Con gái Nhạc sĩ Phạm Tuyên: 'Tự hào là con gái của Cây đại thụ Âm nhạc Việt Nam'
Chị Hồng Tuyến - con gái Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã tâm sự như vậy trong bài dự thi viết 'Cha và con gái' được chị gửi vào những ngày cuối tháng 6.
Nếu được hỏi lời nói nào, âm thanh nào bạn nhớ nhất thời thơ ấu, tôi chắc chắn sẽ buột miệng ngay: “PÚM PÙM, PÚM PÙM!!!!” Ủa, đó là gì vậy, mọi người sẽ ngạc nhiên vì những từ đó có nghĩa gì đâu nhỉ?
Ấy nhưng với gia đình tôi đấy lại là những từ thân thương nhất của Bố, ông luôn trìu mến gọi các con gái: PÙM là Thanh Tuyền, PÚM là Hồng Tuyến. Sáng ngày ra âm thanh ấy đánh thức các con dậy, đi học về âm thanh ấy lại chào đón các con gái sau một ngày dài, âm thanh ấy chính là lòng yêu thương vô bờ bến của người cha.
Và không chỉ lúc còn thơ bé, đến khi các con trưởng thành, có gia đình, con cái rồi ông vẫn gọi như vậy. Buồn cười nhất vào một hôm chị Tuyền về nhà, theo sau là đồng nghiệp cùng cơ quan, nhưng bố không để ý nên vẫn reo mừng: “PÚM PÙM!!!!” Khách về, chị Tuyền bèn: Bố ơi, con gái bố giờ đã dừ lắm rồi, không còn bé tí như ngày nào đâu mà bố gọi thế! (chị Tuyền lúc đó giữ vị trí quan trọng ở chỗ làm, nên hơi bị ngượng)
- Nhưng con vẫn là con gái của bố mà….
Bố là thế, yêu con hết mực, và tôi, đứa út thì lúc nào cũng bé bỏng nên được bố chiều, hay bênh mỗi khi bị mẹ phê bình vì ỷ lại, chẳng chịu tự giác làm gì cả. Bố bảo:
- Giàu con út, khó con út, em bé nhất nhà, chị lại đi học xa nên cho con sướng một chút…..
Tôi luôn có bố mẹ đồng hành trong cả thời niên thiếu, học thì mẹ giúp sức (bà vốn là giáo viên toán lý), còn chơi luôn có người bạn lớn là bố. Nhưng cách chơi của bố rất thú vị và.... đặc biệt.
Trong ký ức tuổi thơ tôi vẫn hiện rõ mồn một những bữa cơm tối sum họp gia đình. Khi tôi bắt đầu học lớp 1, nhà chỉ còn 3 người vì chị Tuyền du học xa, tuy neo người nhưng bữa tối vẫn rộn rã tiếng cười: con bé con sau một ngày học kể đủ thứ chuyện ở trường ở lớp, những chuyện dở khóc dở cười mà nó vẫn lanh lảnh, thích chí cười khúc khích. Kết thúc bữa ăn bao giờ cũng có một trò chơi, người khởi xướng đương nhiên là bố - trò chơi đố từ, chơi nhiều nhất với từ láy, nhất là từ láy cùng âm đầu. Cả nhà sẽ thi xem ai nói được nhiều từ nhất, thí dụ bắt đầu bằng chữ L thì có: lung linh, long lanh, lấp lánh… Hình như lần nào con bé cũng thắng giải và được bố mẹ hứa cho đi ăn kem Bờ Hồ (về sau lớn rồi tôi mới vỡ lẽ bố mẹ “cố tình” cho mình nhất, thế mà cứ tưởng mình biết nhiều hơn bố mẹ, đúng là trẻ con).
Bố rất hiền, hiền lắm, tôi chưa thấy ai hiền hơn thế, ấy nhưng…. Tôi đã từng bị bố xử lý cho “ăn đòn” một lần duy nhất khi 6 tuổi. Hôm ấy, buổi sáng mở mắt ra không thấy mẹ đâu, thế là con bé ăn vạ, nhõng nhẽo đòi đủ thứ. Bố bực mình lắm vì nói mãi mà không hết cơn mè nheo, thế là ông “ra tay” cho nó bài học nhớ đời. Nhưng vốn là ông bố thương con nên dù lăm lăm chiếc thước chuẩn bị tét vào mông, ông vẫn quấn cho nó cái chăn để.... khỏi đau! Tất nhiên là trận đòn chẳng xi nhê gì, nhưng hôm đó lần đầu tiên tôi sợ. Tôi sợ bố buồn và giận nên hích hích khóc khẽ, lắp bắp xin lỗi. Con bé được một lần khiếp vía và thầm hứa không bao giờ xảy ra thế nữa...
