Con mang đĩa thịt gà đi đổ, mẹ nghẹn ngào nhớ ông ngoại đau răng

'Đĩa thịt gà từ hôm qua sao mẹ không đổ đi? Để làm gì chật cả mâm', vừa ngồi vào bàn ăn, con tôi nói vậy rồi cầm đĩa thịt mang đi.

Nhìn đĩa thịt gà con định đổ vào sọt rác, tôi ngăn lại và nghẹn ngào kể cho con, cháu về những bữa được ăn thịt gà lúc còn nhỏ.

Tôi ra đời vào năm chiến tranh nên được chứng kiến những khó khăn gian khổ của đất nước từ sau 1954 đến sau hòa bình lập lại.

Khi đó nhiều nhà lương thực còn không đủ ăn, lấy đâu ra thịt cá. Nhà tôi lại đông người. Cả gia đình vừa tròn chục người. Rồi đúng lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ nổ ra ác liệt nhất, cùng với thanh niên cả nước hưởng ứng lời kêu gọi “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt” anh cả tôi đang học cấp 3 xung phong vào bộ đội.

Anh trai thứ hai dù chưa đủ tuổi nhưng vẫn cùng một số bạn dùng máu của mình viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Vậy là, nhà tôi cùng một lúc tiễn 2 anh lên đường nhập ngũ. Sau huấn luyện ở đơn vị, các anh lên đường Nam tiến.

Biền biệt từ lúc các anh đi đến khi về thăm nhà lần đầu là sau giải phóng miền Nam 30/4/1975.

Chiến tranh kết thúc, anh cả ở lại phục vụ trong quân đội, anh thứ hai về phục viên, tiếp tục đi học chương trình cấp 3. Lúc này nhà tôi có tới 6 đứa con đi học từ cấp 2 đến cao đẳng. Vì thế thầy u (bố mẹ -nv) tôi phải bươn trải rất vất vả để nuôi các con.

Rất may sau đó Nhà nước thực hiện Nghị quyết số 10 (còn gọi là Khoán 10), giao ruộng cho các hộ nông dân cấy sản. Để có thể nuôi các con ăn học, thầy tôi mua một con bò rồi nhận cấy ở những cánh đồng sâu, những mảnh ruộng toàn cỏ cao không ai muốn làm. Như vậy sẽ được nhiều diện tích đồng thời phải nộp sản ít hơn.

Nhiều ruộng nên vào mùa nhà tôi phải mượn, đổi công với rất nhiều người. Những hôm cấy, thầy u tôi thức cả đêm nhổ mạ. Nhổ nhiều đến mức tay bị lá mạ cọ vào mòn đến bật máu, phải lấy giẻ quấn lại. Mùa gặt cũng vậy, mỗi ngày thầy u gặt mấy sào, bó đon mang về xếp đầy sân đình. Tối đến ăn cơm xong, thầy u lại đập lúa đến khi nào hết mới nghỉ.

Thời kỳ đó, ngày nào không đi học, chúng tôi cũng giúp bố mẹ nhưng chẳng được đáng là bao.

Ảnh minh họa: Pexels

Ảnh minh họa: Pexels

Ngoài làm nông ra, thầy tôi còn có nghề mộc. Ông rất khéo tay, việc gì cũng làm được, từ đóng đồ gia dụng như bàn, ghế, giường, tủ đến làm nhà...

Thầy tôi mở xưởng mộc ở nhà, vừa đóng đồ bán, vừa dạy nghề cho nhiều người nữa. Chính vì thế nhà tôi dù đông con, đang tuổi ăn tuổi học nhưng ngày mùa cũng như kỳ giáp hạt hầu như không bao giờ phải ăn cơm độn khoai, sắn như những gia đình khác.

Trong bữa ăn cũng thường có thức ăn như thịt, cá, trứng... Song không có để ăn no chán. Tôi nhớ nhất những hôm được ăn thịt gà.

Ngày đó chỉ có gà ri nên mỗi con cùng lắm nặng hơn 1kg. Thịt ra cho cả nhà gần chục người nên thầy u tôi thường có hai cách chế biến chính. Nếu luộc, bao giờ cũng vậy, khi ăn, thầy chặt cho hai đứa bé chúng tôi mỗi đứa một cái đùi, rồi mới chặt ra cho mọi người ăn. Còn không thì chặt thật nhỏ, cho nước vào ninh vừa làm thức ăn mặn, vừa làm canh.

Những hôm đó hầu như tôi không thấy thầy u ăn miếng thịt nào, chỉ chan tí nước. Các anh chị gắp cho thầy u, nhưng rồi miếng thịt đó lại vào bát hai đứa bé chúng tôi. Thầy nói bị sâu răng ăn vào đau nhức không chịu được.

Cứ thế tôi vô tư ăn, và trong tâm niệm tôi luôn nghĩ thầy tôi đau răng nên không ăn thịt gà được. Chỉ đến khi lớn lên, làm cha làm mẹ, tôi mới ngộ ra được lý do đúng nhất.

Vất vả nuôi con đến khi chúng tôi trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, kinh tế cũng khá giả, có của ăn của để, thầy u tôi mới được nghỉ ngơi vui hưởng tuổi già. Nhưng chưa nghỉ ngơi được bao lâu, trong một lần đi khám, thầy tôi phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối. Cả gia đình đều bàng hoàng.

Bác sĩ bảo, do phát hiện bệnh muộn, không có phác đồ điều trị, thời gian còn lại không lâu nữa. Nhưng con cháu quyết tâm chạy chữa cho thầy tới cùng. Ai nói thuốc gì, ở đâu các con đều tìm đến mua, mong thầy khỏe và kéo dài thời gian ở cùng con cháu. Song cũng chỉ được một thời gian ngắn, không cưỡng được số mệnh, thầy tôi về với tổ tiên trong nỗi tiếc thương của gia đình, anh em họ hàng.

Thầy mất đến nay dù đã hơn 20 năm nhưng mọi người vẫn luôn nhớ, thán phục, kính nể tầm nhìn xa trông rộng, cường độ làm việc, nuôi dạy con của ông.

Còn riêng tôi, ngoài tình cảm nhớ thương thầy như mọi người con khác, mỗi khi ăn thịt gà lại càng nhớ thầy, nhớ tình yêu thương thầy u dành cho chúng tôi. Một tình yêu thương mà chỉ những người làm cha, làm mẹ mới có được.

Độc giả Hoàng Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/con-mang-dia-thit-ga-di-do-me-nghen-ngao-tam-su-chuyen-ong-ngoai-dau-rang-2137240.html