Cơn cuồng nộ của khí hậu đe dọa biến Athens thành sa mạc
Các đám cháy rừng lan rộng khắp khu vực xung quanh Athens khi thành phố thủ đô của Hy Lạp chuẩn bị đón nhận đợt nắng nóng với nhiệt độ dự báo cao gần kỷ lục trong tuần tới. Đó có thể là một thảm họa sinh thái dài hạn, đe dọa cái nôi của nền văn minh phương Tây với Athens có nguy cơ biến thành sa mạc.
Tuần trước, các vụ cháy rừng hoành hành trên khắp khu vực Attica rộng lớn bao quanh Athens, phá hủy nhà cửa, buộc người dân cũng như du khách phải chạy lánh nạn đến các bãi biển gần đó. Khi khí hậu nóng lên, nhiệt độ cực cao và hỏa hoạn xảy ra thường xuyên hơn, những cánh rừng ô liu và rừng thông bao quanh thủ đô Athens có thể không kịp hồi sinh.
“Nếu xuất hiện các vụ cháy rừng mới trong năm nay hoặc năm sau, thiêu rụi ngọn núi Parnitha có nhiều cánh rừng rậm (ở phía bắc Athens), thì tình trạng sa mạc hóa sẽ ngay lập tức xuất hiện”, Efthymios Lekkas, giáo sư về địa chất và quản lý thảm họa tại Đại học quốc gia Kapodistrian ở Athens, cảnh báo.
Biến đổi khí hậu, do khí thải từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, đang làm tăng cường độ và thời gian của các đợt nắng nóng mùa hè trên khắp Bắc bán cầu. Tình trạng này làm dấy lên mối lo ngại rằng, nhiều khu vực trên hành tinh có thể sớm trở thành nơi không thể sống được. Trong khi sự mở rộng về phía nam của sa mạc Sahara từ lâu gây ra thảm họa sinh thái đối với các quốc gia như Sudan và Chad, thì rìa phía bắc của sa mạc này đang đe dọa “ăn” vào châu Âu.
Hy Lạp nằm trong số các quốc gia ở nam và đông nam châu Âu, bao gồm cả Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Bulgaria và Romania, dễ bị sa mạc hóa khi nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm, gây ra cháy rừng. Xu hướng đó được dự báo sẽ tiếp diễn khi khí thải nhà kính tiếp tục làm nóng hành tinh.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tác động sẽ nghiêm trọng hơn ở Địa Trung Hải, một khu vực bán khô hạn vốn đã nóng lên nhanh hơn 20% so với mức trung bình toàn cầu. Hy Lạp đặc biệt dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, với lượng mưa giảm trên cả nước và nước biển dâng cao làm tăng nồng độ muối trong đất đai, một hiện tượng đẩy nhanh quá trình sa mạc hóa.
Hai đám cháy rừng lớn bùng phát vào tuần trước ở phía đông nam và tây bắc Athens. Đám cháy rừng thứ ba tấn công khu vực cách thủ đô 80 km về phía tây. Theo Đài quan sát quốc gia Athens, chỉ riêng đám cháy ở Devenoxoria đã thiêu rụi hơn 9.500 hecta, thiêu rụi cây cối và nhà cửa.
Theo Kimon Hadjibiros, giáo sư danh dự tại Đại học Kỹ thuật quốc gia Athens và là chuyên gia về các vấn đề sinh thái và chính sách môi trường, cháy rừng đã trở thành vấn đề thường xuyên trên toàn khu vực kể từ thập niên 1980. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng mối đe dọa của các đám cháy này.
Vào năm 2021, các vụ cháy rừng ở vùng Attica (bao gồm cả Athens), phía nam Hy Lạp diễn ra sau đợt nắng nóng với nhiệt độ lên tới 46 độ C. Năm 2018, một đám cháy rừng gần thủ đô đã khiến hơn 100 người thiệt mạng.
Tuần tới, nhiệt độ trung bình dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa. Mức nhiệt độ cao nhất của lục địa Hy Lạp được dự báo sẽ đạt 47 độ C vào 26-7, ngang bằng với mức cao kỷ lục của đất nước được thiết lập ở Athens vào năm 1977.
Chính phủ Hy Lạp đang kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu khác gửi thêm máy bay thả “bom nước” và lính cứu hỏa để hỗ trợ nước này dập tắt các đám cháy rừng tiếp theo.
“Giai đoạn khó khăn vẫn chưa kết thúc”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nói vào hôm 20-7. Về lâu dài, Thủ tướng Mitsotakis cho biết, chính phủ sẽ tìm cách phân bổ lại các nguồn lực để tái trồng rừng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cháy rừng ở Attica.
Kế hoạch hành động chống sa mạc hóa của Bộ Nông nghiệp Hy Lạp ghi nhận, 1/3 lãnh thổ của Hy Lạp có nguy cơ sa mạc hóa cao. Trong khi thâm canh nông nghiệp là một trong những nguyên nhân chính, nhiệt độ cao hơn và lượng mưa thấp hơn đang đẩy nhanh quá trình xói mòn đất.
Trong ngắn hạn, giáo sư Hadjibiros cho rằng, Hy Lạp nên xem xét việc thay thế những cây thông gần các khu dân cư hiện tại bằng những loại cây khác, ít bắt lửa hơn. Ngoài ra, ông nói cần phải kìm hãm biến đổi khí hậu bằng cách sử dụng năng lượng gió và mặt trời thay thế nhiên liệu hóa thạch.
“Điều đáng lo ngại là tần suất và cường độ của các đám cháy rừng liên quan đến các hiện tượng khí tượng như sóng nhiệt. Điều đó có nghĩa là năm này qua năm khác, chúng ta sẽ chứng kiến những sóng nhiệt ngày càng tồi tệ hơn cho đến khi những khu vực như Attica bị sa mạc hóa”, Hadjibiros nói.
Theo Bloomberg