Con cá mơ mình hóa bể khơi

Con cá bây giờ không mơ vượt vũ môn để hóa thành rồng, mà nó căng mình chuốc hết bùn lầy nước đọng và phù sa khắc khoải để làm cuộc giao hòa cùng bể khơi, theo cách của dòng sông mà nó được sinh ra. Nhưng nó đang mơ trong lân tinh dòng sông, hay trong linh hồn dòng sông? Trong giấc mơ thi ca của Khải Đơn - một cây bút mà trước đó tôi ngỡ chỉ thuộc về văn xuôi, ký sự, phóng sự - cũng mang chiều kích của sự hóa thân đó.

Vài năm trước, khi ngồi với Khải Đơn để bàn bạc cấu trúc cho cuốn sách Mekong, phù sa phiêu bạt, tôi đã nghĩ rằng, ghi chép thực tế từ những dấn thân, trải nghiệm là một thế mạnh của cây bút này. Tôi không nghĩ rằng đây là một người viết thuộc về phía trữ tình, kiếm tìm nhịp điệu và những khoảng trống siêu logic như một thi sĩ.

Hẳn là sự biết về tác giả trong tư cách một nhà báo xê dịch bên ngoài Việt Nam cho tôi một định kiến rằng, cô ấy sẽ đi sâu vào hiện thực ở tầng mức văn chương tư liệu. Juan Rulfo, đặc biệt là W.G. Sebald... là những tác giả mà tôi gợi ý Khải Đơn tìm đến khi cô có ý định thực hiện một dự án tư liệu về chiến tranh biên giới Tây Nam và chuẩn bị tham gia chương trình Crossing Border Grant từ Literarisches Colloquium Berlin e.V. và Robert Bosch Stiftung, theo đó, sẽ có một thời gian nghiên cứu để hoàn thành tác phẩm tại Đức năm 2018.

Càng củng cố cho một thứ “định kiến” trong tôi về cây bút này, khi cô theo chương trình học giả Fulbright tại Đại học San Jose State University năm 2022. Khoảng thời gian này, chúng tôi vẫn thỉnh thoảng trao đổi về một số truyện ngắn, một số “bài tập” trong chương trình nghiên cứu, thực hành viết mà một học viên ngành MFA in Creative Writing phải hoàn thành.

Khải Đơn đọc tác phẩm tại Tuần lễ Di sản Thơ ca ở California - Hoa Kỳ. Ảnh: J.Gensheimer

Khải Đơn đọc tác phẩm tại Tuần lễ Di sản Thơ ca ở California - Hoa Kỳ. Ảnh: J.Gensheimer

Thế rồi mọi thứ cứ dần dần chứng minh tôi sai. Tôi bắt đầu đọc những bài thơ về Mekong của cô đăng trên một số tờ báo, tạp chí tại Mỹ rồi không những thế, còn hay tin cô nhận giải thơ Academy of American Poets University & College Poetry Prize năm 2021 và 2022 tại San Jose State University. Rồi, xong!, đó là những gì tôi nghĩ về các cây bút văn xuôi Việt Nam “đổ đốn” quay sang làm thơ khi tham gia các khóa học về văn chương bên Mỹ. (Lạ thật, nước Mỹ bị coi là thực tế khốc liệt, mà sao lại khơi được bản năng thi ca mạnh mẽ như thế ở những cây bút Việt Nam? Y như rằng, mười người đến Mỹ học văn xuôi thì hết bảy chuyển qua làm thơ. Thật khó hiểu!)

Và người làm thơ, trong những sự vụ này, họ đã chọn cái dễ hơn hay cái hóc búa hơn, chỉ có trời mới biết!

Luận văn thạc sĩ cũng là tập thơ đầu tay của Khải Đơn có tên Drowning Dragon Slips by Burning Plains (tạm dịch: Rồng chết đuối phía những đồng bằng cháy) được Đại học Texas Tech University và The Diasporic Vietnamese Artists Network (DVAN) chọn xuất bản tháng 10.2023.

Đến đây thì không nghi ngờ gì nữa, tôi biết rằng người viết này đã đi vào ngõ hẹp.

