Còn nhiều khoảng trống trong thực thi chính sách liên quan đến thủy điện nhỏ
Việc thực thi chính sách liên quan đến thủy điện nhỏ gặp nhiều khoảng trống, đặc biệt trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và cộng đồng địa phương.
Chiều ngày 18/04, tại Khách sạn Thượng Hải, TP.Vinh, Trung tâm Tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An phối hợp với UBND huyện Tương Dương tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chia sẻ công bằng tài nguyên nước cho cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) và thủy điện nhỏ thông qua sự hợp tác giữa cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam” thực hiện tại nhà máy thủy điện Xoỏng Con xã Tam Thái, Công ty MCK do Viện Môi trường Stockholm Thụy Điển tài trợ.
Chủ trị hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thành Nhâm - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An; Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương .
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan: Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Ban Kinh tế Ngân sách tỉnh Nghệ An; các sở, ban, ngành tỉnh; Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Bắc Trung Bộ. Hội thảo còn có sự góp mặt của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Tuấn Quỳnh
Nghệ An hiện có có 32 dự án thủy điện, với công suất hơn 1.360 MW, trong đó, có 16 dự án thủy điện nhỏ. Lưu vực hạ lưu Nhà máy thủy điện Xoóng Con với công suất 15 MW xây dựng trên suối Chà Lạp, thuộc xã Tam Thái, huyện Tương Dương, được lựa chọn để thực hiện nghiên cứu. Theo khảo sát ban đầu, khu vực hạ lưu có 980 hộ dân với 4.067 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, thường xuyên chịu tác động trực tiếp của nhà máy thủy điện.
Kết quả nghiên cứu tại lưu vực thủy điện nhỏ Xoóng Con cho thấy, từ khi đi vào sản xuất từ cuối năm 2018 đến nay Nhà máy thủy điện Xoỏng Con, Công ty MCK đã có nhiều đóng góp về mặt kinh tế, xã hội cho nhà nước và trên địa bàn như: Tạo nguồn điện năng sạch; đóng thuế VAT; tạo công ăn việc làm cho người địa phương; chi trả dịch vụ môi trường rừng; hỗ trợ địa phương. Tuy nhiên, thủy điện này cũng đã gây tác động tiêu cực đến nguồn nước, nông nghiệp và sinh kế của cộng đồng hạ lưu, làm giảm năng suất cây trồng và thủy sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực của khu vực.

Ông Nguyễn Thành Nhâm phát biểu tại buổi Hội thảo. Ảnh: Tuấn Quỳnh
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Nhâm – GĐ Trung tâm Tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An cho biết: Bên cạnh mặt tích cực của các thủy điện nhỏ, các công trình thủy điện này cũng để lại các tác động không mong muốn, ảnh hưởng bất lợi đến nguồn nước cho sản xuất, đời sống, kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học ở phía hạ lưu nhà máy. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng ngày càng khốc liệt thì tác động này của thủy điện làm cho hạn hán, lũ lụt càng trở nên phức tạp, khó khăn thêm trong phòng ngừa, hạn chế.

Ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó CT UBND huyện Tương Dương cho rằng cần ưu tiên cấp kinh phí từ nguồn thuế của nhà máy thủy điện cho địa phương.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những tác động của thủy điện nhỏ đối với sinh kế của cộng đồng sinh sống. Dựa trên các kết quả nghiên cứu, hành động cụ thể đã được đề xuất, bao gồm việc cải thiện cơ chế chia sẻ lợi ích, tăng cường thông tin cảnh báo về xả nước, và hỗ trợ các sinh kế thay thế cho cộng đồng bị ảnh hưởng. Các tham luận và ý kiến cũng cho thấy, việc thực thi chính sách liên quan đến thủy điện nhỏ, như thủy điện Xoóng Con, gặp nhiều khoảng trống, đặc biệt, trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và cộng đồng địa phương.
Các vấn đề điển hình như: Thiếu nước canh tác, ngập lụt và suy giảm đa dạng sinh học chưa được giải quyết triệt để... Để khắc phục, cần hoàn thiện khung pháp lý, bổ sung các quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu, tăng cường giáo dục và truyền thông cho cộng đồng dân tộc thiểu số, đồng thời, xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho rằng: Cần ưu tiên cấp kinh phí từ nguồn thuế của Nhà máy Thủy điện Xoóng Con để hỗ trợ khắc phục tác động sau thủy điện, đặc biệt, trong việc xử lý nhanh chóng vấn đề cấp nước chống hạn cho sản xuất nông nghiệp tại xã Tam Thái.
Tiến sĩ Hồ Thị Phương - giảng viên Trường Đại học Vinh cho rằng: Các sự kiện lũ lụt cực đoan và tình trạng thiếu nước sau xây dựng đập đã trực tiếp làm giảm năng suất cây trồng, thu nhập và gây ra bất bình đẳng kinh tế giữa các hộ dân. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn về nguồn nước.
Hội thảo đã tạo cơ hội để các bên liên quan cùng trao đổi, chia sẻ các giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo sự công bằng trong việc phân chia lợi ích từ nguồn nước, đặc biệt là đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số khu vực hạ lưu các thủy điện nhỏ.