Con đường vô vọng của Mỹ ở Trung Đông

Năm 1990, Tổng thống Mỹ George H W Bush khi đó giao nhiệm vụ cho Ngoại trưởng James Baker tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình toàn diện ở Trung Đông, với sự tham gia của Israel, Palestine và những đối thủ lâu năm khác của Israel ở thế giới Ả-rập.

Đến tháng 6 năm đó, Ngoại trưởng Baker hết kiên nhẫn với Thủ tướng Israel Yitzhak Shamir, khi nhà lãnh đạo này kiên quyết không đàm phán với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) – kẻ thù chính của Israel. Ông Baker nói tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ rằng ông Shamir không nghiêm túc với việc đàm phán hòa bình.

Ngoại trưởng Baker đưa ra số điện thoại của Nhà Trắng phòng trường hợp Thủ tướng Shamir muốn gọi. “Số điện thoại là 202-456-1414. Khi ngài nghiêm túc về việc này, hãy gọi cho chúng tôi”, ông nói.

Tổng thống Mỹ George H W Bush và Ngoại trưởng James Baker trong một hội nghị. (Ảnh: Wikimedia)

Tổng thống Mỹ George H W Bush và Ngoại trưởng James Baker trong một hội nghị. (Ảnh: Wikimedia)

Ông Baker cũng nỗ lực thuyết phục PLO từ bỏ tham vọng loại bỏ nhà nước Do Thái để thay thế bằng một quốc gia có chủ quyền của Palestine, đồng thời chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào Israel.

Năm sau, cuộc đàm phán chưa từng có giữa Israel, PLO, Jordan, Syria, Lebanon và Ai Cập diễn ra ở Madrid (Tây Ban Nha). Nhiều hội nghị diễn ra ở các nơi khác nữa để bàn về an ninh và kinh tế, nhưng cuối cùng đều thất bại.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán bí mật giữa Israel và PLO tại Oslo (Na Uy) đã dẫn đến thỏa thuận hướng tới một nhà nước Palestine trong vòng 5 năm sau đó. Thế nhưng, nhà nước và hòa bình không bao giờ xuất hiện, mà bị nhấn chìm bởi sự ngờ vực và bạo lực. Nhiều năm bất ổn giữa Israel và Palestine khiến Hiệp định Oslo trở thành quá khứ.

Đến tháng 10/2023, cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào miền nam Israel làm sống lại tranh luận về giải pháp hai nhà nước, ít nhất về lý thuyết.

Chỉ có cam kết của Israel đối với giải pháp hai nhà nước mới có thể xoa dịu cơn thịnh nộ của người Ả-rập với chiến dịch tấn công trả đũa quy mô lớn của Israel vào Dải Gaza, đến nay khiến hơn 37.000 người Palestine thiệt mạng.

Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng không thể xóa bỏ tham vọng không thể hòa giải của hai phe đối kháng: Israel đòi xóa sổ Hamas và bình định Dải Gaza bằng hình thức chiếm đóng; Hamas không chỉ muốn tồn tại mà sẽ hòa nhập vào quốc gia Palestine trong tương lai.

Tuần này, Tổng thống Biden cử Ngoại trưởng Antony Blinken tới Trung Đông, nhằm thúc đẩy đề xuất ngừng bắn, thả con tin và thiết lập cơ chế đàm phán dẫn đến thành lập nhà nước Palestine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Tel Aviv, ngày 11/6. (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Tel Aviv, ngày 11/6. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đứng đầu đảng Likud trước đây do ông Shamir lãnh đạo, không mặn mà với các đề xuất của Mỹ. Ông từ chối công thức hai nhà nước mà chỉ chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và yêu cầu thả con tin.

Tổng thống Biden đưa ra một loạt tuyên bố công khai trong thời gian qua, đôi khi trái ngược nhau. Ông cam kết hỗ trợ không giới hạn giúp Israel loại bỏ Hamas, nhưng cũng khuyên ông Netanyahu không giết quá nhiều thường dân Palestine.

Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố việc Israel tấn công vào Rafah, nơi trú ẩn cuối cùng của người Palestine ở Dải Gaza, sẽ bị coi là phạm vào “ranh giới đỏ”, nhưng biện pháp trừng phạt duy nhất mà Mỹ thực hiện là hủy chuyến hàng chở bom cỡ lớn.

Đối với Hamas, ông Biden có vẻ muốn Hamas tự ký lệnh tử hình chính họ: Đồng ý ngừng bắn nhưng sau đó Israel có thể lại tiếp tục chiến dịch tấn công.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington đang chờ đợi phản ứng của Hamas.

Người phát ngôn Osama Hamdan của Hamas cho biết, lực lượng này sẵn sàng thảo luận về việc Israel chấm dứt “xâm lược”, rút quân khỏi Dải Gaza và tái thiết khu vực này trước khi xem xét thả con tin.

Nhiều ý kiến cho rằng cách ứng xử của Tổng thống Biden với Israel và Hamas chủ yếu hướng đến dư luận trong nước, trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11.

Ông đang cố gắng duy trì sự ủng hộ của hai nhóm cử tri quan trọng: Người Mỹ gốc Do Thái và người Mỹ gốc Ả-rập.

Theo giới quan sát, Mỹ hiện nay không có nhiều ảnh hưởng với Israel và Palestine như hồi những năm 1990, vì danh tiếng của Washington ở khu vực đã mờ nhạt sau hai cuộc xung đột kéo dài và không thành công tại Afghanistan và Iraq. Mỹ cũng phải đối mặt với kẻ thù đáng gờm là Iran, quốc gia có vai trò lớn ở khu vực cùng các đồng minh trong “trục kháng chiến”, sẵn sàng phá hoại chính sách Trung Đông của Mỹ.

Washington hiện nay cũng phải bận tâm với châu Á, nơi Trung Quốc đang phô trương sức mạnh quân sự ngày càng tăng, và ở Đông Âu, nơi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa biết khi nào mới kết thúc.

Liệu các bên chủ chốt ở Trung Đông hiện nay có muốn kết thúc xung đột không? Aaron David Miller, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ, cho rằng đến nay thì chưa.

“Đàm phán chỉ có hiệu quả nếu các bên cảm thấy đủ đau đớn, có triển vọng đạt được lợi ích và tính cấp bách. Bên duy nhất đang vội vã hiện nay là chính quyền Biden”, ông nói.

Theo ông Miller, Thủ tướng Israel Netanyahu đang coi thành công quân sự là cách ông có thể duy trì quyền lực và lấy lại lòng dân, sau khi để Hamas thực hiện cuộc tấn công bất ngờ gây thiệt hại lớn.

Trong khi đó, sống còn dường như là mục tiêu duy nhất của Hamas, và các con tin trong tay họ là lợi thế duy nhất để ép Israel chấm dứt xung đột.

Bình Giang

Theo AT

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/con-duong-vo-vong-cua-my-o-trung-dong-post1645401.tpo