Con chim quý phải có… giấy chứng nhận

Không ít người đã bình luận theo kiểu mỉa mai khi đọc các bài báo nói về quy định người nuôi chim cảnh ở Huế phải đăng ký. Dù cơ quan chức năng đã giải thích việc đăng ký là đúng nhưng việc người dân hiểu sai cũng có một phần là do việc thực thi luật pháp cứ như đang 'ngủ gật'.

Hơn chục ngày qua, nhiều tờ báo đã đăng tin bài như “Chứng minh chim có nguồn gốc hợp pháp bằng cách nào, đăng ký nuôi chim cảnh thủ tục ra sao?”(1) hay “Huế: Khách uống cà phê mang theo chim phải chứng minh nguồn gốc”(2), “Khách uống cà phê mang theo chim phải xuất trình những giấy tờ gì?”(3) và dường như đang có cách hiểu khác nhau của người nuôi chim cùng kiểm lâm trong việc thực thi luật pháp.

Mặc dù đến nay không ai thống kê số lượng chim cảnh và số gia đình có nuôi chim cảnh nhưng đây là con số không hề nhỏ, có thể là có hàng triệu hộ gia đình đang nuôi hàng triệu con chim cảnh như chào mào, họa mi, cu gáy, vẹt, sáo, khướu…

Gần như ai cũng công nhận là thị trường chim cảnh hiện nay nếu dựa vào quy định là phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì rất hiếm có con chim cảnh nào có giấy tờ của cơ quan chức năng.

Thế nhưng, phần lớn người nuôi chim đang mặc định nghĩ là loại chim mà gia đình nuôi không phải trong danh mục động vật quý hiếm bậc I (cấm khai thác, mua bán) hay bậc II (hạn chế mua bán, khai thác, nuôi…) của Nhà nước, nên là hợp pháp.

Đó là lý do mà vụ người nuôi chim cảnh ở Huế mang đến quán cà phê “giao lưu chim hót” bị kiểm lâm yêu cầu chứng minh nguồn gốc làm xôn xao giới chơi chim cảnh, lắm người mỉa mai.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là khâu thực thi pháp luật về chim cảnh, chim hoang dã của nhà chức trách có vẻ như đang “ngủ gật”. Việc cơ quan chức năng, cụ thể là kiểm lâm các địa phương lâu lâu mới đột ngột phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển chim hay ngăn cản vụ thi chim cảnh nào đó lại viện dẫn luật pháp như vụ ở Đông Nam bộ cách nay chục năm và nay là ở Huế.

Kiểu thực thi luật như thế càng làm cho người nuôi chim, kinh doanh chim dễ nhầm tưởng “chẳng qua mình bị xui”.

Hơn chục năm về trước, từng có một vụ vận chuyển chim cảnh ở Đông Nam bộ bị kiểm lâm bắt giữ, sau đó thả về tự nhiên làm dậy lên câu hỏi: Với những loại chim trời, chim hoang dã không nằm trong danh mục quý hiếm thì có cần chứng minh nguồn gốc hay không khi mà thấy ai cũng nuôi được?

Từ năm 1992, Nhà nước đã ban hành danh mục động, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm và sau đó liên tục bổ sung. Việt Nam hiện cũng là thành viên của nhiều công ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã, đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ việc nuôi, buôn bán động vật hoang dã, bao gồm các loài chim cảnh phổ biến.

Quy định người nuôi chim cảnh, kinh doanh chim… phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ đã có hơn 30 năm, cơ quan kiểm lâm nên tuyên truyền, vận động đồng loạt trên cả nước, đừng để người nuôi chim nghĩ mình bị xui, bị làm khó. Hơn nữa, kiểm lâm quy định chim cảnh phải có đăng ký, xác nhận nguồn gốc nhưng cho đến nay, gần như hiếm có địa phương nào tổ chức cho dân đăng ký, cũng hiếm ai biết quy trình đăng ký ở đâu, cần giấy tờ gì xác minh.

Không thể có chuyện quán cà phê ở Huế không cho treo chim cảnh “giao lưu” nếu không chứng minh nguồn gốc, còn quán các “cà phê chim” ở TPHCM thì sáng cuối tuần quán nào cũng treo hàng trăm lồng chim.

Đặc biệt hơn, thú chơi của người nuôi chim cảnh là mang chim thi hót các hội thi chim, "giao lưu" ở các quán cà phê, công viên ở các đô thị không lẽ mang kè kè theo giấy xác nhận từng con chim cảnh quá bất tiện nhưng không thấy cơ quan chức năng giải thích.

Do đó, chìa khóa quan trọng hiện nay là tăng cường truyền thông, tập huấn quy trình đăng ký chim cảnh rộng rãi, minh bạch hóa quy định để người nuôi và nhà kinh doanh biết rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Kiểm lâm các địa phương cần đồng hành hỗ trợ người nuôi chim, đơn vị kinh doanh chim cảnh xây dựng hệ thống xác nhận nguồn gốc thuận lợi, tiết kiệm thời gian, giảm phiền hà và khuyến khích nhập khẩu, mua bán chim có giấy tờ hợp pháp.

Lâu nay có câu "con chim quý phải ở lầu son", nay thì "con chim quý phải có giấy chứng nhận" mới là chim quý và còn nhiều việc mà kiểm lâm lẫn người nuôi chim cảnh phải làm để tuân thủ luật pháp.

(1) https://nld.com.vn/chung-minh-chim-co-nguon-goc-hop-phap-bang-cach-nao-dang-ky-nuoi-chim-canh-thu-tuc-ra-sao-196250514162300084.htm

(2) https://nld.com.vn/hue-khach-uong-ca-phe-mang-theo-chim-phai-chung-minh-nguon-goc-196250513105325208.htm

(3) https://plo.vn/khach-uong-ca-phe-mang-theo-chim-phai-xuat-trinh-nhung-giay-to-gi-post849590.html

Hồng Văn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/con-chim-quy-phai-co-giay-chung-nhan/