Con đường thương mại hóa tín chỉ carbon không còn xa

Theo Nghị quyết 98/2023, Quốc hội đã cho phép TP.HCM thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon đầu tư từ nguồn ngân sách của thành phố.

Thực tế, quá trình công nghiệp hóa nhanh cũng làm tăng phát thải khí nhà kính. Đồng thời, Thành phố cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu nên phải chủ động thực hiện các giải pháp phi công trình và công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Đáng mừng là, bước đầu, các vấn đề liên quan đến tín chỉ carbon đã được doanh nghiệp và chính quyền một số địa phương nhận thức được.

Không còn mơ hồ

Huyện Cần Giờ là lá phổi xanh của TP.HCM, là khu dự trữ sinh quyển thế giới đang đứng trước cơ hội tham gia thương mại hóa tín chỉ carbon.

Ông Phan Minh Tiến, Giám đốc điều hành Vietnipa, doanh nghiệp chuyên về sản phẩm từ cây dừa nước ở huyện Cần Giờ cho biết, công ty đang tìm hiểu tín chỉ carbon và đã nhận thấy tiềm năng lớn từ loại cây này. Theo anh Tiến, về mặt môi trường, bình quân một hecta dừa nước có thể hấp thụ 137 tấn carbon/năm. Đồng thời, việc khai thác mật dừa nước mà công ty đang làm còn làm tăng lượng carbon được hấp thụ và chuyển hóa. Vì vậy, nếu có cơ chế, quy định thì việc bán tín chỉ carbon là điều hoàn toàn có thể.

Theo anh Phan Minh Tiến, bình quân một ha dừa nước có thể hấp thụ 137 tấn carbon/năm

Theo anh Phan Minh Tiến, bình quân một ha dừa nước có thể hấp thụ 137 tấn carbon/năm

“Cây dừa nước hấp thụ khí CO2 và nhả ra O2 rất lớn. Nếu công ty thực hiện dự án mật dừa thành công thì cũng có thể hướng đến chương trình Net zero của TP.HCM. Tức là trồng dừa nước sau 5 năm thì được thu hoạch mật dừa, rồi nếu bán được tín chỉ Carbon từ cây dừa nước, khi đó giá trị kinh tế của cây dừa nước tăng lên 50, thậm chí 100 lần so với trước đây” - ông Phan Minh Tiến nói.

Cần Giờ hiện có đến hơn 900 ha dừa nước cùng hàng ngàn hecta rừng, cho thấy tiềm năng rất lớn về bù trừ tín chỉ carbon. Vấn đề là ai khai thác và thương mại hóa như thế nào.

Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, huyện cũng đã nghe, đã nhận thấy, đã bắt đầu bàn đến tín chỉ carbon. Dù vấn đề này mới nhưng huyện đã thấy được tiềm năng của mình và đang rất quan tâm. Huyện đang tiếp cận các quy định về sử dụng tín chỉ carbon để mang lại giá trị kinh tế.

“Cần Giờ luôn là lá phổi xanh của TP.HCM nhưng trước nay chưa có cụ thể hóa nguồn giá trị mang lại rõ rệt bằng việc tới đây sẽ bán tín chỉ carbon. Việc này hiện được Cần Giờ theo dõi chặt chẽ các hướng dẫn, quy định để thực hiện đúng trong sử dụng tín chỉ carbon trong giao dịch thương mại” - ông Trương Tiến Triển nói.

Nếu không chuyển đổi xanh thì doanh nghiệp không thể xuất hàng

Nếu không chuyển đổi xanh thì doanh nghiệp không thể xuất hàng

Chờ những quy định cụ thể

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), các doanh nghiệp đang rất sốt ruột trong triển khai thị trường tín chỉ carbon. Nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi xanh đã có bước chuyển lớn và mong được tư vấn, hướng dẫn, có định chế để doanh nghiệp sớm thực hiện. Điều doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay với tín chỉ carbon là bắt đầu như thế nào, giao dịch với ai, theo khuôn khổ pháp lý nào và nếu cần thì phải mua của ai để bù đắp.

“Kiến nghị là các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc nhanh hơn để tạo ra khuôn khổ, môi trường pháp lý, bắt nhịp vào cuộc nhanh hơn. Các tiêu chuẩn chuyển đổi xanh hiện rất bức thiết với cộng đồng doanh nghiệp. Vì thực sự nước tới chân rồi, không xanh thì chúng tôi không xuất hàng đi đâu được cả” - ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.

Cả doanh nghiệp cần mua lẫn doanh nghiệp muốn bán ngày càng quan tâm đến tín chỉ carbon

Cả doanh nghiệp cần mua lẫn doanh nghiệp muốn bán ngày càng quan tâm đến tín chỉ carbon

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, tín chỉ carbon là một thị trường hấp dẫn. Hiện Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ bước đầu cho việc hình thành tín chỉ carbon. Cả doanh nghiệp cần mua lẫn doanh nghiệp muốn bán ngày càng quan tâm đến tín chỉ carbon vì đó là một yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, để tín chỉ carbon thực sự ra thị trường thì cần có những quy định cụ thể.

“Hình thành thị trường tín chỉ carbon không chỉ tùy thuộc vào các doanh nghiệp khai thác được nhiều tín chỉ carbon đưa vào thị trường, mà còn cần xây dựng những quy định pháp luật vận hành thị trường, có sự tham gia của bên mua bên bán, lực lượng tư vấn, hỗ trợ” - bà Vũ Kim Hạnh nêu ý kiến

Theo lộ trình của Chính phủ, từ năm 2021-2027 là giai đoạn chuẩn bị, xây dựng quy chế vận hành và thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ carbon. Từ năm 2028 trở đi, sàn giao dịch carbon tại Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Trong khi chờ phát triển thị trường carbon trong nước với các tiêu chuẩn đo đạc, kiểm định, xác nhận tín chỉ theo quy định, TP.HCM đã đề xuất được chủ động tiếp cận thị trường quốc tế để có thêm kinh nghiệm thực tiễn thông qua việc giao dịch tín chỉ carbon. Theo đó, TP dự kiến sẽ hợp tác với một số chuyên gia của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ TP tham gia thị trường tín chỉ carbon quốc tế, sẽ bán tín chỉ carbon cho bên mua để bên mua bù đắp lượng khí thải cam kết phải loại bỏ theo quy định.

Minh Hạnh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/con-duong-thuong-mai-hoa-tin-chi-carbon-khong-con-xa-post1054724.vov