Còn hơn 21.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện vẫn còn tới 21.115,6 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết, chiếm 3,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Còn hơn 21.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết (Ảnh minh họa)

Còn hơn 21.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính cho biết, kế hoạch năm đầu tư vốn NSNN năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 669.264,6 tỷ đồng bao gồm: vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 236.915,7 tỷ đồng (vốn trong nước là 216.915,739 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 20.000 tỷ đồng) và vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 432.249 tỷ đồng.

Kế hoạch vốn cân đối NSĐP năm 2024 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (theo số liệu cập nhật đến thời điểm báo cáo) là 51.113 tỷ đồng.

Kế hoạch vốn các năm được cho phép kéo dài tính đến thời điểm báo cáo là 54.434,2 tỷ đồng, trong đó: NSTW là 32.614,4 tỷ đồng (theo ngành lĩnh vực là 27.445,7 CTMTQG là 5.168,7 tỷ đồng), NSĐP là 21.819,9 tỷ đồng.

Như vậy, tổng kế hoạch giao năm 2024 (kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang) là 774.812 tỷ đồng.

Về tình hình triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 7, tổng số vốn đã phân bổ là 699.262,2 tỷ đồng, đạt 104,5% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (669.264,6 tỷ đồng). Bao gồm NSTW là 228.357,3 tỷ đồng (vốn trong nước là 210.363 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 17.994,3 tỷ đồng), NSĐP là 470.904,8 tỷ đồng.

Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 51.113 tỷ đồng. (Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối NSĐP các địa phương giao tăng, tổng số vốn đã phân bổ là 647.914 tỷ đồng, đạt 96,81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao).

Có 19/44 bộ, cơ quan trung ương và 28/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 21.115,6 tỷ đồng, chiếm 3,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: vốn NSTW là 8.558,4 tỷ đồng, vốn cân đối NSĐP là 12.557,2 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn NSTW, có 19/44 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương chưa phân bổ với số vốn là 8.558,4 tỷ đồng/236.915,7 tỷ đồng (chiếm 3,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cụ thể:

Trong đó, vốn theo ngành, lĩnh vực chưa phân bổ là 7.722,2 tỷ đồng, vốn CTMTQG chưa phân bổ là 836,2 tỷ đồng

Đối với nguồn vốn NSĐP: Vốn cân đối NSĐP là 12.557,2 tỷ đồng của 13/63 địa phương do địa phương để lại phân bổ sau, chưa phân bổ hết vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, xổ số, bội chi NSĐP.

Để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 16/7/2024 về giải ngân vốn đầu tư công và khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sau khi Thủ tướng Chính phủ ban Chỉ thị về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024 bao gồm cả vốn NSTW năm 2023 được kéo dài sang năm 2024.

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 sau ngày 31/12/2023 để thống nhất thực hiện chung, tránh cách hiểu khác nhau; Hướng dẫn về việc giao cho các đơn vị không trực thuộc làm chủ đầu tư tại một số Bộ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 72/TB-VPCP ngày 28/02/2024 và công văn số 4808/VPCP-KTTH ngày 09/7/2024 của Văn phòng Chính phủ.

Sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết điều chỉnh.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính rà soát các bất cập, vướng mắc trong các quy định pháp luật (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán...) để các bộ, ngành chủ trì, soạn thảo tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành một luật sửa đổi, bổ sung một số luật giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

P.V

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/con-hon-21000-ty-dong-von-dau-tu-cong-chua-duoc-phan-bo-chi-tiet-715401.html