Thuế quan của Mỹ: EU tìm cách đa dạng hóa quan hệ thương mại
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo mức thuế đối ứng mới đối với các quốc gia sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8, nhiều nước và đối tác thương mại tiếp tục lên tiếng bày tỏ quan ngại đồng thời tìm cách thích ứng.
Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm các đối tác mới sau khi lo ngại các chính sách thuế quan của Mỹ có thể gây mất ổn định thương mại, trong khi các quốc gia châu Á như Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương và kêu gọi duy trì một trật tự thương mại công bằng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Strasbourg, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN
Mặc dù EU vẫn đang dốc sức đẩy mạnh đàm phán với Mỹ nhằm đạt được kết quả tốt nhất, nhưng Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen ngày 10/7 cho biết khối này đang nỗ lực đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ, trong bối cảnh lo ngại mối quan hệ thương mại giữa EU và Mỹ đứng trước nhiều thay đổi.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Pháp - Italy lần thứ 7 diễn ra tại Rome, Chủ tịch EC cho rằng mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa EU và Mỹ "có thể sẽ không thể quay trở lại như trước", đồng thời nhấn mạnh đó là lý do vì sao EU đang nỗ lực củng cố và mở rộng các quan hệ thương mại với các đối tác khác. Theo bà Ursula von der Leyen, hiện 80% kim ngạch thương mại của EU là với các đối tác ngoài Mỹ.
Người đứng đầu EC cũng cho biết Brussels đang tích cực đàm phán với Mỹ để đạt được một thỏa thuận sơ bộ, nhằm giữ thuế quan ở mức thấp nhất có thể và tạo điều kiện ổn định cho doanh nghiệp.
* Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya đã kêu gọi duy trì một trật tự kinh tế quốc tế “tự do, công bằng và rộng mở”. Theo hãng thông tấn Kyodo, người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản đã đưa ra thông điệp như vậy trong cuộc họp với các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Cuộc họp này nằm trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58) và các cuộc họp liên quan đang diễn ra tại Malaysia.
Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Iwaya nhấn mạnh ASEAN hiện là "trung tâm của tăng trưởng toàn cầu". Đánh giá vai trò của ASEAN ngày càng quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng khu vực, người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản cho biết nước này mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN.
Trước bối cảnh Mỹ công bố các mức thuế đối ứng mới và có hiệu lực từ ngày 1/8, Ngoại trưởng Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết phải "duy trì và củng cố" hệ thống thương mại đa phương, lấy Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) làm nòng cốt.
Trong khi đó, từ Bắc Kinh, phản ứng về thông báo mới đây của Mỹ về việc sẽ áp mức thuế 50% đối với mặt hàng đồng nhập khẩu, với lý do đảm bảo an ninh quốc gia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết nước này phản đối việc lạm dụng công cụ thuế quan và điều này sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào.
Còn từ thủ đô Colombo của Sri Lanka, Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này, ông Nandalal Weerasinghe cho biết, Sri Lanka sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với phía Mỹ nhằm đạt được mức thuế thấp hơn đối với hàng hóa xuất khẩu. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 10/7, ông Weerasinghe thông báo Mỹ đã quyết định hạ mức thuế đối ứng đối với hàng hóa Sri Lanka từ 44% xuống còn 30%, nhưng mức thuế cơ bản 10% vẫn sẽ tiếp tục được duy trì đến ngày 1/8. Vì vậy, ông cho biết chính phủ Sri Lanka sẽ tận dụng khoảng thời gian này để đàm phán với Mỹ nhằm giảm thêm mức thuế áp dụng.
Khi thừa nhận xuất khẩu của Sri Lanka vẫn sẽ chịu tác động đáng kể từ chính sách thuế mới của Mỹ, ông Weerasinghe cho biết chính phủ hiện đang thúc đẩy nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, song lưu ý tiến trình này sẽ mất nhiều thời gian.