Con gái Lý Tiểu Long: 'Trở thành nước là triết lý của cha tôi'
Theo lời kể của Shannon Lee, cha cô Lý Tiểu Long qua đời khi cô chỉ vừa mới lên bốn tuổi. Khi ấy, cô đang sống ở Hong Kong, Trung Quốc.
Tôi không còn nhớ chính xác tôi đang ở đâu khi xảy ra chuyện hay làm thế nào mà tôi biết tin nhưng tôi cho là anh trai tôi, Brandon và tôi lúc ấy đang ở cùng với mẹ trong ngôi nhà của chúng tôi tại Cửu Long Đường thì nhận được tin rằng người ta đã đưa cha đi cấp cứu ở bệnh viện.
Người ta còn lưu giữ rất nhiều câu chuyện về cha và tôi luôn cẩn thận sao cho tách bạch những kỉ niệm của riêng tôi về cha và những gì tôi biết được thông qua những lời kể kia. Tất cả những kí ức non nớt nhất của tôi là khi ở Hồng Kông, gia đình chúng tôi chuyển tới đây năm tôi hai tuổi và sống ở đây cho tới khi cha tôi qua đời vào hai năm sau.
Kí ức đẹp và sinh động nhất về cha mà tôi còn lưu giữ là cảm giác được ông yêu thương rất nhiều. Và cảm giác ấy vẫn không hề bị phai nhạt đi ngay cả khi ông đã qua đời. Trong suốt cuộc đời mình, tôi luôn cảm nhận được rằng tôi hiểu cha mình, rằng tôi biết ông là con người như thế nào và điều gì giữ vai trò quan trọng đối với ông.
Tôi từng nghĩ rằng bản thân thật ngông cuồng khi có những cảm nhận như vậy bởi quãng thời gian tôi có với cha thật quá ngắn ngủi và tôi chẳng còn lại nhiều kí ức về ông. Làm sao mà tôi biết được cha từng mong muốn điều gì? Nhưng có một điều về cha tôi mà bạn có thể nhận thấy rõ ràng khi xem các tác phẩm của ông, thậm chí là ở thời bây giờ, đó chính là sự hiện diện mạnh mẽ của ông.
Cha không bao giờ tự nhận bản thân mình là bậc thầy về sinh lực (hay còn gọi là “khí”) nhưng cha chính là như vậy. Cha có thể triệu hồi và phân tán năng lượng bằng ý chí. Năng lượng của ông tràn qua cả màn ảnh và truyền đến cả người xem. Chính sức mạnh ấy đã khắc sâu vào kí ức của tôi. Cảm giác được yêu thương, được nâng niu và có tượng đài vững chắc để tin tưởng đã in sâu vào tâm khảm của tôi ngay từ khi tôi còn nhỏ tuổi.
Chính những tình cảm ấy đã giúp tôi vững tâm trên hành trình khám phá và vận động trong thế giới này. Tôi cảm thấy an toàn. Có đôi lúc cảm giác ấy trở nên mông lung nhưng nó vẫn ở đấy, vẫn hiện diện khi tôi cần tới và nhắc nhở tôi về bản thân mình. Dù cha không hiện diện trong cuộc đời tôi kể từ khi tôi còn là đứa trẻ chập chững tập đi nhưng ông ấy vẫn luôn ở đâu đó để chỉ dẫn cho tôi.
Võ thuật vẫn luôn là một phần trong cuộc sống của chúng tôi. Baba (nghĩa là “Cha” trong tiếng Trung) đã biến sân sau thành một sân huấn luyện Tiệt Quyền Đạo. Những nhân vật như James Coburn, Chuck Norris và Steve McQueen, cả những học viên quen thuộc của Baba như Ted Wong, Richard Bustillo và Dan Inosanto thường tới tham gia luyện tập ở đây. Tôi nhớ mẹ kể cho tôi về người bạn thân của Brandon, Luke, không bao giờ muốn tới nhà tôi chơi bởi vì theo lời Luke thì: “Lúc nào cũng có mấy ông người lớn đập nhau tơi tả ở sân sau!”.
