Con ngựa trong đời sống văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Từ xưa, không chỉ là vật nuôi có giá trị kinh tế, là thước đo giàu - nghèo của người dân vùng cao, con ngựa còn là biểu tượng văn hóa gắn bó với đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai.

Lễ hội lớn nhất trong năm của người Mông là lễ hội Gầu tào. Trong quá trình diễn ra lễ hội, các chủ ngựa cưỡi ngựa chạy vài vòng quanh khu vực sân lễ hội thể hiện sức khỏe và vẻ đẹp của con ngựa. Các chú ngựa tham gia chạy xong dừng lại ở phía gần nơi chủ hội làm lễ. Ông chủ hội Gầu tào sẽ lấy một mảnh vải đỏ buộc vào chiếc lồng đầu ngựa với ý niệm cầu mong cho con ngựa và người chủ một năm khỏe mạnh. Nghi lễ diễu hành ngựa truyền thống của đồng bào thiểu số ở vùng cao có từ xa xưa, diễu hành đúng vào ngày con ngựa, có ý nghĩa khởi đầu một năm mới, khai xuân mọi điều tốt đẹp, con người mạnh khỏe, làm ăn, sản xuất thuận lợi.

Trong nghi lễ tang ma của người Mông, ngựa là vật thiêng và cũng duy nhất chỉ con ngựa là vật hóa thân thành chiếc cáng đưa người Mông về với thế giới tổ tiên.

Còn với đồng bào Hà Nhì, trong nghi lễ cúng, người dân thường chuẩn bị bó cỏ hoặc đấu thóc làm lễ vật cho “ngựa thần”. Ngựa là con vật của các vị thần cưỡi tới nơi làm lễ tại gia đình, cộng đồng. Trong thơ ca dân gian của các dân tộc, con ngựa là hình ảnh thường xuất hiện một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, là con vật được mang ra để so sánh, miêu tả về tính cách của con người.

Trong lễ cưới của đồng bào Tày và đồng bào Phù Lá thường chọn những con ngựa to khỏe để thực hiện nghi lễ đón cô dâu về nhà chồng. Ngựa được buộc, thắt bông hoa đỏ trước trán thể hiện tính chất quan trọng của nghi lễ. Còn trong tang ma của người Nùng có bài múa ngựa truyền thống, dùng đưa tiễn linh hồn người chết về với thế giới bên kia. Ngựa giấy được trang trí đẹp mắt, múa ngựa giấy là điệu múa nghi lễ, múa thiêng của cộng đồng. Con ngựa còn là con vật đưa linh hồn người chết về với tổ tiên thông qua hình ảnh con ngựa đóng yên cương, trên yên đặt chiếc ô để linh hồn người chết cưỡi dẫn đầu đoàn đưa tang về nơi chín suối.

Con ngựa từ lâu đã trở thành người bạn quen thuộc của mỗi gia đình người dân vùng cao. Với những bí quyết, tập quán chăm sóc, thuần dưỡng, chữa bệnh cho ngựa đã trở thành tri thức dân gian quý, cũng là biểu tượng văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao Lào Cai.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/con-ngua-trong-doi-song-van-hoa-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post372888.html