'Con người đều khiếp sợ cái chết và thuế, nhưng đánh thuế bất động sản là điều không thể khác'
'Dù con người đều khiếp sợ cái chết và nộp thuế, nhưng đánh thuế bất động sản là không thể khác, vấn đề là đánh thuế như thế nào', chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh nói.
Bỏ đề xuất đánh thuế nhà, đất thứ 2
Trong các kiến nghị sửa đổi Nghị quyết 54 về một số cơ chế đặc thù, TP.HCM đề xuất thu thuế nhà, đất thứ hai. Tuy nhiên, tại dự thảo mới nhất vừa được Bộ KH-ĐT gửi Bộ Tư pháp thẩm định, chính sách này đã được bỏ.
Báo cáo của Bộ KH-ĐT nêu rõ đây là cơ chế tạo nguồn thu ngân sách cho thành phố và kết quả thí điểm là cơ sở xem xét áp dụng trên phạm vi rộng hơn.
Tuy nhiên, chính sách này có thể không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp, như người chỉ có một nhà ở, đất ở diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có hai nhà ở, đất ở trở lên có diện tích hoặc giá trị nhỏ lại bị đánh thuế.
Bộ KH-ĐT cũng cho rằng đề xuất này cũng chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Lý do là các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản giấy tờ và việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn hạn chế nên nhiều tổ chức, cá nhân sẽ tìm cách lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên. Hơn nữa, cơ chế này còn tác động đến thị trường bất động sản, làm giảm cả cung và cầu thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố.
Bộ Tài chính cũng cho rằng việc đánh thuế vào nhà ở, đất ở thứ 2 sẽ điều tiết mạnh đối với tổ chức, cá nhân có nhiều nhà, đất, góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất tiết kiệm, hiệu quả, cũng như góp phần hạn chế đầu cơ bất động sản.
Tuy nhiên, giá trị nhà ở, đất ở có sự chênh lệch rất lớn, nếu đánh thuế đối với nhà, đất ở thứ 2 thì sẽ có trường hợp nhà, đất có giá trị không lớn lại thuộc đối tượng chịu thuế và nhà, đất có giá trị lớn lại không thuộc đối tượng chịu thuế; hoặc trường hợp người chỉ có một nhà ở, đất ở diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 nhà ở, đất ở đều có diện tích hoặc giá trị nhỏ lại bị đánh thuế.
“Điều này không đảm bảo công bằng xã hội, không đáp ứng được mục tiêu ban hành của chính sách thuế là nhằm điều tiết hợp lý thu nhập”, Bộ Tài chính nêu và cho rằng
Bộ Tài chính cũng cho rằng việc đánh thuế này là chưa phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay. Bởi tại Việt Nam, các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn hạn chế, do đó, việc xác định sở hữu nhà, đất ở thứ 2 trở đi của tổ chức, cá nhân là phức tạp.
Cần phải đánh thuế, vấn đề là đánh thuế như thế nào
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng đề xuất đánh thuế bất động sản của TP.HCM rất quan trọng và giúp giải quyết nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, theo ông Đỉnh, vấn đề không phải là có đánh thuế hay không (đánh thuế là đúng) mà vấn đề cần phải xét là đánh như thế nào? Đánh trên đối tượng nào với tỷ suất bao nhiêu? Đối tượng nào được miễn thuế? Đánh vào thời điểm nào và cơ sở hạ tầng (dữ liệu về nhà, đất) phải hoàn thiện ở mức nào mới đánh thuế...
“Tôi là người phản đối đề xuất đánh thuế bất động sản của TP.HCM nhưng phản đối không phải ở “có đánh thuế hay không”, mà là “đánh như thế nào”. Hiến pháp quy định “mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”, có nghĩa là mọi người chỉ có nghĩa vụ nộp các khoản thuế đã được quy định trong luật. Do đó, không thể quy định chính sách thuế trong một nghị quyết của Quốc hội về chính sách đặc thù cho một địa phương”, ông Đỉnh nói.
