Còn lạc lõng trước ngày vui của dân tộc đến bao giờ?
Trong những ngày này, cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975–30/4/2023). Đã gần nửa thế kỷ, cứ vào dịp này vẫn có những kẻ xuyên tạc, cay cú về chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã mở ra chương mới trong lịch sử đất nước: Kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 21 năm gian khổ, hy sinh, Bắc Nam sum họp một nhà, non sông qui về một mối, đất nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, độc lập, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 30/4/1975 mãi mãi trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
48 năm đã trôi qua, thế nhưng các thế lực phản động và nhiều cá nhân cuồng tín chống Cộng không chịu chấp nhận sự thật, vào dịp này lại tìm cách phơi bày tâm trạng đen tối, kích động thù hận. Bọn phản động lưu vong vẫn gọi ngày Chiến thắng 30/4 là “ngày quốc hận”(?). Những người bạn của tôi đang định cư ở Mỹ, mới đây trong cuộc gọi thăm hỏi tình hình quê nhà đã than rằng công việc kinh doanh khó khăn nhưng năm nào vào dịp này Việt Tân và đủ các tổ chức hội đoàn cũng cử người đến vận động ủng hộ cho những hoạt động “tưởng niệm”. “Nếu bạn không quyên góp thì về sau đừng hòng làm ăn với những người này. Thôi đóng tiền mua sự yên thân, mấy ổng làm với nhau, kỷ niệm chi đó là chuyện mấy ổng, có ai thèm quan tâm”.
Rõ là lòng hận thù và máu chống Cộng thâm căn cố đế đã khiến những người này không biết mở mắt để nhận thức về bài học lịch sử vẻ vang của đất nước. Một sự thật hiển nhiên là dân tộc Việt Nam chưa từng khuất phục bất cứ thế lực ngoại xâm nào. Dù giặc ngoại xâm đến từ đâu thì dân tộc vẫn anh dũng đứng lên đánh đuổi với tinh thần đã được Bác Hồ đúc kết: Thà hy sinh tất cả chứ nhất quyết không chịu mất nước, nhất quyết không chịu làm nô lệ.
Lòng hận thù khiến những người này luôn nuôi mơ mộng hão huyền xoay ngược vòng quay lịch sử. Năm 1975, cả một đội quân hùng hậu được Mỹ trang bị vũ khí tối tân mà chỉ một cơn cuồng phong của lòng yêu nước, Nhân dân ta đã quét sạch đến tận gốc rễ, bây giờ sao cứ mơ hồ mong có ngày trở lại? Thực ra đằng sau chuyện quyên tiền của bọn phản động để tưởng nhớ “ngày quốc hận” lại là chuyện khác. Người bạn của tôi ngao ngán: Mấy ổng toàn chống Cộng cái miệng, tiền quyên góp để mấy ổng chi xài gì, có trời mà biết!
Suốt gần nửa thế kỷ qua, lòng hận thù đã biến họ thành những con đà điểu vùi đầu trong cát không chịu nhìn vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, bao thế hệ người Việt ở xa Tổ quốc đã hòa nhập hoàn toàn và một lòng hướng về đất nước, cùng chia sẻ niềm tự hào về những thành tựu đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được cả về kinh tế và vị thế chính trị là điều hiển nhiên, các thế lực thù địch muốn phủ nhận, bôi đen cũng khó. Những thành tựu đó như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: "Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Mỗi dịp cả nước hướng về ngày chiến thắng lịch sử 30/4, tôi lại nhớ cảm xúc lần đầu đọc bài thơ Nếu không có ngày 30 tháng Tư của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân. Bài thơ có đoạn “Nếu không có ngày ba mươi tháng Tư/ Em vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất/ Sẽ không biết tự khuyên mình những lời khuyên nghiêm khắc/ Không một lần dám sống hy sinh/ Và giữa dòng người cuộc sống gấp bon chen/ Em đâu biết tin một ai, một điều gì tuyệt đối…”. Bài thơ như là lời tâm sự nội tâm của tác giả. Tác giả bộc lộ cho người yêu của mình - người chiến sĩ giải phóng quân. Anh là tượng đài chiến thắng không chỉ cho chính cô mà cho cả thế hệ. Lời thơ cất lên từ trái tim ấy cũng là lời của bao người chưa hiểu vì sao mình lại được hưởng hạnh phúc tuyệt vời như thế. Điệp khúc được nhắc đi, nhắc lại từ khổ thơ đầu đến khổ thơ cuối “Nếu không có ngày ba mươi tháng Tư”. Nếu không có ngày đó thì sẽ ra sao với thế hệ này?
Vâng, giữa những khó khăn chồng chất, một thế hệ mở lòng ra đón nhận lịch sử với tất cả niềm tin yêu, chung sức chung lòng xây dựng cuộc sống mới. Hình ảnh này càng cho ta thấy tội nghiệp cho những kẻ cứ nuôi mãi hận thù, quay lưng với Tổ quốc. Tổ quốc luôn bao dung như tấm lòng người mẹ với mọi đứa con, miễn là biết lầm lạc để quay về. Còn chờ gì nữa mà cứ mãi giữ thái độ lạc lõng trước ngày vui của dân tộc?
PHẠM HOÀNG