Còn mẹ là còn trọn vẹn những yêu thương!

Ngày hôm ấy, tôi dẫn con gái về thăm mẹ. Vừa vào đến sân nhà, tôi gọi và nghe tiếng mẹ thân thuộc vọng ra từ phía căn phòng nhỏ. Mẹ đang lúi húi lục tìm thứ gì đó.

Vào phòng chào mẹ, tôi hỏi: “Mẹ đang tìm gì thế?”. Vừa lúc đó, mẹ cũng ngồi xuống giường, mừng rỡ lần mở từng lớp giấy bọc: “Đây rồi, vậy mà mẹ chỉ sợ mất”. Tôi tò mò trêu: “Vàng hả mẹ?”.

Mẹ vừa vuốt ve món kỷ vật ấy vừa ôm cháu gái thủ thỉ: “Cái này với bà còn quý hơn vàng đấy! Bà cất kỹ quá mà cứ tưởng bị lạc mất ở đâu. Đây là huy chương kháng chiến của bà đó”. Cô con gái 8 tuổi của tôi thắc mắc: “Huy chương kháng chiến là gì hả bà?”.

Mẹ tôi xúc động: “Đó là sự tri ân của Tổ quốc với những hy sinh của người đi trước. Nó chứa đựng cả một thời tuổi trẻ, mồ hôi và nước mắt của bà cũng như những đồng chí khác trong kháng chiến”.

Tôi rưng rưng đón lấy tấm huy chương, rồi lặng người khi nghe mẹ nói tiếp: “Bộ phim vừa xem khiến mẹ nhớ đến những ngày tháng xung phong mở đường ở mặt trận Quảng Bình. Nhớ những chị em cùng tiểu đội thanh niên xung phong, nhớ tiếng cười đùa, trò chuyện vang cả cánh rừng. Nhớ cả khoảnh khắc bom dội ngay trên đỉnh đầu, tất cả chị em trong đội của mẹ hy sinh. Lúc ấy, mẹ vừa khóc vừa lao ra giữa những đống đất đá bới tìm đồng đội, gọi lạc cả giọng mà không nghe tiếng ai hồi đáp. Vẫn biết vào chiến trường là cận kề cái chết, mà sao đau lắm con à!”.

Mẹ kể đến đây rồi nghẹn ngào rưng rưng, giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt gầy gò, nhăn nheo của người cựu thanh niên xung phong. Tôi ôm mẹ vỗ về và tự trách mình sao hời hợt trước miền ký ức oai hùng ấy. Rồi mấy mẹ con, bà cháu lại quây quần bên nhau trò chuyện. Nhìn mẹ âu yếm, bóc bánh cho cháu ăn và dạy những vần thơ, câu hát, tôi thấy lòng mình ấm lại. Vốn dĩ, tôi nghĩ sẽ thở than với mẹ về khó khăn đang trải qua, những ấm ức mà bản thân đang gánh chịu nhưng ngay lúc này, những khó khăn đó dường như tan biến hết.

Ít ai nghĩ rằng người phụ nữ gầy gò, ngoài 70 tuổi ấy từng vác trên vai mấy chục kilôgam đạn băng qua mưa bom trên con đường Trường Sơn huyền thoại để giúp bộ đội đánh giặc cứu nước. Hòa bình lặp lại, cũng chính người phụ nữ ấy đã mạnh mẽ quyết tâm gạt nỗi nhớ quê hương sang một bên để cùng gia đình vào miền Nam làm kinh tế mới. Mẹ vừa nuôi con, chăm chồng ốm yếu vừa đi làm công nhân cao su; tối về lại đốt đuốc phát cỏ tranh để có đất canh tác, chăn nuôi. Một mình mẹ cứ cần mẫn phát gần héc ta đất trống, tay chân cỏ cứa không còn chỗ nào lành. Vậy mà khi có gia đình khác đến xin đất ở, mẹ tôi vẫn vui mừng chia cho họ đất làm nhà. Bố tôi càu nhàu, mẹ bảo: “Họ cũng khó khăn giống mình, giúp được thì giúp, thêm người ở càng đông vui anh ạ!”.

Mẹ tôi là vậy, cả đời chẳng mất lòng ai, chẳng xin ai cái gì, nhưng ai khó khăn, ai cần là mẹ lại cho đi. Nhiều lúc tôi tự hỏi, không biết sức mạnh nào giúp mẹ vượt qua khó khăn bươn chải nuôi 4 chị em tôi ăn học nên người. Và rồi khi có con, tôi mới hiểu động lực chính từ tình mẫu tử thiêng liêng.

Mẹ không biết đi xe máy, chỉ có chiếc xe đạp cà tàng, nhưng nếu chị em tôi gặp khó khăn thì dù ở bất kỳ đâu mẹ cũng sẽ đến nhanh nhất có thể. Hình ảnh mẹ chở tôi và bó củi cao su trên chiếc xe đạp leo lên con dốc giữa trưa hè luôn khắc sâu trong tâm trí tôi cho đến mãi bây giờ. Dù có khó khăn thế nào, vất vả đến đâu, mẹ vẫn động viên các con cố gắng học hành. Chị em tôi lần lượt ra trường, rồi dìu dắt nhau cùng đứng vào hàng ngũ của Đảng, đây là điều mà mẹ tôi tự hào nhất.

Sau những tháng ngày khó khăn, khi cuộc sống bắt đầu khởi sắc thì cũng là lúc mẹ phải chịu nỗi đau liên tiếp vì lần lượt chứng kiến sự ra đi của những người thân yêu nhất. Nỗi đau ấy tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng vì con nên mẹ lại gắng gượng đứng dậy bước tiếp.

Những năm tháng tuổi già kể từ lúc nghỉ hưu, mẹ tôi chẳng chịu đi đâu vui chơi mà chỉ quanh quẩn ở nhà lo cho đàn gà, trồng rau, chăm con, chăm cháu. Chị em tôi đã bao lần thuyết phục mẹ đi du lịch mà mẹ nhất quyết không đi. Ấy vậy mà chỉ cần nghe tin con cháu ốm đau là ngay lập tức, mẹ khăn gói lên bệnh viện cả tháng không về…

Thời gian cứ thế trôi đi. Có những điều chỉ mới đây thôi nhưng chớp mắt đã trở thành kỷ niệm. Tôi luôn cầu mong mẹ sẽ là ngoại lệ, để mẹ luôn là hiện tại, tình yêu và động lực của chị em tôi. Với ai đó có lẽ hạnh phúc được tính bằng tiền bạc, địa vị, nhưng với chị em tôi, hạnh phúc được đong đầy bằng bình an và nụ cười của mẹ. Còn mẹ là còn trọn vẹn những yêu thương!

Mẹ

Có nghĩa là duy nhất

một bầu trời

một mặt đất

một vầng trăng

Mẹ chưa sống đủ trăm năm

Nhưng đã cho con dư dả nụ cười và tiếng hát

Mẹ

Có nghĩa là mãi mãi

Là cho đi

không đòi lại bao giờ…

(Bài thơ “Ngày xưa có mẹ” của Thanh Nguyên)

Dạ Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/142701/con-me-la-con-tron-ven-nhung-yeu-thuong