'Con cái chúng ta giỏi thật!'
Khi người viết trao đổi với một vài vị giám khảo được mời chấm giải Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai lần thứ 9, có người đã phải mượn ý của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin mà thốt lên như vậy. Bởi trong quá trình thẩm định, chấm điểm, họ đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước một số giải pháp kỹ thuật mang nội dung của những đề tài nghiên cứu to tát, 'vượt tầm' của học sinh tham gia dự thi.
Phát động từ tháng 10-2020, Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ 9 đã nhận được 23 mô hình, sản phẩm dự thi thuộc 4 lĩnh vực: bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; phần mềm tin học; đồ dùng học tập; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em của các tác giả/nhóm tác giả đến từ 14 trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Hội đồng giám khảo đã chấm điểm các mô hình, sản phẩm dựa trên các tiêu chí: ý tưởng mới và có tính sáng tạo; tính kỹ thuật, mỹ thuật; khả năng áp dụng rộng rãi vào đời sống, nguyên vật liệu dễ kiếm và có tính bảo vệ môi trường; sự đầu tư. Sau đó, Ban tổ chức xét, xếp giải cấp tỉnh và chọn mô hình, sản phẩm tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc trước ngày 31-8.
Theo vị giám khảo trên, Ban tổ chức đã nhận được nhiều mô hình, giải pháp hoặc sản phẩm thực chất, phù hợp với lứa tuổi và trình độ của các em học sinh như: “Tái chế bạt in hiflex nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông góp phần bảo vệ môi trường”, “Sử dụng nguồn nguyên liệu phế thải để thiết kế máy hút bụi và cân lò xo”, “Truyện tranh giáo dục giới tính dành cho trẻ em”, “Truyện cổ tích Jrai dành cho học sinh tiểu học ở huyện Chư Prông”… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số mô hình, sản phẩm rõ ràng là có sự can thiệp quá tay của phụ huynh hoặc thầy-cô giáo hướng dẫn nghiên cứu, từ nội dung thuyết minh giải pháp đến danh mục tài liệu tham khảo. Khi giám khảo hỏi sâu về quy trình, công nghệ vận hành của mô hình, sản phẩm, có nhóm học sinh đã tắc tị, không thuyết minh được dù trên danh nghĩa trực tiếp nghiên cứu (?!). Lại có giải pháp tương tự đề tài một luận án tiến sĩ Hóa học của một tác giả thuộc Đại học Huế chỉ mới cách đây vài năm!
Không thể phủ nhận rằng những năm qua, phong trào sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh được khuyến khích mạnh mẽ, khen thưởng xứng đáng, tạo động lực to lớn để các em đầu tư nghiên cứu, khẳng định mục tiêu đúng đắn trong phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí lực. Tuy nhiên, chạy theo thành tích trong nghiên cứu khoa học là điều có thực và đã xảy ra, nhất là khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định tuyển thẳng vào đại học đối với những em có dự án đạt giải cao. Tâm lý hơn thua giữa trường này với trường khác về số lượng giải thưởng nghiên cứu khoa học của học sinh cũng bắt đầu phổ biến.
Nhìn rộng ra, đã có một số cuộc thi cấp quốc gia làm “dậy sóng” các diễn đàn về khoa học, giáo dục với những nghi ngại về bệnh thành tích. Gần đây nhất, tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021 (diễn ra từ ngày 25 đến 27-3), dư luận đã đặt dấu hỏi về sự xuất hiện các đề tài “khủng” vượt quá tầm hiểu biết, khả năng của học sinh phổ thông, cả trường hợp tiêu cực, sao chép hàng loạt đề tài đã đạt giải. Dĩ nhiên, học sinh trung học chưa đủ độ chín về kiến thức, kỹ năng nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật bài bản, chuyên nghiệp nên sự hỗ trợ của thầy-cô giáo và gia đình là điều cần thiết. Dù vậy, hỗ trợ và hướng dẫn ở mức nào để đây vẫn là sản phẩm trí tuệ của chính các em là vấn đề cần hết sức để tâm.
“Chúng ta đã đi quá xa trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học, nên dừng lại để tránh những hệ lụy nặng nề”-đã có ý kiến đầy cảm thán như thế. Xét kỹ, sự không thực chất của một cuộc thi không chỉ dẫn đến sự thiếu công bằng trong việc đánh giá, xếp loại giữa các tác giả/nhóm tác giả, mà về lâu dài vô hình trung sẽ hình thành ở các em tính giả dối, đánh tráo, nhận vơ thay cho những phẩm chất tốt đẹp mà các em cần luyện rèn khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy, thiết nghĩ, cần lắm sự trung thực từ phía bản thân thí sinh, gia đình và nhà trường cùng sự thẩm định kỹ lưỡng của hội đồng giám khảo để các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật trở thành sân chơi bổ ích đúng nghĩa.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12404/202108/con-cai-chung-ta-gioi-that-5749060/