Sau khi cha qua đời, anh Brandon và tôi đã không theo học võ thuật trong rất, rất nhiều năm. Năm tôi chín tuổi, tôi từng thử học qua vài buổi Tiệt Quyền Đạo với những học viên cũ của Baba. Nhưng áp lực quá lớn khi không có sự hiện diện của cha. Trong tôi chất chứa quá nhiều sự phán xét và buồn đau.
Cuối cùng, mãi cho tới khi ở độ tuổi hai mươi, tôi mới cảm thấy đó là thời điểm thích hợp. Tôi đã đề nghị Ted Wong, một người bạn của gia đình, dạy tôi võ thuật. Tôi muốn được gần gũi hơn với cha thông qua tình yêu Baba dành cho kungfu và môn võ ông sáng tạo ra.
Ted vốn là người được Baba bảo hộ và đến với cha bằng một “lý lịch trong sạch” tức là chưa từng luyện tập võ thuật trước đây. Sau khi cha tôi qua đời, Ted nghiên cứu các tài liệu của cha, cố gắng liên kết giữa những gì ông đã học được với những di sản cha tôi để lại.
Theo chân Baba, ông ấy cũng biến sân sau của mình thành sân tập võ. Ted lưu trữ hàng đống kim loại titanium để luyện các bài tập với nắm đấm giống như cha từng sử dụng túi vải bạt và các vật liệu khác để luyện tập sự cứng cỏi cho đôi tay của ông nhiều năm trước kia. Dù khi ấy đang là đầu thập niên 1990 và tôi đang ở sân sau nhà của Ted ở Monterey Park nhưng mọi thứ mang lại hơi thở của những năm 1970. Ở nơi đây, dưới sự dẫn dắt của Ted, tôi đã liên kết lại được với Baba thông qua những chuyển động nghệ thuật ông đã sáng tạo nên.
Người ta biết tới Baba với câu nói “Hãy giống như nước”. Thông điệp ông gửi gắm qua câu nói là hãy trở nên linh hoạt, thích ứng được với mọi tình huống, tràn đầy sức sống và luôn hiện diện. Bộ môn Tiệt Quyền Đạo của Baba là một môn võ đơn giản - không có các tư thế cố định và chỉ có vài động tác - nhưng đòi hỏi kĩ năng cực điêu luyện.
Khi bạn có thể nắm bắt được các bước cơ bản thì sau đó là lúc bạn phải mài giũa, thích nghi và thúc đẩy bản năng thứ hai của bản thân mình trở thành một đấu sĩ thực thụ. Luyện tập Tiệt Quyền Đạo chính là luyện tập cách sống và trong quá trình tiếp thu bộ môn này, tôi đã được tới gần hơn với cha.
Khi tôi trưởng thành hơn, tôi bắt đầu đọc nhiều hơn các tài liệu của Baba. Mặc dù hầu hết chúng đều nói về võ thuật và Tiệt Quyền Đạo nhưng những tài liệu này đều chỉ ra rằng trở thành nước là triết lý của cha về đời người.
Triết lý ấy đề cập tới việc tiếp nhận thế giới xung quanh, về sự linh hoạt và làm thế nào để thích nghi với dòng chảy. Những câu chữ của Baba vẫn luôn là niềm an ủi và là niềm cảm hứng lớn lao đối với tôi trong quá trình đối mặt với những thăng trầm trong cuộc sống. Khi anh Brandon qua đời năm 1993, tôi phụ thuộc rất nhiều vào những ghi chép của cha để giúp tôi chấp nhận được nỗi đau buồn ấy.
Giờ đây, khi bản thân đã trở thành bậc cha mẹ, tôi vẫn thường xuyên đọc lại những ghi chép của ông. Tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều nhưng cha vẫn ở đó và dẫn dắt cho tôi. Cứ như thể là Baba đã trở lại bên tôi và chưa hề rời đi nửa bước vậy.
---------------
* Shannon Lee là một nhà văn, nhà sản xuất, diễn viên, người phát ngôn và là người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Bruce Lee Family Companies và Quỹ Bruce Lee. Cô hiện sống tại Los Angeles, California cùng con gái.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-gai-ly-tieu-long-cha-toi-la-rong-post1440243.html