người bị đột quỵ và con số đáng báo động này đang ngày càng tăng cao.
Hậu quả của đột quỵ não không chỉ ảnh hưởng ở mỗi gia đình mà còn ảnh hưởng tới những vấn đề mang tính xã hội như: gánh nặng y tế và lực lượng lao động, chi phí liên quan tới người bệnh (đột quỵ chiếm khoảng 1,12% GDP toàn thế giới). Do đó, việc nâng cao chất lượng chuyên môn là rất cần thiết để phát triển chuyên ngành đột quỵ nhằm đáp ứng nhu cầu cao cho toàn xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, mỗi trường hợp đột quỵ không chỉ là một người bệnh cần điều trị mà còn là một mạng sống, một gia đình bị ảnh hưởng trầm trọng. Vì vậy, Bộ Y tế đặc biệt coi trọng việc nghiên cứu, cập nhật và triển khai các chiến lược phòng ngừa, cấp cứu và điều trị đột quỵ một cách toàn diện. Với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng và độ phức tạp của các ca bệnh, đòi hỏi hệ thống y tế phải có những bước tiến vượt bậc về cả công nghệ và mô hình tổ chức.
“Trong lĩnh vực phòng chống và điều trị đột quỵ, trí tuệ nhân tạo (AI) giúp chúng ta phân tích nhanh chóng và chính xác dữ liệu hình ảnh, dự đoán diễn biến bệnh, tối ưu hóa kế hoạch điều trị, thậm chí cá nhân hóa phương pháp phục hồi chức năng cho từng bệnh nhân. Với các quốc gia đang phát triển, AI cũng tạo điều kiện giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách trong chẩn đoán và điều trị so với các nước tiên tiến", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu rõ.
Làm rõ thêm về căn bệnh nguy hiểm này, PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, hiện nay, chuyên ngành đột quỵ của Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ so với các nước trong khu vực. Nghiên cứu mới nhất cho thấy có khoảng 60% bệnh nhân sau đột quỵ trở lại cuộc sống bình thường. Trong số 40% còn lại, có khoảng 10% bệnh nhân tử vong, 30% là bị các di chứng tàn phế, gây ra những gánh nặng cho gia đình và xã hội. Để giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do đột quỵ gây ra, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức. Người bệnh đột quỵ phải được đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu và điều trị kịp thời trong giờ vàng (3 - 4,5 giờ) kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ đầu tiên.
Để phòng ngừa đột quỵ, mỗi người nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh; tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường… Đặc biệt, khi có một trong các biểu hiện như: giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng, nói khó, đau đầu, chóng mặt… cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.