Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nằm ngay trên đường Phan Châu Trinh, quận Hải Châu, TP Ðà Nẵng, Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh hiển nhiên trở thành “bảo tàng nghệ thuật truyền thống”, gói trọn bản sắc của một vùng văn hóa xứ sở. Ngót 57 năm tồn tại và phát triển, từng bộ trống, mặt nạ, đàn đá,... đến làn điệu, trình thức vũ đạo... luôn được các thế hệ nghệ sĩ nơi này nối nhau gìn giữ.

NSƯT Thanh Tiền và Nghệ sĩ Thu Ba chăm chút hóa trang trước giờ biểu diễn.

NSƯT Thanh Tiền và Nghệ sĩ Thu Ba chăm chút hóa trang trước giờ biểu diễn.

Suất diễn “đãi” đoàn khách phương xa diễn ra vào buổi sáng thứ Tư - suất diễn định kỳ hằng tuần để phục vụ đối tượng khán giả đặc biệt đến từ Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Nam. Khán phòng ấm bừng, từng tiết mục được dàn dựng chỉn chu, mang đến sự hấp dẫn, mới lạ cho người xem. Vượt ra khỏi phạm vi của tuồng, đó là một chương trình tổng hợp với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Từng ánh mắt cuốn theo sân khấu lung linh, đa sắc màu quyện cùng lời dẫn của MC. Không khí rộn ràng với phần biểu diễn đàn đá - một loại nhạc cụ gõ cổ nhất Việt Nam và là một trong những nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người; thoáng chốc, tiếng trống vang lên giòn giã. Từng lời thoại, nét diễn của các nhân vật trong trích đoạn tuồng “Thoại Khanh Châu Tuấn” dễ lấy nước mắt người xem; xen lẫn trong đó có tiết mục múa “Huyền ảo Shiva” tái hiện lại mồn một sự giao thoa giữa văn hóa Chămpa Việt Nam và văn hóa Ấn Ðộ từ nhiều thế kỷ trước; chưa hết mê mẩn với vũ điệu quyến rũ, những tâm hồn đồng điệu lại đắm chìm vào không gian huyền bí của Hát Chầu văn - một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền và một phần tín ngưỡng thờ Mẫu của văn hóa Việt Nam; rồi sau đó lại hòa mình vào cộng đồng Tây Nguyên với tiếng đàn T’rưng. Trên sân khấu, bằng sự đa năng nhiều lĩnh vực của mình, các nghệ sĩ mặc tình thăng hoa...

Trên sân khấu, bằng sự đa năng nhiều lĩnh vực của mình, các nghệ sĩ mặc tình thăng hoa trong tiếng vỗ tay ấm áp của khán giả.

Trên sân khấu, bằng sự đa năng nhiều lĩnh vực của mình, các nghệ sĩ mặc tình thăng hoa trong tiếng vỗ tay ấm áp của khán giả.

Theo NSƯT Trần Ngọc Tuấn, hằng năm, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh có từ 220 đến 250 suất diễn phục vụ công chúng. Trong đó, ngoài những suất diễn trọn vở tuồng dài (một lần mỗi tháng hoặc vào các dịp lễ, Tết) là hàng loạt các hoạt động phong phú, đa dạng như: định kỳ hằng tuần phục vụ Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Nam, đưa "Tuồng vào trường học", “Tuồng xuống phố” biểu diễn dọc hai bên bờ sông Hàn theo danh mục các hoạt động văn hóa - lễ hội. Ðặc biệt, mỗi tháng có 8 buổi biểu diễn lúc 22 giờ, vào các đêm thứ Năm và thứ Bảy tại Cảng Hàng không Quốc tế Ðà Nẵng để quảng bá cái hay, cái đẹp của các loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

Hiện tại, Nhà hát có 1 NSND và 5 NSƯT đang công tác. Năm 2020, nhà hát tiếp nhận thêm 12 diễn viên trẻ, việc chăm bồi lực lượng kế thừa giỏi chuyên môn để sẵn sàng tiếp nối hành trình bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng trên quê hương Ðà Nẵng luôn được chú trọng trong nhiều năm qua. “Cùng lúc, các nghệ sĩ biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật nên rất dễ ảnh hưởng đến nghệ thuật tuồng truyền thống. Chính vì thế, mỗi năm anh chị em sẽ dành thời gian trên dưới một tháng để học tuồng mới, ôn tập các trình thức vũ đạo, làn điệu, kỹ năng biểu diễn... nhằm giữ gìn vốn liếng cổ độc đáo của cha ông”, NSƯT Trần Ngọc Tuấn tâm tình.

NSƯT Trần Ngọc Tuấn giới thiệu truyền thuyết Tam vị Thánh Tổ, Thập Nhị công nghệ và những tác giả, nghệ sĩ tuồng lỗi lạc... đến với khách phương xa.

NSƯT Trần Ngọc Tuấn giới thiệu truyền thuyết Tam vị Thánh Tổ, Thập Nhị công nghệ và những tác giả, nghệ sĩ tuồng lỗi lạc... đến với khách phương xa.

Du khách thích thú chiêm ngưỡng các hiện vật tại khu trưng bày của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Du khách thích thú chiêm ngưỡng các hiện vật tại khu trưng bày của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Tạm biệt Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, dư âm của đèn màu sân khấu, của những thanh âm đầy hấp lực đọng lại thật đẹp trong lòng đông đảo khán giả. Làm sao quên được hình ảnh trước gian thờ Tổ trang nghiêm, NSƯT Trần Ngọc Tuấn giới thiệu về truyền thuyết Tam vị Thánh Tổ, Thập nhị công nghệ; những hậu Tổ của nghệ thuật tuồng như: Ðào Duy Từ, Ðào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh và nhiều tên tuổi nghệ sĩ, tác giả lỗi lạc... Trong ánh mắt đầy thành kính pha lẫn tự hào của ông, gian thờ Tổ luôn là nơi linh thiêng. Những nén hương dâng lên bên cạnh mong ước được ban thêm thần sắc, duyên dáng khi bước ra sân khấu còn là những khoảnh khắc để người nghệ sĩ thấy rõ hơn trách nhiệm của mình với thế hệ tiền nhân và cuộc đời. Tổ nghiệp cho họ chỗ dựa tinh thần vững chắc để thêm yêu nghề, chăm chút trong từng vai diễn, mang hết những gì tinh túy nhất để phục vụ công chúng. Từ không gian này, quá khứ nối liền hiện tại, mờ ảo nối liền hiện thực. Những cánh chim lại say sưa bay trên vòm trời nghệ thuật dẫu ngoài kia mưa nắng, thăng trầm...

Minh Hoàng Phúc

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/con-do-nhung-canh-chim-khong-moi-a34307.html