Cơn khốn cùng giữa những lò lửa nóng
Ngày 9/4, phát biểu đại diện cho chính quyền lâm thời Sudan, ông Mohamed hamdan Dagalo - phó chủ tịch hội đồng chủ quyền chuyển tiếp Sudan đã kêu gọi Nam Sudan (South Sudan) kích hoạt các cơ chế chung giữa hai nước, nhằm đạt mục tiêu hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới Abyei đang tranh chấp.
Trong tâm bão
12 năm qua, kể từ khi chia tách, cả hai “người anh em một nhà cũ” đều vẫn phải vật lộn nhằm kiến tạo hòa bình và ổn định. Chính vì vậy, lời kêu gọi ấy dường như đã được đưa ra quá sớm. Hay nói cách khác, là quá muộn màng, giữa nanh vuốt chực chờ của các cuộc khủng hoảng nhân đạo đang đày đọa cuộc sống của hàng triệu người dân, tiêu biểu như ở Abeyi.
Có một chi tiết mà tự thân nó có lẽ cũng đủ để khắc họa bối cảnh hiện tại, ở Sudan, Nam Sudan và Abeyi. Nếu như tại Nam Sudan, Quân đội nhân dân Việt Nam đang tham gia làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) mang tên UNMISS thì tại Sudan, cơ quan tương ứng lại là Phái bộ hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của LHQ tại Sudan (UNITAMS). Riêng ở Abyei, có một phái bộ an ninh lâm thời khác nữa, mang tên UNISFA, mà các chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam cũng đang từng ngày thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo. Vị trí đặc biệt của Abeyi có nguồn gốc sâu xa từ “cuộc chia ly” năm 2011, khi Nam Sudan (có kết cấu dân số phần lớn là người da đen theo Thiên Chúa giáo) tách khỏi Sudan (với đa số tỷ lệ dân số là người Arab Hồi giáo). Ngay từ khi đó, giới phân tích quốc tế đã tiên liệu rằng: Chính những vấn đề xoay quanh việc phân chia nguồn lợi khổng lồ từ trữ lượng dầu mỏ dồi dào sẽ trở thành nguyên nhân gây bất đồng và chia rẽ, trong xã hội của quốc gia non trẻ Nam Sudan nói riêng và trong mối quan hệ giữa Nam Sudan với Sudan nói chung. Kể từ đó đến nay, bất chấp việc hai nước đã ký hiệp định hợp tác toàn diện ngay tháng 9/2012 (tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Phi/AU), khu vực Abyei giàu tài nguyên dầu mỏ ở biên giới chung giữa hai nước vẫn cứ là một khu vực tranh chấp.
Cho đến tận lúc này, theo báo cáo mới nhất của UNICEF công bố ngày 5/4/2023: “Nam Sudan vẫn là một trong những môi trường phức tạp nhất, đòi hỏi các biện pháp cấp thiết và uyển chuyển nhất về tình hình nhân đạo trên thế giới”. Cụ thể: “70% dân số Nam Sudan (khoảng 9,4 triệu người) cần được hỗ trợ nhân đạo. Trong số đó, có 5 triệu trẻ em. Với tình trạng bạo lực leo thang trở lại kể từ đầu năm, cộng thêm một đợt bùng phát dịch tả, cùng với tình trạng hạn hán, dự báo năm 2023 sẽ rất khó khăn. Đặc biệt, vấn đề bạo lực leo thang ở nhiều vùng của Nam Sudan đã làm tăng nhu cầu nhân đạo và cản trở công tác hỗ trợ nhân đạo ở Warrap, Thượng sông Nile, Jonglei, Central Equatoria... cũng như khu vực hành chính Abyei và Greater Pibor, với khoảng 45.000 người và 13.500 trẻ em bị ảnh hưởng”.
UNICEF đúc kết: “Các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo tiếp tục bị ảnh hưởng, bởi các cuộc tấn công vào các đoàn xe và các bên cung cấp dịch vụ nhân đạo. Nam Sudan là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới, để trở thành một “công nhân nhân đạo”. Đơn cử, ngày 25/2/2023, những nhóm vũ trang đã phục kích nhân viên cùng đối tác địa phương của UNICEF - Tổ chức Hành động vì phát triển cộng đồng Abyei (ACAD) - khiến 1 nhân viên thiệt mạng và 2 người khác bị thương”.
Năm “bản lề” Cho nam sudan?
Hồi đầu tháng 3/2023, phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Nam Sudan kiêm Trưởng phái bộ UNMISS - ông Nicholas Haysom nhấn mạnh: “Năm 2023 sẽ là năm mang tính quyết định và là phép thử đối với tất cả các bên tham gia thỏa thuận hòa bình ở Nam Sudan”. Ông cho biết thêm: UNMISS là một trong những nhiệm vụ tốn kém nhất của LHQ trên thế giới, với ngân sách hằng năm 1,2 tỷ USD, nhằm hỗ trợ cho người dân nước này trong cuộc bầu cử sắp tới, với sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, các đảng phái chính trị và giới truyền thông. Vấn đề là, cho đến hiện tại, vẫn chưa có gì bảo đảm được rằng ngân sách khổng lồ cùng những nỗ lực vượt trội mà LHQ dành cho UNMISS chắc chắn sẽ giữ cho lộ trình ấy được triển khai “đúng tiến độ”.