Thời bao cấp hầu như gia đình nào cũng khó khăn, hoàn cảnh sống không khác nhau là bao, tuy vậy tôi vẫn luôn tự hào là nhà mình có rất nhiều sách báo. Tôi lại là đứa bé biết đọc chữ sớm, từ khi còn học mẫu giáo, nên chỉ ngồi trong nhà đã có nhiều thứ hay ho để xem rồi. Bố chiều con nên mua khá nhiều sách và còn dùng gỗ tiết kiệm đóng hẳn giá sách xinh xinh, sơn màu xanh lam cho cô út.
Tôi vẫn nhớ ở đó có những cuốn sách quý giá vô cùng: "Không gia đình", "Robinson Crusoe", "Dế mèn phiêu lưu ký" , "Đất rừng phương Nam", "Đội thiếu niên du kích Đình Bảng", "Hai làng Tà Pình và Động Hía"…. Và bố còn có những trò chơi kích thích thêm niềm đam mê đọc sách nhưng bằng cách khác biệt: bố dạy tôi cách đọc diễn cảm, to, rõ ràng đã đành, nhưng còn phải biết thể hiện tính cách các nhân vật khác nhau qua giọng nói. Lúc thì giả giọng ồm ồm để làm cụ già, lúc thì bóp mũi, nói léo nhéo cho ra trẻ con, nói chung là phải lên bổng xuống trầm các kiểu… Mà bố dạy hấp dẫn lắm nên con bé mắt chữ A, mồm chữ O xem bố rồi bắt chước.
Kết quả là khi chuyên mục Đọc truyện thiếu nhi được mở ra trên Đài Tiếng nói Việt Nam tôi đã được chọn lên đọc đầu tiên. Thế là "Marussia đi học", "Vichia Maleev ở trường và ở nhà" (những tập truyện Liên Xô được dịch ra tiếng Việt), rồi "Chú trống choai" và nhất là "Cái Tết của Mèo con" do tôi đọc đã được bạn yêu đài gần xa nhớ tới, khen ngợi.
Không chỉ có vậy, với tủ đầy ắp sách văn học, bố còn hướng dẫn tôi khi đọc sách biết chép lại những đoạn văn hay để nghiền ngẫm, ghi nhớ rồi áp dụng lúc viết các bài tập làm văn ở lớp. Tôi nhớ có lần đọc đoạn miêu tả Vịnh Hạ Long với màu nước biển xanh rất lạ, tôi chép lại đoạn đó, xong lấy bút chì màu tô trang minh họa, cố gắng để màu mình tạo ra giống nhà văn tả nhất. Thế nào mà một thời gian sau, được ra Vịnh Hạ Long thật, thấy màu nước biển sao giống mình tô bút chì màu thế… Tôi còn chép lại những đoạn văn tả đầm sen ngào ngạt, tả món ăn ngon như là món chả quế ở tiệm ăn Việt Hoa trong sách “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt”. Nhờ bố, tuổi thơ tôi có thật nhiều điều thú vị....
Và món quà to nhất bố dành tặng cho tôi chính là những bài hát - “đơn đặt hàng” của con gái út từ “Trường cháu là trường Mầm non” lúc con học Mẫu giáo Bông Thợ Nhuộm, đến "Chúng em là học sinh lớp Một" của lớp 1A Kim Liên, rồi "Tiễn thầy giáo đi bộ đội" vì thầy dạy văn lớp 4Z chuẩn bị lên biên giới…. Tôi vẫn luôn nghĩ mình là đứa con hạnh phúc nhất khi được bố tặng cho món quà vô giá như vậy. Những bài ca nhỏ ấy sau này lại định hướng nghề nghiệp cho tôi, là hành trang không thể thiếu trong công việc gắn bó với trẻ em, là thứ làm nên nghề “gia truyền” mà tôi thừa hưởng từ bố và mẹ.
Mỗi bài hát mang theo một câu chuyện phía sau, mang theo những kỷ niệm khó quên, là nỗi nhớ, là tình thương, là niềm vui..... Và đó chính là Hồi ức tuổi thơ, những mảnh ghép quý giá trong quá khứ đã theo tôi mãi suốt cuộc đời.
Tôi luôn tự hào vì mình là con gái của Cây đại thụ Âm nhạc Việt Nam - nhạc sĩ Phạm Tuyên, người vẫn luôn mong mỏi đưa những "Cánh én lấp lánh đầy nhạc và thơ" xuyên qua cả không gian, thời gian đến với trẻ em từ thế hệ này sang thế hệ khác, tới mọi miền Tổ quốc và xa hơn thế nữa....