Còn nhiều băn khoăn về điện mặt trời mái nhà

Nghiên cứu Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang được Bộ Công Thương xây dựng và lấy ý kiến, nhà đầu tư vẫn băn khoăn về các điều khoản áp dụng cho điện mặt trời mái nhà sẽ gây khó khi thực hiện.

Ông Phạm Đăng An, Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đang rất cần đầu tư điện mặt trời mái nhà để đáp ứng các mục tiêu về giảm phát thải, thực hành phát triển bền vững, hay các tiêu chuẩn môi trường xanh, các yêu cầu về tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo từ chuỗi cung ứng toàn cầu… Vậy nhưng, cơ chế để lắp điện mặt trời mái nhà vẫn còn chưa hoàn thiện, nhiều công trình điện mặt trời được lắp đặt đến nay vẫn chưa có phương án xử lý.

Chia sẻ với báo chí, đại diện Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh cũng cho biết, doanh nghiệp đã thuê các đơn vị đến khảo sát mái nhà xưởng và được đánh giá đáp ứng mọi tiêu chuẩn để lắp đặt. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế hợp lý nên doanh nghiệp cũng đành tạm ngưng việc lắp đặt.

Trước thực tế đó, ông Phạm Đăng An nhận định, việc sớm có hành lang pháp lý phát triển điện mặt trời mái nhà là rất cần thiết. Trong dự thảo của Luật Điện lực (sửa đổi) lần này đã bao gồm các phần đề cập đến việc bán buôn điện giữa các bên thứ 3, nhưng cần bổ sung thêm các quy định cụ thể để khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này vì nếu để một doanh nghiệp sản xuất tự đầu tư, tự vận hành để phục vụ cho chính mình thì rất khó. Theo đó, cần có quy định cho phép các nhà đầu tư thứ 3 tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà thông qua các mô hình hợp tác như hợp đồng mua bán điện (PPA), điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính cần thiết, giảm thiểu áp lực về dòng tiền và thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và cần những giải pháp tài chính linh hoạt để thực hiện chuyển đổi xanh.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Duy Thịnh, Giám đốc Đầu tư và phát triển dự án của SolarBK cho rằng, Luật Điện lực (sửa đổi) lần này cần làm rõ khái niệm về đấu nối vào lưới điện quốc gia vì trước đây chưa được định nghĩa cụ thể. Đây là khái niệm rất cơ bản, tuy nhiên có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau khi xác định một dự án đấu nối vào lưới điện quốc gia, đấu nối gián tiếp hay trực tiếp; hay nếu một khu công nghiệp sở hữu lưới điện, mua buôn từ EVN và bán lẻ cho doanh nghiệp, việc xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời hoặc năng lượng mặt trời áp mái để tự sử dụng trong khu công nghiệp có thuộc quy hoạch hay không... Việc quy định rõ để tránh việc không đồng nhất cách hiểu giữa doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước.

Liên quan đến việc đấu nối vào lưới điện, một chuyên gia đề xuất, cơ quan soạn thảo cần có xác định rõ ràng về năng lượng điện này như phân rõ cấp độ đối với hệ thống mặt trời áp mái tự sử dụng, tự sản tự tiêu và đối tượng đầu tư sử dụng để đơn giản hóa thủ tục đăng ký thực hiện và quản lý hành chính. Ngoài ra, việc chi tiết hóa các quy định như thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn an toàn và phòng cháy, chữa cháy là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Ngọc Cường, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư EverEV đề xuất, luật cần trao quyền cho cơ quan chuyên môn trong việc quyết định các cơ chế khuyến khích đối với hoạt động tiên phong, thí điểm, thử nghiệm, làm tiền đề cho việc tiến hành đầu tư ở quy mô lớn trong lĩnh vực lưới điện thông minh quy mô nhỏ.

Hương Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/con-nhieu-ban-khoan-ve-dien-mat-troi-mai-nha-155431.html