Con đường 'khổ ải' của xã đạt chuẩn nông thôn mới An Phú

Kinhtedothi – Con đường đất đã tan nát, người tham gia giao thông và dân sinh sống trong vùng từ lâu chịu cảnh nắng bụi bay mù trời, mưa lầy lội, chia cắt…quá khó khăn trong di chuyển. Đó là thực trạng con đường thuộc xã An Phú, xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 của huyện Hớn Quản.

Hố sâu cả mét ngay giữa đường gây nhiều khó khăn cho mọi phương tiện khi tham gia giao thông. Ảnh: Lâm Thiện.

Hố sâu cả mét ngay giữa đường gây nhiều khó khăn cho mọi phương tiện khi tham gia giao thông. Ảnh: Lâm Thiện.

Tuyến đường từ xã An Phú, huyện Hớn Quản đi xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), đoạn dài khoảng 9km qua địa bàn xã An Phú (từ ngã tư ông Sơn, ấp Phố Lố đến hết ấp Tằng Hách) người dân thường gọi là con đường “khổ ải” và ra đường là nỗi "ám ảnh" lớn.

Con đường với chất liệu cấp phối mặt đường là đất đỏ, sỏi đỏ đã xuống cấp trầm trọng. Là tuyến đường là huyết mạch giao thông chính của hàng trăm hộ dân 2 ấp, xe tải chở thức ăn gia súc phục vụ trại chăn nuôi trong vùng, đồng thời hàng ngày con đường còn “gồng mình” phục vụ một lượng lớn xe đầu kéo từ những điểm khai thác đất trong khu vực.

Một đoạn sình lầy là nỗi "ám ảnh" của người tham gia giao thông. Ảnh: Lâm Thiện.

Một đoạn sình lầy là nỗi "ám ảnh" của người tham gia giao thông. Ảnh: Lâm Thiện.

Hiện vào mùa mưa, suốt con đường trở nên lầy lội, "ổ vôi, ổ trâu", trơn trượt, như cảnh tượng quen thuộc tại các vùng nông thôn vài chục năm về trước. Thậm chí, có những điểm xuất hiện hố sâu ước chừng cả mét, nước đọng... khiến mọi phương tiện tham gia giao thông rất khó khăn, vất vả. Học sinh và người lớn tuổi với xe đạp và xe đạp điện không thể qua lại.

Ra đường là nỗi ám ảnh của người dân trong khu vực. Qua 3 ngày không mưa, nhưng ghi nhận con đường vẫn lầy lội như thế này. Ảnh: Lâm Thiện.

Ra đường là nỗi ám ảnh của người dân trong khu vực. Qua 3 ngày không mưa, nhưng ghi nhận con đường vẫn lầy lội như thế này. Ảnh: Lâm Thiện.

“3 ngày nay trời không mưa mà con đường còn lầy lội vậy đó. Còn những ngày mưa thì bùn nhão trên mắt cá chân, nhiều đoạn khi tham gia giao thông không phân biệt được đâu là điểm ngập nước, đâu là hố sâu, nếu chẳng may đi vào hố sâu thì ngã nhào, người và xe ngập luôn…”, anh Nguyễn Văn Hiền, người trong xã Phú An chia sẻ.

Đồng thời anh Hiền cũng như những bà con hai bên đường đều mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, sớm sửa chữa, nâng cấp con đường khang trang hơn để 2 mùa mưa - nắng người dân đi làm và các cháu học sinh tham gia giao thông đỡ vất vả.

Xe ben, xe tải và xe gắn máy đang cố gắng vượt qua một đoạn sình lầy. Ảnh: Lâm Thiện.

Xe ben, xe tải và xe gắn máy đang cố gắng vượt qua một đoạn sình lầy. Ảnh: Lâm Thiện.

