Con người phải là trọng tâm của việc chấn hưng văn hóa
Văn hóa có hai mặt, một mặt là nền tảng sâu xuất phát từ truyền thống cổ truyền và một mặt nảy sinh phụ thuộc vào thời đại.
PGS-TS. Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa:
Để chấn hưng văn hóa phải tổ chức lại những thiết chế văn hóa
Hiện nay, quan niệm về văn hóa ở nước ta vẫn có sự sai lệch, nhiều người nghĩ văn hóa chỉ là “cờ đèn kèn trống”, là công cụ để tuyên truyền, vì thế mới hình thành một nền văn hóa chỉ mang tính chất bề mặt mà chưa có bề sâu.
Vậy nên, để chấn hưng văn hóa trước hết phải quan niệm lại về văn hóa, tổ chức lại những thiết chế văn hóa. Từ đó triển khai vào đời sống mới có được sự thay đổi. Và thay đổi về văn hóa cũng chính là thay đổi về mặt đạo đức xã hội.
Văn hóa có hai mặt, một mặt là nền tảng sâu xuất phát từ truyền thống cổ truyền và một mặt nảy sinh phụ thuộc vào thời đại. Những giá trị văn hóa mang tính chất bề nổi, bề mặt rất phụ thuộc vào thể chế. Thể chế mà đúng đắn, theo đúng quy luật sẽ làm cho văn hóa phát triển tốt hơn. Trái lại, thể chế mà không đúng quy luật, bị đứt gãy khỏi truyền thống sẽ dung dưỡng cho việc văn hóa và đạo đức bị xuống cấp.
Thể chế văn hóa không đúng sẽ không phát huy được nền văn hóa tiềm ẩn xuất phát từ xa xưa đến nay của dân tộc, và thậm chí còn làm sai lệch đi, khiến cho người ta hiểu không đúng, không coi trọng văn hóa tiềm ẩn.
Một vấn đề nữa: tự do tư tưởng và tự do học thuật là động lực rất lớn để phát triển văn hóa tinh thần xã hội. Trước hết phải có tự do tư tưởng bởi tự do tư tưởng là tiền đề, thậm chí là nguyên nhân cho những sáng tạo, đặc biệt là những sáng tạo mang tính chất văn hóa. Thế cho nên nếu chưa có sự tự do về mặt tư tưởng thì rất khó để phát triển văn hóa.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên:
Làm văn hóa phải có con người văn hóa
Chấn hưng văn hóa là một sự nghiệp lớn và khó. Nói sự nghiệp vì đây là cả một quá trình lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực. Lớn vì đây là một công việc ở tầm quốc gia, dân tộc.
Quả thực văn hóa nước ta hiện nay đang có rất nhiều vấn đề thách thức. Loạn chuẩn giá trị văn hóa là điều có thể thấy rất rõ trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, không chỉ riêng trong ngành văn hóa. Như trong lĩnh vực tâm linh, tôn giáo chẳng hạn, sự việc “xá lợi sợi tóc” của Đức Phật tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) là thí dụ nhãn tiền. Việc hàng vạn người đổ xô đến sự kiện này là vì lòng thành, vì tò mò hay vì u mê, nhưng nhìn ở góc độ văn hóa thì thấy có sự đảo lộn giá trị. Đó là ở một sự kiện tôn giáo lôi cuốn nhiều người.
Chấn hưng văn hóa, vì vậy, phải cần được bắt đầu từ tư duy ở cấp độ cao nhất, trước khi nói đến những công việc cụ thể. “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” - câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại lấy làm phương châm cho Hội nghị Văn hóa toàn quốc (2021) cần phải được quán triệt sâu sắc thành đường lối nhất quán, triệt để, toàn diện xuyên suốt trong mọi hành động, việc làm, phát ngôn của các cấp lãnh đạo. “Người đi giáo dục cũng cần phải được giáo dục” - câu này của Karl Marx ở đây có thể vận thành “Người làm văn hóa cũng cần phải có văn hóa, cần phải được học về văn hóa”.
Đường lối đó phải quyết định cả việc tìm người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa. Chấn hưng văn hóa sẽ không thành nếu những phát ngôn của các nhà lãnh đạo do các thư ký, trợ lý chuẩn bị không đúng về văn hóa, lệch văn hóa cứ được phát ra ở mọi diễn đàn. Vì khi đó các cấp dưới sẽ coi đó là những chỉ thị, mệnh lệnh phải thi hành, thành ra phản văn hóa. Phải xác định được cái gốc của chấn hưng văn hóa là gì. Hiện nay có vẻ như cái gốc này chưa được xác định rõ. Vậy mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra dự án "Chấn hưng văn hóa" với số tiền dự tính 350 ngàn tỷ đồng và bị dư luận phản ứng.
Chấn hưng văn hóa là gì? Là phục hưng các giá trị tinh thần của văn hóa nước nhà và thế giới văn minh. Tiến hành công việc khai sáng trong lĩnh vực lịch sử - văn hóa. Nâng cao trình độ tri thức của nhân dân. Giáo dục nhân dân có ý thức lịch sử đúng đắn, có tình cảm gắn bó với lịch sử đất nước mình, tôn trọng di sản văn hóa của các dân tộc trong nước và trên thế giới. Sự nghiệp này không thể hiểu hời hợt và làm qua loa.
