Còn lại những giá trị vô hình

Trong lịch sử đấu tranh Cách mạng đã có hàng triệu người con đất Việt tự nguyện dấn thân, cống hiến cho Tổ quốc. Có những người góp sức bằng kiến thức hoặc là vật lực; có những người đóng góp bằng sức khỏe tuổi thanh xuân, cầm chắc tay súng ở chiến trường. Đặc biệt, có người lại góp sức được trên rất nhiều phương diện - như một nhân vật trí thức lớn mà chúng tôi muốn kể trong phóng sự sau đây. Nhân kỉ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chúng ta cùng nhớ về bác sĩ - nhà báo - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Luyện, để cảm nhận sâu hơn về những giá trị vô hình trong cuộc đời này.

Trong ngày lễ Quốc khánh vô cùng trọng đại, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, hình ảnh tư liệu lịch sử còn lưu lại gương mặt một nhân vật trí thức có tiếng tăm. Ông từng đảm trách nhiều cương vị quan trọng như: Thành viên Ban Cố vấn của Chính phủ; Đại biểu Quốc hội khóa I; Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội… Ông cũng là người đóng góp ý kiến xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên của nước nhà; đồng thời tham gia Hội nghị Đà Lạt và Hội nghị Fontainebleau, đàm phán ngoại giao với Chính quyền Pháp về nền độc lập, tự chủ của Việt Nam.

Trong cuốn sách “Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện và một thời” của tác giả Xuân Hải có nhiều tư liệu chân xác, cho thấy: Từ trước khi ta giành được Chính quyền, nhà trí thức yêu nước ấy đã có những đóng góp thiết thực và đáng quý. Ngay từ ngày ấy, ông đã đề xuất ý kiến cần hình thành Luật Bảo vệ sức khỏe trẻ em. Bên cạnh đó, ông còn tổ chức mở ra một tờ báo tư nhân, với định hướng rõ ràng về tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc.

Trong ký ức đau thương mà oai hùng ngày “Toàn quốc kháng chiến”, giữa lực lượng quyết tâm bám trụ để bảo vệ thủ đô, có bác sĩ Nguyễn Văn Luyện cùng với 2 người con trai ruột - khi đó đang là sinh viên y khoa kiêm tự vệ thành Hà Nội. Ngay trong đêm nổ súng đầu tiên (19/12/1946), cả 3 cha con đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh. Họ đã tình nguyện hiến dâng tất cả vì Hà Nội.

Trên đường phố Hà Nội hôm nay, mấy ai còn nhớ những địa danh như Nhà thương Ngõ Trạm - nơi bác sĩ Luyện mở ra để cứu giúp người nghèo; hay ngôi biệt thự vốn là nhà riêng đã được trưng dụng làm địa điểm họp bàn về bản Hiến pháp đầu tiên, cũng là nơi 3 cha con ông đã từng bám trụ và ngã xuống... Tất cả những tài sản hữu hình đó, sau này đều hiến cho Nhà nước. Bản thân ông chỉ còn gửi lại cuộc đời những giá trị vô hình. Cùng lắng lại suy ngẫm trước thời gian, càng thấy: Chính những giá trị vô hình đó mới là điều thiêng liêng và trân quý nhất.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thiện Đoan - Như Huỳnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/con-lai-nhung-gia-tri-vo-hinh-230270.htm