Con đường khởi nghiệp với 20.000 gốc hoa hồng sạch của nữ luật sư Hà Nội
20.000 gốc hoa hồng được trồng bằng công nghệ hữu cơ, không sử dụng các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Những gốc hoa xinh đẹp này không phải chỉ để làm cảnh mà chúng còn là nguyên liệu chính để sản xuất nước hoa hồng dưỡng da và cánh hoa hồng sấy để làm trà.
Vườn hồng chứa cả vạn cây thơm ngát vùng ngoại ô
Nhắc đến nông nghiệp sạch, có lẽ chúng ta thường nghĩ đến việc nuôi, trồng các sản phẩm phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. Ít ai biết, ngay cả đến bông hoa, thứ vốn chỉ dùng để trang trí, ngắm và thưởng thức hương thơm cũng cần được trồng theo mô hình hữu cơ, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.
Nếu bạn đang tìm kiếm những đóa hoa thanh sạch như thế thì có lẽ vườn hồng cổ ở Xuân Mai (Chương Mĩ, Hà Nội) là một sự lựa chọn. Toàn bộ hoa ở đây đều là các giống thuần chủng, không lai tạp với nhiều giống nội địa như Bạch Vân Khôi, cổ Sapa, Bạch ho, Bạch xếp, Hồng Quế, cổ Hải Phòng… và được chăm sóc hoàn toàn bằng nước sạch, phân chuồng ủ hoai mục.
Chủ vườn, chị Bùi Thị Thanh Hằng (SN 1980) cho biết, trồng hoa hữu cơ là cả một nghệ thuật bởi hoa hồng rất dễ bị sâu bệnh. Muốn cây cho hoa đẹp lại không cần dùng đến thuốc trừ sâu, chị phải xen canh nhiều loại cây khác, tạo môi trường cân bằng sinh thái. “Ví dụ mình xen canh cây râm bụt vào vườn hồng vì con rệp rất thích loại hoa này, hoặc trồng thêm nhãn, xoài, tạo một khu ao hồ tự nhiên… chỉ để biến khu vườn thành một quần thể sinh thái cân bằng, đa dạng sinh học và nuôi dưỡng những loài thiên địch chống lại sâu bệnh cho hoa hồng”.
Không có sự can thiệp tạo dáng cho cây nên những cánh hoa ở đây bung nở tự nhiên. Vào những ngày mưa xuân như hiện nay, cả khu vườn của chị Hằng nở rộ với đủ sắc màu trắng, hồng, đỏ và tỏa hương thơm ngát. Trong không gian yên tĩnh ở vùng ngoại ô, không gian nơi đây càng trở nên thơ mộng, lung linh hơn.
Không phải là đại gia chắc không làm nổi nông nghiệp sạch
Điều đáng nói là những bông hoa được chăm sóc kì công này không phải chỉ dùng để trang trí mà chủ yếu làm nguyên liệu cho việc sản xuất nước hoa hồng và cánh hoa hồng sấy.
Với quy mô 4ha hoa hồng, mỗi ngày chị Hằng thu hoạch khoảng 20kg cánh hoa. Một tháng, công ty chị làm ra 2.500 chai nước hoa hồng và 1.000 lọ cánh hoa hồng sấy. Các sản phẩm đều bán rất chạy và đem doanh thu tương đối khá cho chủ vườn.
Khi bắt tay vào trồng hoa để làm nguyên liệu sản xuất, chị Hằng cũng từng phân vân rất nhiều. “Bởi vì trồng hoa bán cây lãi hơn rất nhiều nhưng tôi không muốn mình bị bó buộc trong vòng sản xuất hạn hẹp như vậy. Tôi muốn đưa giá trị gia tăng vào cây hoa hồng, làm nên một thương hiệu, sản phẩm có dấu ấn riêng”.
Ở Việt Nam còn rất ít người làm mĩ phẩm sạch và chị Hằng muốn mình là người tiên phong trong lĩnh vực ấy. “Tôi muốn làm một loại mĩ phẩm thuần khiết, chỉ có thành phần nguyên liệu từ những cánh hoa hồng sạch được chăm sóc, vun trồng rất tỉ mẫn. Và tôi nghĩ mình là người đầu tiên dám mạnh dạn đồng hành với sản phẩm trọn vẹn từ khâu trồng nguyên liệu cho đến phân phối tới tận tay khách hàng”.
Nhiều người thường đồn thổi, kinh doanh, sản xuất nông nghiệp sạch đem lại doanh thu cả tỷ đồng mỗi tháng. Nhưng chị Hằng không nghĩ trên đời này có một con đường nào màu hồng như vậy. Bởi lời lãi trong lĩnh vực khá thấp trong khi chi phí đầu tư ban đầu lại quá cao.
Giống như khi chị bỏ vốn để làm 4ha hoa hồng, số tiền thực sự rất lớn. “Tôi nghĩ nếu không phải đại gia, đừng nghĩ đến chuyện làm nông nghiệp sạch”. Bản thân chị Hằng cũng không lấy vườn hồng làm nguồn thu nhập chính. Công việc chính của chị hiện tại là làm luật sư cho một doanh nghiệp Thụy Điển.
“Nhưng tôi cũng không muốn xây dựng công ty, trồng hoa hồng chỉ để mua vui. Đừng ai nói mình làm việc vì đam mê và không cần tiền vì nếu chỉ có đam mê, chúng ta sẽ không bao giờ thành công mà chỉ nhận lại bài học nối tiếp bài học mà thôi”.
Yêu thích hoa hồng từ nhỏ và ấp ủ kế hoạch khởi nghiệp từ rất lâu nhưng phải mãi đến 2 năm gần đây, chị Hằng mới bắt tay vào hiện thực hóa nó. Đó là khi người phụ nữ này đã tính toán và tìm ra một kế hoạch khả thi, từ khâu tìm hiểu nhu cầu thị trường, tìm kiếm khách hàng, xây dựng đội ngũ nhân sự, quy trình sản xuất…
“Sau 2 năm, hiện tại, vườn hồng của tôi đang cho doanh thu khá nhưng đó mới chỉ là khởi đầu. Tôi vẫn còn rất nhiều dự định khác, ví dụ muốn đưa sản phẩm của mình tới tay nhiều người hơn, làm thay đổi xu hướng tiêu dùng của người dân, tin tưởng hơn vào hàng hóa trong nước và ưa chuộng các sản phẩm từ nông nghiệp sạch“, chị Hằng nói thêm.