Cơn địa chấn Patriot: Mỹ cân nhắc viện trợ, Nga dọa đáp trả

Tổng thống Trump cho biết đang 'xem xét nghiêm túc' đề xuất cấp thêm Patriot cho Ukraine. Động thái được xem là tín hiệu nối lại viện trợ quân sự, phản ánh tính toán địa chính trị mới của Mỹ, đồng thời vấp phải phản ứng gay gắt từ Nga.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/7 cho biết, ông đang cân nhắc khả năng cung cấp thêm 1 hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine.

“Phía Ukraine đã yêu cầu rồi nhung chúng tôi đang xem xét. Có rất nhiều hệ thống đã được gửi đến Ukraine. Một hệ thống như vậy thực tế rất tốn kém. Thật đáng tiếc khi chúng ta phải chi quá nhiều tiền cho một cuộc xung đột mà lẽ ra đã không bao giờ xảy ra nếu tôi là tổng thống. Cuộc xung đột đang diễn ra rất dữ dội. Vì vậy, chúng tôi đang xem xét”, ông Trump nói.

Hệ thống phòng không Patriot. Ảnh: USASAC

Hệ thống phòng không Patriot. Ảnh: USASAC

Cùng với tuyên bố của Tổng thống Trump, cùng ngày đã diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine Keith Kellogg tại Italia nhằm thảo luận về nhiều nội dung quan trọng giữa hai nước, trong đó có việc củng cố hệ thống phòng không, hợp tác sản xuất vũ khí và tăng cường trừng phạt Nga. Tại cuộc gặp, Tổng thống Zelensky bày tỏ cảm ơn sự hiện diện và sự ủng hộ của Mỹ tại hội nghị, đồng thời khẳng định Ukraine hoàn toàn ủng hộ các sáng kiến hòa bình của Tổng thống Donald Trump.

Về phần mình, ông Kellogg luôn thể hiện quan điểm ủng hộ Ukraine. Cuộc gặp diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Phục hồi Ukraine, dự kiến tổ chức trong hai ngày 10-11/7, với mục tiêu kêu gọi các khoản đầu tư tư nhân và hợp tác kinh doanh để huy động 500 tỷ đô la tái thiết đất nước hậu xung đột.

Phản ứng trước những diễn biến trên, Bộ Ngoại giao Nga lập tức ra cảnh báo, với thái độ cứng rắn. Theo Bộ Ngoại giao Nga, mọi hành động cung cấp vũ khí chỉ càng củng cố quyết tâm của Nga trong việc đạt đến “mục tiêu cuối cùng” của chiến dịch quân sự đặc biệt.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 9/7 nhấn mạnh: “Những quyết định như vậy sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt, mà sẽ chỉ củng cố thêm mục tiêu phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine của chúng tôi. Nhưng điều họ không tiết lộ là họ đang phá hủy Ukraine và cướp đi sinh mạng của người Ukraine bằng những biện pháp như vậy”.

Theo đánh giá của giới phân tích, tuyên bố “đang xem xét” của Tổng thống Donald Trump không đơn thuần là động thái kỹ thuật trong chuỗi viện trợ quân sự, mà phản ánh sự giằng co giữa hai trục lợi ích: hỗ trợ Ukraine để duy trì thế cân bằng với Nga, đồng thời bảo vệ năng lực phòng thủ quốc gia của chính Mỹ trong bối cảnh kho tên lửa đánh chặn đang suy giảm nghiêm trọng.

Trong khi đó, về phía Ukraine, cuộc gặp giữa Tổng thống Zelensky và Đặc phái viên Keith Kellogg, cùng các động thái chuẩn bị cho Hội nghị Phục hồi Ukraine, cho thấy quốc gia Đông Âu này đang cố gắng chuyển dịch từ vai trò người nhận viện trợ sang một đối tác tái thiết và sản xuất quốc phòng. Tuy vậy, phản ứng cứng rắn từ Nga cho thấy cuộc chơi vẫn đang nằm trong thế đối đầu, nơi mỗi quyết định cung cấp vũ khí đều có thể kéo theo những hệ lụy lớn hơn cho an ninh khu vực và xa hơn là trật tự toàn cầu.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022, Mỹ đã cung cấp hàng chục tỷ đô la viện trợ quân sự cho Kiev song chủ yếu số vũ khí này đều được chuyển giao dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nếu việc bàn giao hệ thống tên lửa Patriot này diễn ra, đây sẽ là đợt cung cấp vũ khí lớn đầu tiên cho Ukraine dưới thời chính quyền Mỹ hiện tại.

Hồng Nhung/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/con-dia-chan-patriot-my-can-nhac-vien-tro-nga-doa-dap-tra-post1213807.vov