Thực tế, những vết nứt hằn sâu trong lòng xã hội Nam Sudan, ngay từ đầu, đã được tạo nên trên các mâu thuẫn chưa từng được hàn gắn về lợi ích và càng ngày lại càng trở nên trầm trọng. Một điều rất đáng được nhắc lại: Nam Sudan chính là quốc gia có trữ lượng dầu thô hàng đầu châu Phi. Năm 2022, báo cáo doanh thu từ dầu mỏ của quốc gia vùng Cận Sahara ấy ước đạt 1,6 tỷ USD. Có điều, như tờ The National New dẫn lời Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood, chính phủ chuyển tiếp của Nam Sudan tiếp tục "thất bại trong việc phân bổ nguồn thu từ dầu mỏ, nhằm giải quyết các nhu cầu nhân đạo dành cho người dân".
Không chỉ vậy, theo những đánh giá trước đó từ LHQ, các nhà lãnh đạo Nam Sudan đã tìm cách chuyển “những số tiền đáng kinh ngạc cùng các của cải khác” ra khỏi quốc khố. Trong khi đó, không chỉ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc giao tranh, Nam Sudan còn bị tàn phá bởi thiên tai. “Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các nhu cầu nhân đạo. Năm ngoái là năm thứ tư liên tiếp, lũ lụt dữ dội ở Nam Sudan. Hơn 1 triệu người bị ảnh hưởng khi nước cuốn trôi nhà cửa và gia súc, nhấn chìm nhiều diện tích đất nông nghiệp” - ông James Kariuki, Đại sứ Anh tại LHQ nhận xét.
Giữa những nguồn lợi kếch xù và cuộc sống xa hoa của các quan chức ở tầng lớp trên với sự khốn cùng của hàng triệu thường dân liên tục phải đối diện với nguy cơ khủng hoảng nhân đạo ở dưới đáy xã hội là một khoảng cách mênh mông. Không phải ngẫu nhiên, suốt những năm qua, LHQ đã phải liên tục kêu gọi Nam Sudan gỡ bỏ các rào cản chắn trước các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cũng như giải quyết triệt để tình trạng trộm cắp tài nguyên của chính đất nước ấy. Song, 12 năm, mọi thứ vẫn dường như chẳng có gì thay đổi. Các cuộc đọ súng giữa những phe phái đối địch vẫn cứ diễn ra. Viễn cảnh hợp nhất các nhóm vũ trang thành một quân đội quốc gia có chung lý tưởng phục vụ đất nước vẫn mãi xa vời, khi “cuộc chơi” vẫn bị chi phối bởi lợi ích riêng, cả về kinh tế lẫn quyền lực.
Ở phía bên kia của Abyei
Phát biểu tại cuộc họp Ủy ban Giám sát chung Abyei (AJOC) của Sudan và Nam Sudan được tổ chức ở thủ đô Khartoum (Sudan) ngày 9/4, ông Mohamed Hamdan Dagalo nêu rõ: “Bất chấp những thách thức cấp bách mà Sudan đang phải trải qua, quyết định triệu tập cuộc họp này là ưu tiên hàng đầu do tính nhạy cảm của vấn đề khu vực và sự đau khổ của nhân dân trong khu vực... Các cơ chế chung phải được kích hoạt cùng nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi để góp phần tăng cường an ninh, phát triển và ổn định vì lợi ích của các cộng đồng trong khu vực”.
Sudan, xét cho cùng, cũng không có được một trạng thái yên bình hơn là bao nhiêu, so với “người anh em” Nam Sudan. Vào ngày 5/4, Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC) của Sudan tuyên bố tạm hoãn việc ký kết thỏa thuận thành lập chính phủ dân sự phục vụ việc điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi diễn ra các cuộc bầu cử chính thức. Tuyên bố của FFC cho biết các cuộc thảo luận về việc tái cơ cấu quân đội - nghĩa là thống nhất các nhóm vũ trang - đã đạt được tiến triển nhưng vẫn chưa hoàn tất, dẫn đến việc ký kết bị trì hoãn (và chưa xác định được thời hạn nối lại).
Diễn biến này, có thể nói, một lần nữa tô đậm thêm tình trạng bế tắc về chính trị cùng sự bất ổn về kinh tế - xã hội ở Sudan, kể từ cuộc đảo chính năm 2021. Do đó, tiến trình tiếp nhận các nguồn viện trợ nhằm thúc đẩy tái thiết đất nước cũng đang đối diện không ít trắc trở. Bởi vậy, ở đây, lời kêu gọi hợp tác được đưa ra từ đại diện của Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan dành cho Nam Sudan thiếu một nền tảng then chốt: Tính hợp hiến. Cả hai đất nước, đến lúc này, đều chưa hoàn tất được tiến trình hòa giải dân tộc và cũng đều chưa tiến hành bầu cử xong một chính phủ dân sự đúng nghĩa, đại diện chính danh được thừa nhận rộng rãi cho quyền lợi của mỗi quốc gia. Abyei, vì thế, có lẽ cũng khó có thể sớm được xúc tiến thực hiện các cơ chế hợp tác để cùng phát triển, vì lợi ích chung của cả Sudan lẫn Nam Sudan (khi mà cả hai phía vẫn chưa giải quyết xong những vấn đề riêng của mình).
Phái bộ UNISFA có lẽ vẫn bắt buộc phải được duy trì. Cho dù, sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, xét cho cùng, cũng chỉ là một giải pháp tình thế. Để đẩy lùi những bóng ma khủng hoảng nhân đạo và để xóa đi những nỗi khốn cùng, còn cần thêm rất nhiều nỗ lực, sự đồng thuận, tinh thần hòa giải, các định chế pháp luật, cũng như thời gian...