Mặt khác, theo ông Đỉnh, mọi sắc thuế phải được thu một cách đồng bộ, “không thể có chuyện một người sở hữu 2 căn nhà ở quận 1 TP.HCM phải chịu thuế nhưng một đại gia khác cũng sở hữu 10 căn nhà ở phố cổ Hà Nội không phải chịu thuế”.
Theo ông Đỉnh, quan điểm cho rằng khi đánh thuế bất động sản sẽ làm tăng giá bất động sản, dẫn đến người mua/thuê bất động sản phải chịu giá cao là không hợp lý.
“Trong nền kinh tế thị trường, giá cả do rất nhiều yếu tố tác động, không thể không xét đến yếu tố đầu cơ, yếu tố lợi nhuận của người có tài sản đưa vào giao dịch. Đánh thuế bất động sản chắc chắn là giải pháp hữu hiệu để chống đầu cơ. Khi yếu tố đầu cơ bị giảm thiểu cho đến triệt tiêu, chỉ còn nhu cầu thực và khi hành lang pháp lý đã rõ ràng, minh bạch, các dự án được khơi thông tạo ra nguồn cung dồi dào, cán cân “cung - cầu” được cân bằng thì một cách tự nhiên, người có bất động sản sẽ phải giảm lợi nhuận kỳ vọng cấu thành trong giá bán/giá cho thuê xuống. Hệ quả là giá bán, giá cho thuê bất động sản sẽ giảm, khi đó hiện tượng “bong bóng” sẽ chấm dứt”, ông Đỉnh nói.
Ông Đỉnh nhấn mạnh rằng, dù con người đều khiếp sợ 2 thứ nhưng không thể lảng tránh là cái chết và nghĩa vụ nộp thuế, nhưng đánh thuế bất động sản là bắt buộc, không thể khác, vấn đề là đánh thuế như thế nào.
Đảm bảo tính hiệu quả, công bằng, khả thi
Cũng nói với Một Thế Giới, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam ủng hộ việc xây dựng Luật thuế bất động sản để phục vụ cho nhu cầu phát triển của địa phương.
“Người dân muốn chất lượng cuộc sống cao hơn, tiện nghi hơn… thì phải bỏ tiền ra đóng thuế. Thuế bất động sản nếu triển khai tốt sẽ giải quyết vấn đề này”, ông Du nói.
Theo ông Du, những sắc thuế có thể địa phương hóa thì nên địa phương hóa và thu thuế theo mục đích chi. Người dân đóng thuế thì họ cần phải được biết từng đồng thuế họ đóng được sử dụng như thế nào.
“Nếu cứ thu thuế rồi bỏ vào ngân sách chung, không biết khoản nào chi cho việc gì thì rất bất cập. Nhược điểm lớn nhất của các nguồn thu thuế liên quan đến đất đai là không gắn với chi, đây là vấn đề rất cần quan tâm”, ông Du chia sẻ.
TS Huỳnh Thế Du cũng nhận định, để việc xây dựng sắc thuế bất động sản tốt cần dựa trên 3 nguyên tắc là hiệu quả, công bằng và khả thi. Hiệu quả là sắc thuế ít gây méo mó và mất mát vô ích trong việc phân bổ nguồn lực cho nền kinh tế. Về tính công bằng, những người có khả năng nộp thuế như nhau thì cần có mức thuế như nhau và người thu nhập cao hơn cần có mức thuế cao hơn.
“Tuy nhiên, giữa chúng luôn có sự mâu thuẫn với nhau. Ví dụ, sắc thuế muốn hiệu quả và công bằng thì phải chi tiết với nhiều thuế suất cho những đối tượng khác nhau, nhưng lúc đó sẽ khó khả thi. Luật thuế quá phức tạp sẽ khó triển khai và dễ gây tiêu cực, tham nhũng”, ông Du nói và cho rằng một điều quan trọng nữa là cần thuyết phục sự đồng thuận của người dân trước khi đánh thuế thay vì chỉ tập trung vào nguồn thu.