Muốn làm tốt công cuộc chấn hưng văn hóa, điều kiện tiên quyết là phải có con người văn hóa. Hiện nay nước ta đang bị một quốc nạn ghê gớm là tham nhũng. Tham nhũng tiền bạc, cố nhiên. Nhưng gốc rễ của nó là tham nhũng cán bộ. Những người được bố trí vào các vị trí cao trong bộ máy chính trị và hệ thống kinh tế thời gian qua có thể có văn hóa chuyên môn, nhưng họ thiếu và yếu văn hóa chính trị và văn hóa làm người. Từ đó nạn tham nhũng mới nảy sinh và hoành hành.
Ông Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM:
Chấn hưng từ con người
Về con người và con người trong quan hệ cộng đồng, theo tôi hiện nay có những biểu hiện rất đáng lo ngại về phương hướng. Sống cho cá nhân nhiều quá. Về mặt quản lý xã hội, cả khía cạnh pháp luật và đạo đức cũng có những bất cập. Tất cả những nhân tố đó đã tác động đến môi trường văn hóa. Bản thân văn hóa có những sức mạnh nội tại nhưng chưa phát huy được bởi vì chưa được quan tâm đủ, chưa được khuyến khích, cổ vũ và chưa được phán xét một cách đàng hoàng. Cho nên văn hóa xuống cấp thấy rõ ở hiện tượng một bộ phận không ít của xã hội đặt vấn đề lợi ích lên trên hết. Điều tệ hại là ở một chừng mực nào đó trong xã hội của cải vật chất được đưa vào thang bậc, hệ giá trị để đánh giá năng lực của một cá nhân.
Vậy nên, chấn hưng văn hóa trước hết phải bắt đầu từ con người, nhất là vấn đề đạo đức. Muốn chấn hưng đạo đức phải có hệ giá trị. Đó không phải là những danh từ đao to, búa lớn hoặc những thứ chung chung, trừu tượng mà những giá trị rất cụ thể. Một câu hỏi đơn giản thôi, “kính già yêu trẻ” có còn là một biểu hiện của đạo đức nữa hay không? Hoặc, tôn trọng sự khác biệt có được coi là một chuẩn mực ứng xử hay không, bởi đó là vấn đề rất quan trọng để tiếp cận với sự đa dạng của văn hóa? Văn bản chủ trương, nghị quyết đã nói hết rồi nhưng trên thực tế văn hóa phản biện vẫn chưa đạt được như mong muốn, nhất là trong khu vực nhà nước.
Nói chấn hưng con người thì cần lưu ý cho từng đối tượng khác nhau như cán bộ, công chức, người dân, doanh nhân, học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân… trong tất cả mô hình xã hội. Bắt đầu từ con người cụ thể trong từng vai trò, chức năng, nhiệm vụ như vậy thì điều quan trọng phải nhớ ông cha mình đã dạy “thượng bất chánh, hạ tắc loạn”. Tức chấn hưng con người phải từ trên xuống. Các xã hội dân chủ lâu đời rất khác chúng ta khi xử lý hiệu quả những đề xuất từ dưới lên… Còn mình, để khởi sự một cái gì mới khác với “truyền thống” hiện nay thì tôi nghĩ phải từ trên xuống vì nó có tác dụng dẫn dắt và làm cho bên dưới người ta yên tâm.
Đề xuất chấn hưng văn hóa hàng trăm ngàn tỷ đồng (cho nhiều năm) của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nếu chỉ chú trọng vào các thiết chế thay vì vào chất lượng con người quản lý, thực hiện ở các cấp thì quả là đáng lo ngại. Người làm, đặc biệt là ở cơ sở địa phương, có cảm nhận được nội hàm văn hóa của các đề án đó không? Để mọi sự đầu tư vật chất cho văn hóa đạt được hiệu quả, có lẽ không nên quên thực tế chưa nguội lạnh này: ở các địa phương có cán bộ tâm huyết, năng lực thì sẽ phát huy được hiệu quả của các thiết chế văn hóa, còn như ngược lại thì các thiết chế ấy chủ yếu trở thành mặt bằng cho thuê thương mại mà thôi. Trở lại vấn đề con người. Con người vừa là đối tượng thụ hưởng văn hóa nhưng đồng thời cũng là chủ thể sáng tạo văn hóa. Mà sáng tạo cái gì nếu anh không đàng hoàng, không tử tế, không ngay ngắn? Vấn đề đạo đức con người và văn hóa sống phải được cổ vũ có lớp lang và kiên trì. Công việc đó đòi hỏi rất nhiều công phu, bài bản, phải rất kiên trì và tập trung chứ không thể chung chung trong vài mươi trang giấy để trình cấp này, ngành nọ.
Xây dựng những bảo tàng, nhà hát lớn là những cái hiện nay chưa phải là thừa nhưng mà có điều, số tiền đó để đầu tư cho vấn đề giáo dục nâng cao nhận thức người dân về vấn đề đạo đức thì có lẽ hiệu quả hơn là xây dựng các thiết chế đó. Có vị Thứ trưởng nào đó nói các vấn đề quan trọng như nhau. Nhưng tôi cho rằng không nên xem cái gì cũng quan trọng như nhau mà phải đặt thành trọng tâm, trọng điểm. Và trọng tâm đó là phải là con người.
Còn tiếp...
Thạch Thảo - Quốc Ngọc thực hiện