'Côn Đảo tháng Tư trời rưng rưng nắng'

Xin được mượn một câu thơ rất ý nghĩa trong bài

Xin được mượn một câu thơ rất ý nghĩa trong bài "Tháng Tư về Côn Đảo” của nhà thơ Thanh Dương Hồng, để nói lên cảm xúc của tôi cũng như của rất nhiều người đã lựa chọn đến Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào những ngày tháng Tư lịch sử. Khi cả nước tự hào hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có một "địa chỉ đỏ” thu hút hàng nghìn người đến dâng hương và trải nghiệm hành trình về nguồn đầy cảm xúc: Côn Đảo - nơi những hy sinh đã hóa thành bất tử, để 50 năm hay mãi mãi về sau, trời Côn Đảo vẫn rưng rưng nắng, gió vẫn thổi dài qua những hàng dương…

Khu di tích Nhà tù Côn Đảo tái hiện nhiều cảnh giam cầm chiến sỹ cách mạng Việt Nam thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, qua đó, tái hiện một thời kỳ lịch sử đau thương, bi hùng.

Khu di tích Nhà tù Côn Đảo tái hiện nhiều cảnh giam cầm chiến sỹ cách mạng Việt Nam thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, qua đó, tái hiện một thời kỳ lịch sử đau thương, bi hùng.

"Đến Côn Đảo hôm nay, tôi thật sự không thể hình dung được hòn đảo bình yên này lại từng là "địa ngục trần gian” dưới sự thống trị bạo tàn của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ…” - anh Phan Bá Long, du khách đến từ quận Long Biên, Hà Nội bồi hồi chia sẻ.

Hòa vào đoàn khách tham quan di tích Nhà tù Côn Đảo, anh Long chăm chú nghe hướng dẫn viên giới thiệu về quá khứ bi tráng của "nhà tù khắc nghiệt nhất Đông Dương”. Từ thời Pháp thuộc cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Côn Đảo là nơi lưu đày khổ ải hàng vạn chiến sỹ cách mạng của Việt Nam. Tại đây đã có khoảng 200.000 lượt tù nhân là chiến sỹ yêu nước thuộc nhiều thế hệ người Việt bị giam cầm, tra tấn khốc liệt; 20.000 người tù Cộng sản vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này…

Hướng dẫn chúng tôi tham quan khu di tích Nhà tù Côn Đảo, bà Nguyễn Ngọc Như Xuân, cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo giới thiệu: Hệ thống nhà tù Côn Đảo tồn tại trong 113 năm (từ năm 1862 - 1975). Qua 2 thời kỳ, thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ đã cho xây dựng tổng cộng 127 phòng giam, 42 xà lim, 504 phòng giam biệt lập (còn gọi là chuồng cọp). Bên cạnh đó còn có các cơ sở tù để đày ải người tù làm lao dịch khổ sai. Con số tù nhân thời chống Mỹ lên cao nhất, từ khoảng năm 1969 - 1972 có xấp xỉ 10.000 người. Sự dã man đối với nhà tù Côn Đảo thời Mỹ - ngụy được mô tả khắc nghiệt hơn gấp nhiều lần so với nhà tù thời Pháp. Nói như giáo sư Trần Văn Giàu: "Nhà tù Côn Lôn (tên gọi nhà tù Côn Đảo đầu thế kỷ XX - NV) thời Pháp thuộc đã là địa ngục ở trần gian rồi, đến thời Mỹ - ngụy là địa ngục trong địa ngục, và nói như vậy cũng chưa vừa”…

Lịch sử đã ghi chép lại thành những câu chuyện để kể cho hậu thế khi đến Côn Đảo. Tháng Tư này, những câu chuyện như càng xúc động hơn bởi đặt trong bối cảnh cả nước hân hoan hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Được biết, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể. Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo được xếp hạng di tích quốc gia. Nơi đây trở thành "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, giúp các thế hệ mai sau hiểu sâu sắc hơn giá trị của hòa bình.

Trong khuôn viên nhà tù Côn Đảo, giọng người hướng dẫn viên rưng rưng khi giới thiệu: Hàng chục năm trước, hàng vạn chiến sỹ Cộng sản của ta đã bị đày ải dã man trong nhà tù Côn Đảo. Những tù nhân cách mạng kiên trung bị bọn cai ngục sử dụng mọi mánh khóe, miếng đòn để tra tấn, bạo hành. Nhưng họ không hề nao núng tinh thần. Thậm chí, đã quật cường biến "địa ngục trần gian” thành "trường học Cộng sản” nuôi dưỡng tinh thần cách mạng quật cường, biến đau thương thành sức mạnh. Tại đây, nhiều chiến sỹ đã trưởng thành ngay từ trong ngục tù. Tổ chức Đảng ở Côn Đảo đã lãnh đạo anh em tù chính trị và cả tù thường phạm đấu tranh kiên cường, bền bỉ suốt mấy chục năm. Cuộc chiến đấu bất khuất, dũng cảm, mưu trí của các chiến sỹ Côn Đảo là những trang chói lọi của lịch sử cách mạng, được nối tiếp và nhân lên trong chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam…

Nhà tù năm xưa vẫn còn đó, nhưng Côn Đảo hôm nay không còn là "địa ngục trần gian”. Quá khứ đã khép lại, cánh cửa nhà tù cũng khép lại và trở thành một quần thể di tích lịch sử đặc biệt mà bất kỳ ai đặt chân đến Côn Đảo cũng muốn tìm đến để tri ân quá khứ. Người ta thường ví những gốc bàng già ở Côn Đảo như "chứng nhân” của lịch sử, từng chứng kiến quá khứ đau thương nhưng oai hùng của các tù nhân chính trị năm xưa. Đây là nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh, nữ anh hùng Võ Thị Sáu và hàng vạn chiến sỹ cách mạng Việt Nam thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ… Đây là nghĩa trang Hàng Keo - chứng tích chiến tranh bi hùng của dân tộc, nơi an nghỉ của hơn 10.000 tù nhân chính trị của ta... Những địa danh đã đưa Côn Đảo thành hồn thiêng đất Việt. Những hy sinh đã hóa thành bất tử, trở thành giá trị trường tồn nuôi dưỡng sự bình yên mãi mãi trên mảnh đất này.

Khánh An

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/305/200685/con-dao-thang-tu-troi-rung-rung-nang.htm