'Cơn khát' lựu pháo của Ukraine làm vũ khí Hàn Quốc tăng sức hấp dẫn
Việc phương Tây sản xuất không kịp đạn pháo do viện trợ số lượng lớn cho Ukraine khiến người ta chú ý đến Hàn Quốc như một nhà sản xuất vũ khí rẻ và nhanh chóng.
Mỹ và đồng minh đã gửi cho Ukraine phần lớn nguồn cung pháo binh và đạn dược, và nhận ra rằng ngành công nghiệp vũ khí của họ chưa được chuẩn bị tốt để nhanh chóng bổ sung số lượng gửi đi này.
Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đã bước chân vào khoảng trống thị trường này. Dù từ chối cung cấp trực tiếp vũ khí sát thương cho Ukraine, Hàn Quốc vẫn sẵn sàng bổ sung nguồn cung cho Mỹ và các đồng minh, theo tờ The Wall Street Journal.
Sự biến đổi trong ngành sản xuất vũ khí
Sau Chiến tranh Lạnh, nhiều quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt lại các ưu tiên cho ngành công nghiệp vũ khí. Các quốc gia châu Âu cắt giảm ngân sách quốc phòng và thu hẹp quy mô của kho xe tăng và pháo hạng nặng do cho rằng một cuộc chiến tranh trên bộ quy mô lớn có sự tham gia của một cường quốc quân sự là khó xảy ra.
Thay vào đó, nguồn vốn được hướng vào việc mua máy bay chiến đấu phản lực và tàu. Các nước này còn loại bỏ những nhà kho rộng lớn cũng như năng lực sản xuất dư thừa, đồng thời ngừng cung cấp nhiều nguyên liệu cần thiết để sản xuất đạn dược hàng loạt, theo The Wall Street Journal.
Ông Nicholas Marsh, nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về kiểm soát vũ khí và viện trợ quân sự tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (Na Uy), cho biết tình trạng thiếu nguồn lực cần thiết để sản xuất vũ khí hiện nay trải rộng từ hóa chất, điện đến nhân sự.
Theo ông, hiện tại sản xuất vũ khí nhìn giống như sản xuất ô tô đua khi dùng công nghệ cao và số lượng sản xuất rất thấp. Ông nhận định rằng có thể mất nhiều năm để tăng cường sản xuất vũ khí mà các nước này chưa bao giờ sản xuất hàng loạt.
Trong nhiều thập niên, Hàn Quốc phần lớn bị Triều Tiên áp đảo về vũ khí thông thường và phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ để phòng thủ. Vào những năm 1980, nước này bắt đầu xây dựng năng lực sản xuất vũ khí cho riêng mình và liên tục hoàn thiện quy trình sản xuất vũ khí kể từ đó.
Ông Elias Yousif, chuyên gia quân sự của Trung tâm Stimson (Mỹ), cho biết: “Hàn Quốc đã duy trì một hệ sinh thái sản xuất quốc phòng mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của quân đội mình và cũng vì mối đe dọa vẫn còn hiện hữu”.
Ông Choi Dong-bin, tổng giám đốc nhà máy Changwon của công ty Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), cho biết công ty đang tăng gấp đôi công suất để sản xuất lựu pháo.
Ông cho biết nhiều năm đầu tư đều đặn vào quy trình sản xuất đã đặt nền móng cho việc mở rộng. Ông nói: “Điều đó chỉ có thể thực hiện được vì chúng tôi đã duy trì dây chuyền sản xuất bằng cách luôn đảm bảo nguyên liệu thô và nhân lực, đây không phải là khoản đầu tư mà nhiều quốc gia thực hiện”.
“Hàn Quốc rất có thể trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ năm thế giới trong vài năm tới” - Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm đánh giá.
Nhận xét này được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc ngày càng có công nghệ sản xuất vũ khí tiên tiến, có các hợp đồng quốc phòng lớn ở Trung Đông và châu Âu.
Sự ‘trỗi dậy’ của vũ khí Hàn Quốc
Nhu cầu về pháo và các loại vũ khí khác do Hàn Quốc sản xuất đã tăng vọt khi cuộc chiến Ukraine bùng nổ. Hàn Quốc đã cho thấy nước này có khả năng sản xuất vũ khí với thời gian ngắn hơn và với chi phí thấp hơn nhiều so với các nhà sản xuất phương Tây, theo The Wall Street Journal.
Ông Daniel Fiott, lãnh đạo chương trình quốc phòng và quản lý nhà nước tại Trường Quản trị Brussels (Bỉ) cho biết, vũ khí của Hàn Quốc dựa trên sự chuyển giao công nghệ của Mỹ và Đức, điều này khiến chúng trở nên lý tưởng đối với các nước NATO như Ba Lan.
Hàn Quốc vẫn còn nhỏ bé khi so sánh với các nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới, chỉ chiếm 2,4% xuất khẩu vũ khí toàn cầu.
Tuy vậy, theo dữ liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, trong khi Mỹ chiếm khoảng 60% đơn đặt hàng máy bay chiến đấu đang chờ xử lý trên toàn cầu thì Hàn Quốc lại là quốc gia có nhiều đơn đặt hàng xe tăng và pháo binh nhất trong số 10 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, bao gồm Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức.
Pháo tự hành 155mm K9 và đạn pháo 155mm do tập đoàn Hanwha Aerospace sản xuất là loại vũ khí bán chạy nhất của Hàn Quốc và đây cũng là loại đạn pháo mà Ukraine cần nhất.
Pháo tự hành K9 này có thể di chuyển với tốc độ hơn 64 km/giờ và được trang bị các tấm bọc thép khiến chúng trông giống xe tăng. Dù pháo K9 của Hàn Quốc không tiên tiến như PzH 2000 của Đức, nhưng các quốc gia như Ba Lan, Na Uy và Estonia đã chuyển sang sử dụng pháo K9 của Hàn Quốc bởi chúng có giá chỉ bằng một nửa so với mặt bằng chung và được giao trong vòng vài tháng thay vì nhiều năm.
Năm ngoái, Ba Lan có ý định mua 500 Hệ thống pháo phản lực bắn loạt cơ động cao M142, hay còn gọi là HIMARS, do Mỹ sản xuất mà hiện đã được Ukraine sử dụng.
Tuy nhiên, do Mỹ không thể giao HIMARS trong thời gian mà Ba Lan mong muốn, nước này đã ký một thỏa thuận mua 288 hệ thống pháo tự hành bắn loạt Chunmoo của Hàn Quốc do Hanwha sản xuất.
Một “điểm cộng” nữa là Hàn Quốc rất dễ dàng trong việc cung cấp chuyển giao công nghệ và hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất tại các quốc gia mua sản phẩm, theo đánh giá của những người làm trong ngành công nghiệp này.
Romania và Anh đang có kế hoạch nhập khẩu pháo K9 của Hanwha và Hanwha sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất ở Ba Lan - nơi có thể được sử dụng làm cơ sở xuất khẩu K9 sang các nước châu Âu khác.
Vào tháng 7, Úc đã chọn Hanwha thay vì nhà sản xuất ô tô và vũ khí Rheinmetall của Đức để chế tạo 129 xe chiến đấu bộ binh Redback, vốn là một trong những dự án lớn nhất trong lịch sử quân đội Úc.