Con người là trung tâm của chính sách xã hội

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, trong quý I-2024, cả nước đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 1.054.953 người có công với cách mạng, kinh phí ước hơn 8.000 tỷ đồng. Bộ cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, dự kiến trình Chính phủ ban hành trong tháng 5-2024.

Việc chăm lo các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng cũng như những đối tượng yếu thế trong xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

Cùng với đó, việc làm cho người lao động cơ bản được bảo đảm, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị thấp. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng khẳng định vai trò trụ cột trong bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Kết quả giảm nghèo có nơi, có lúc chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao, phân hóa giàu - nghèo có xu hướng gia tăng. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn lớn…

Với mục tiêu lấy con người làm trung tâm trong mọi chính sách xã hội, Chính phủ vừa có Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 9-5-2024 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TƯ ngày 24-11-2023, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Tại Hà Nội, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội được triển khai theo hướng đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững, tiến bộ và công bằng nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Trên cơ sở đó, ngày 4-4-2024, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chương trình hành động số 32-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TƯ nhằm xác định các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu để ban hành các chính sách xã hội phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thực tiễn của Thủ đô. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô.

Nội dung các văn bản mới nhất trên cho thấy sự vào cuộc một cách quyết liệt từ Trung ương đến các địa phương nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TƯ. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao vị trí, vai trò của chính sách xã hội, tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai thực hiện ở các cấp, ngành, địa phương và từng đơn vị.

Trong đó, các nhóm nội dung quan trọng cần được tập trung là: Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động; phát triển hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng

Đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển. Vì thế, chính sách xã hội phải hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/con-nguoi-la-trung-tam-cua-chinh-sach-xa-hoi-666065.html