Chị Thanh Hoa, cũng người trong xã An Phú cho biết: “Ra đường thật sự là nỗi "ám ảnh". Vào mùa nắng đường bụi mịt mù, dù vậy còn đi lại được, mùa mưa đi lại trở nên vô cùng khó khăn, cực khổ. Tụi nhỏ đi học phải đưa rước, để các em tự đi là té xe, tai nạn như chơi. Chỉ mong nhà nước sớm đầu tư xây dựng, nâng cấp lên đường nhựa hoặc bê tông để bà con, người dân và các cháu học sinh tham gia giao thông đỡ vất vả. Có đường đẹp, khang trang cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế”.

Đường xống cấp trầm trọng, vũng nước to nhỏ xuất hiện nhiều, việc đi lại bà con vô cùng khó khăn, vất vả. Ảnh: Lâm Thiện.

Đường xống cấp trầm trọng, vũng nước to nhỏ xuất hiện nhiều, việc đi lại bà con vô cùng khó khăn, vất vả. Ảnh: Lâm Thiện.

Ngày 9/10, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Mai Hồng Phúc - Chủ tịch UBND xã An Phú cho biết: “Vừa rồi Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản đã xuống khảo sát con đường này, sắp tới sẽ đầu tư sửa chữa tạm, hiện đang đợi phòng kinh tế hạ tầng làm hồ sơ, còn xây dựng mới thì chưa. Cách sửa chữa là tiếp tục đổ đất cấp phối vào những chỗ bị hư hỏng. Số tiền huyện phê duyệt sửa chữa 3 tuyến đường tổng chiều dài 23km khoảng 1 tỷ 200 triệu đồng, trong đó có tuyến đường này dài khoảng 9km. Với số tiền trên thì chỉ sửa tạm thôi, không làm được gì nhiều”.

Nói về việc xây dựng mới tuyến đường, ông Phúc cho biết thêm, qua những buổi tiếp xúc cử tri với lãnh đạo tỉnh, bà con đã nhiều lần đề xuất xây dựng mới tuyến đường cho dân thuận tiện đi lại, nhưng chưa đâu vào đâu, chưa có vốn, không biết khi nào làm được.

Ông Phúc cũng cho biết, vì đường đất nên năm nào cũng bị hư hỏng, năm nào cũng phải tốn kinh phí sửa chữa.

Khúc đường với chi chít hố nước lớn và sình lầy. Ảnh: Lâm Thiện.

Khúc đường với chi chít hố nước lớn và sình lầy. Ảnh: Lâm Thiện.

Trong những năm gần đây, tỉnh Bình Phước chú trọng đầu tư đường giao thông nông thôn để mọi địa phương hướng đến và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, hoặc cao hơn là nông thôn mới nâng cao theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.

Qua đó, hàng trăm tuyến đường giao thông tại khu nông thôn trong tỉnh được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới bằng nhựa nóng hoặc bê tông nhằm phục vụ nhu cầu giao thông thiết thực của người dân, cũng như phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Hàng chục năm nay, mùa nắng thì bụi, nhưng cực hơn là mùa mưa lầy lội khiến người dân di chuyển qua tuyến đường rất khó khăn, vất vả. Ảnh: Lâm Thiện.

Hàng chục năm nay, mùa nắng thì bụi, nhưng cực hơn là mùa mưa lầy lội khiến người dân di chuyển qua tuyến đường rất khó khăn, vất vả. Ảnh: Lâm Thiện.

Trước thực trạng tuyến đường ngày càng hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Hàng chục năm nay, việc tham gia giao thông và đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân trong xã đang bị ảnh hưởng tiêu cực và gặp nhiều khó khăn.

Người dân nơi đây mong mỏi các cấp chính quyền xã, huyện, đơn vị chức năng nhanh chóng quan tâm, triển khai thực hiện nâng cấp, cải tạo, xây dựng tuyến đường để người dân và học sinh được đi lại thuận tiện, cũng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Lâm Thiện

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/con-duong-kho-ai-cua-xa-dat-chuan-nong-thon-moi-an-phu.html