Con người - trung tâm của mọi giá trị
Bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc có nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với mỗi cá nhân. Trong bối cảnh này, phát huy hệ giá trị con người trở nên vô cùng quan trọng để tạo ra một xã hội phát triển, bền vững.
Nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước
Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII của Đảng đã xác định xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới với 5 (nhóm) đức tính, giá trị chuẩn mực cụ thể. Đại hội IX của Đảng xác định: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tiếp đó, các kỳ Đại hội X, XI, XII cũng đưa ra các chuẩn giá trị vừa có sự tương đồng vừa có sự khác biệt về số lượng và cách gọi các giá trị. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; đồng thời, coi trọng xây dựng và phát huy niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, sức sáng tạo, tinh thần cống hiến vì đất nước, khát vọng phát triển thịnh vượng, lòng nhân ái, sự đồng thuận xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững…
Đặc biệt, gần đây nhất, trong buổi trò chuyện chuyên đề tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển theo chế độ xã hội Xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”.
Theo các chuyên gia, tùy thuộc vào lĩnh vực, đối tượng, chủ thể, góc độ xem xét mà mỗi hệ giá trị lại bao hàm giá trị khác nhau, có cơ cấu, trình tự, thứ bậc khác nhau, nhưng hệ giá trị con người bao giờ cũng ở vị trí trung tâm. Hệ giá trị con người ẩn chứa, kết tinh, thấm đẫm trong nhiều mặt, nhiều nội dung của các hệ giá trị khác như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình…
PGS.TS. Đặng Thị Lan, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định, trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, chúng ta đón nhận nhiều cơ hội, song cũng có nhiều thách thức trong tất cả lĩnh vực đời sống xã hội. Muốn phát triển bền vững, một trong những vấn đề quan trọng là tập trung phát triển con người, xem con người là nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước.
"Đảng ta luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của lịch sử, không ngừng bổ sung cơ chế, chính sách xây dựng con người Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để con người phát triển về mọi mặt, có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp đổi mới đất nước. Bối cảnh mới cần có con người có những phẩm chất, chuẩn mực tương xứng, phù hợp để phát huy được năng lực của mình, thích ứng trong xã hội hiện đại”, PGS.TS. Đặng Thị Lan nhấn mạnh.
Cảm hứng hành động, sáng tạo
Các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng là một trong những nguồn lực nhân văn vĩ đại của quốc gia, dân tộc, là nguồn nội sinh đặc biệt. Nhận định như vậy, PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phân tích, các nguồn lực khác như tài nguyên, khoáng sản càng khai thác càng bị cạn kiệt, nếu không khai thác thì vẫn vẹn nguyên, không bị bào mòn, tàn lụi. Tuy nhiên, các nguồn lực hệ giá trị nói chung, đặc biệt là nguồn lực hệ giá trị con người, nếu không sử dụng, khai thác, không khơi dậy và phát huy, chẳng những không phát triển mà còn dần lu mờ, tàn lụi, suy giảm và mất dần vai trò, sức mạnh. “Giá trị con người là nguồn lực đặc biệt, nếu liên tục dùng thì không bao giờ hết, không bao giờ cạn kiệt. Càng được khai thác càng được khơi dậy, càng được phát huy thì càng phát triển, phồn thịnh và bùng lên mạnh mẽ”.
Tại hội thảo quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, GS.TS. Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, kỷ nguyên mới yêu cầu phải phát huy đến mức cao nhất các động lực phát triển đất nước, đặc biệt là tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, khát vọng sáng tạo và cống hiến của toàn dân, của con người Việt Nam.
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam 95 năm qua đã chứng minh hùng hồn, trong những bước phát triển nhảy vọt của cách mạng, chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần đấu tranh, lao động, sáng tạo của Nhân dân, của con người Việt Nam là nguồn gốc của mọi thắng lợi. Bởi vậy, theo GS.TS. Phùng Hữu Phú, kỷ nguyên mới với những mục tiêu lịch sử, đòi hỏi khách quan phải phát huy đến mức cao nhất tinh thần, ý chí, sức mạnh của Nhân dân - chủ thể đóng vai trò trung tâm của sự nghiệp kiến tạo kỷ nguyên mới. Cần chuyển hóa chủ trương, quyết sách, ý chí của Đảng thành nhận thức, cảm hứng hành động, sáng tạo của toàn dân, của mỗi người Việt Nam.
Từ nghiên cứu và quan sát thực tiễn, PGS.TS. Trịnh Văn Tùng, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chỉ ra, xây dựng hệ chuẩn mực xã hội của con người Việt Nam trong bối cảnh mới chính là tuân thủ ba tiểu hệ thống chuẩn mực xã hội: pháp luật, đạo đức và tôn giáo, tín ngưỡng. “Phát huy hệ giá trị con người, xây dựng hệ chuẩn mực xã hội của con người Việt Nam không chỉ là nhiệm vụ của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Sự gặp gỡ giữa các chuẩn mực ấy mang lại hạnh phúc cho mỗi người. Đây cũng chính là điều kiện của xã hội hạnh phúc”.