*

Rồng, là Mekong, Cửu Long. Tôi gặp lại một Mekong trong thơ cây bút này với câu chữ lúc cô đọng khô kiệt, lúc tuôn trào mênh mông. Thơ khâu vá dấu vết khẩn hoang và cả huyền thoại rã rời, trôi nổi, rách nát. Thơ trình hiện cơn khát như một chuỗi ám ảnh của những cuộc đi. Thơ dựng lên trùng trùng tương phản: bên này là đầm lầy quá vãng của mẹ cha, bên kia là ánh đèn huỳnh quang đờ đẫn của xưởng may nơi con neo đậu; bên này là gót chân vẽ bằng từng thân đước, bên kia là mái chùa ngập nước; bên kia là đoàn người áo xống rời quê, bên kia là những mùa đói của kẻ ở lại; bên này là huyền thoại phong nhiêu, bên kia là thực tại trơ khốc...

Một hệ sinh thái biến đổi, rệu rã. Xa hơn thế, cảm thức về dòng sông - con rồng - đã chìm đuối phía đồng bằng bốc cháy, và lặn xuống trong thực tại của những tâm hồn vật vờ khánh kiệt. Những đồng bằng ấy không còn là nơi xanh tươi cho loài rồng nương náu.

Chọn một nhịp thơ nhanh đến tất tả như cuộc trốn chạy, nhưng có lúc tác giả cũng chọn một tiết tấu đẹp như hồi quang xuyên qua những giấc mơ của kẻ xiêu tán.

The sky loomed in a plague of locusts white cranes get drunk in a feeding frenzy.
All of these happen when the monk slips
because he walks out to admire the moon
eroding with his temple.
(Bầu trời xám mùa dịch châu chấu bay
đàn cò trắng say máu xanh ngất lịm
Ánh nước chạm vết chân nhà sư
người bước khỏi đêm trăng thẫn thờ rụng
và rơi vào lưng mái chùa ngập nước)
Moon Season (Mùa trăng)

Tập thơ đầu tay của Khải Đơn. Ảnh: CTV

Hơn 50 bài thơ, dù dàn trải hay cô đọng, mỗi thi phẩm mang theo tiếng nói của một vùng châu thổ đang chìm xuống. Ta không nghe tiếng kêu cứu trực tiếp, mà nghe giữa kẽ chữ thoát ra tiếng kêu của những âm hồn:

Flying bombs turn mangoes in my grandma’s garden; juicy flesh I bite in red summers.
Craters hold fermented pomelo; lime pink water glints the sour sunsets.
Lotuses bloom over massacres; pollinating the river, remains’ eyes stare at ripened seedpods.
Sweet rice grows on potters’ fields, feeding young girls tickling breezes.
Buddha Master’s body gathers at sea, bursting into swarms of illuminating linh fish.
The ghost theatre plays a loving act: Departed soldiers kiss rotten wives in tidal swamps.
At the end of this,
I row a leafy boat to the razed jungle, making eye contact with the mythical crocodile.
Mangroves tangle and grow out of my shins.
(Bom rơi bứng gốc xoài vườn cũ của bà
má xoài thơm con cắn vào mùa hè đỏ nắng.
Hố thương ngậm nước bưởi đào chua rưới vào hoàng hôn.
Sen bung cánh trên đồng xác rời, phấn hoa bay tỏa dòng sông, mắt người chết mở trừng gương hoa.
Nếp thơm nảy mầm trên đồng thối máu, con gái cười gió mùa mát lịm.
Thân xác Đức Thầy tụ về biển cả, nở ra thành triệu linh hồn cá linh.
Gánh hát ma diễn vở chia lìa: anh lính lạc lối môi hôn vợ hiền trong huyệt mộ.
Và sau hết thảy,
Con chèo đò về cánh rừng tàn, tìm ánh mắt loài sấu huyền thoại.
Rừng đước quấn quanh, rễ đước đâm chồi thành gót chân con.)
One Day After the Peace Time (Một ngày sau thời bình)

Góp lại từ trải nghiệm, khảo sát, Khải Đơn biến khối dữ liệu thô ráp của đời sống (và cả thông tin) để mã hóa, làm nên một thứ phù sa u uẩn chảy vào thơ. Khối dữ liệu đã đủ thời gian và độ lùi để hóa thành quặng thơ. Về kỹ thuật, Khải Đơn sử dụng nhiều thủ pháp hậu hiện đại qua cắt dán những văn bản bị tẩy xóa, đan chèn các ký hiệu, sử dụng hình ảnh tư liệu (đặc biệt là tư liệu về cuộc chiến đã qua phanh xé cơ thể đồng bằng)... tạo nên tính nhất quán trong ngôn ngữ biểu đạt.

Thi phẩm này không còn là sự gói ghém hoài niệm về dòng sông như thường thấy, mà thâu nhận và chứa đựng thứ tàn âm của linh hồn một Mekong đã chìm xuống.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/con-ca-mo-minh-hoa-be-khoi-41980.html