Còn nhiều trăn trở về lương, đãi ngộ của nhân viên y tế học đường
Nhân viên y tế học đường là người ngày ngày phải chăm lo sức khỏe cho hàng trăm, hàng nghìn em học sinh, nên trách nhiệm của họ là không hề nhỏ.
Trong cuộc sống hiện đại, sức khỏe học đường ngày càng được quan tâm. Sức khỏe thể chất và tâm thần của học sinh là yếu tố quyết định đến phát triển giáo dục toàn diện. Cũng chính vì vậy, nhân viên y tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mỗi nhà trường.
Thế nhưng, hiện nay, mức lương đối với nhân viên y tế học đường còn thấp, chế độ đãi ngộ chưa thực sự tương xứng với vị trí việc làm vốn nhiều vất vả, áp lực.
Làm sao để "giữ chân" đội ngũ này gắn bó, cống hiến cho ngành giáo dục cũng là điều cần quan tâm.
Nhân viên y tế học đường – những người thầy thuốc thầm lặng
Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho rằng, công tác y tế học đường đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho học sinh, sinh viên.
Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: MP).
Khi y tế học đường được thực hiện tốt sẽ đảm bảo các điều kiện học tập và sinh hoạt tại trường được an toàn, phù hợp với sự phát triển thể chất và tinh thần của học sinh, sinh viên theo lứa tuổi.
Đồng thời, sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng và tốc độ phát triển của trẻ cũng được theo dõi và quản lý để đảm bảo duy trì và nâng cao sức khỏe học sinh.
“Do đó, nhân viên y tế có một vị trí rất quan trọng trong nhà trường, vì đây là những người có trách nhiệm đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh – một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục toàn diện” – Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp nhận định.
Cũng theo thầy Hiệp, từ chỉ đạo của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới”, đã cho thấy, công tác y tế học đường được tăng cường và thực hiện tốt thì sức khỏe của học sinh trong nhà trường, nguồn lực tương lai của đất nước sẽ được đảm bảo và đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế và xã hội…
Trong thời gian vừa qua, trước tình hình dịch bệnh, thiên tai vô cùng căng thẳng, chúng ta càng nhận thức rõ hơn về vị trí, tầm quan trọng của nhân viên y tế học đường.
Nhận xét về hoạt động của nhân viên y tế học đường, Tiến sĩ Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho rằng: “Từ thực tiễn công tác của các nhân viên y tế học đường, tôi đánh giá rằng phần lớn đội ngũ này đều đáp ứng được công việc. Họ là những người trách nhiệm, ngoài phụ trách chuyên môn về y tế, họ còn hỗ trợ nhà trường và địa phương trong các công tác khác. Đặc biệt, ở các trường bán trú, các trường nội trú, mầm non, công việc của đội ngũ nhân viên y tế lại càng nhiều hơn.
Không nói đi đâu xa, chỉ cần nhìn vào trong chính gia đình chúng ta, mỗi nhà có 1 – 2 con mà khi quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, ăn uống, bố mẹ đã rất vất vả. Huống hồ đối với nhân viên y tế học đường, ngày ngày phải chăm lo cho hàng trăm, hàng nghìn em học sinh, thì trách nhiệm của họ là không hề nhỏ.
Nếu không có đội ngũ này, các công việc trong nhà trường sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là về công tác chăm sóc y tế cho học sinh, cán bộ, nhân viên nhà trường.
Và thử hỏi, nếu các cháu không có sức khỏe tốt, thì làm sao có thể chuyên tâm học tập tốt được”.
Là một nhân viên y tế đã gắn bó với trường học đến nay đã được 17 năm, cô Nguyễn Minh Thơm – nhân viên y tế Trường Tiểu học Vân Phú (tỉnh Phú Thọ) cho biết, năm 2007, cô xin đi làm nhân viên y tế học đường sau khi tốt nghiệp Điều dưỡng đa khoa, Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ. Đến năm 2016, cô Thơm tiếp tục đi học Y sĩ Đa khoa, vừa để nâng cao trình độ chuyên môn, vừa để đáp ứng yêu cầu của vị trí công việc.
Nguyễn Minh Thơm – nhân viên y tế Trường Tiểu học Vân Phú (tỉnh Phú Thọ) đã có 17 năm gắn bó với nghề. Ảnh: NVCC
Chia sẻ công việc hàng ngày của mình, cô Nguyễn Minh Thơm cho biết: “Công việc của một nhân viên y tế học đường thường được đánh giá là nhàn, nhưng trên thực tế, chúng tôi phải thực hiện không ít việc.
Vì y tế học đường không chỉ chăm sóc sức khỏe học sinh, mà còn phải thực hiện rất nhiều mảng khác nữa. Đặc biệt, như tôi đang làm ở trường tiểu học (có học sinh bán trú), nhân viên ý tế học đường cũng có nhiệm vụ trong việc kiểm tra thực phẩm, lưu mẫu thức ăn ít nhất 24 giờ, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nhân viên nhà bếp về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện cả công tác vệ sinh môi trường...”.
Căn cứ bản mô tả vị trí việc làm của Y tế học đường trong các đơn vị sự nghiệp công lập tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 12/2022/TT-BNV, Y tế học đường trong các đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện những nhiệm vụ như sau:
a) Tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người học (kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ; phối hợp tổ chức thăm khám, điều trị theo chuyên khoa; sơ cứu, cấp cứu; tư vấn sức khỏe; hướng dẫn tổ chức bữa ăn dinh dưỡng...);
b) Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe (biên soạn, tìm kiếm các tài liệu truyền thông; tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe;...);
c) Bảo đảm vệ sinh trường học và an toàn thực phẩm;
đ) Thống kê báo cáo và đánh giá về công tác y tế trường học (các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định).
Với cô Thơm, công việc tuy vất vả, nhưng được tiếp xúc với giáo viên, với học sinh cũng là một niềm vui.
“Học sinh thì thường lém lỉnh. Nhiều bé khi mới đi học lớp 1, chưa quen với môi trường nên ngày nào đi học cũng xuống phòng y tế khóc, nhưng khi kiểm tra sức khỏe của con thì không phát hiện bất thường gì. Hỏi ra mới biết là con nhớ bố mẹ và muốn về nhà.
Cũng có những học sinh hay giả ốm để được nằm lì ở phòng y tế, trốn tiết học. Những việc như vậy chúng tôi đều phải giải quyết.
Đặc biệt, có một kỷ niệm mà tôi nhớ nhất trong quá trình làm nghề là có một bạn học sinh lớp 5 đá bóng trong giờ ra chơi nhưng chẳng may bị bóng sút vào miệng nên gãy 1 cái răng cửa.
Khi các bạn cùng lớp đưa bé xuống phòng y tế, tôi kiểm tra và phát hiện ra răng bị gãy là răng vĩnh viễn, nên tôi đã tức tốc huy động học sinh ra chỗ đá bóng tìm lại chiếc răng đó. May sao khi tìm được, tôi đã xử lý vệ sinh, báo gia đình đưa bé đến bệnh viện và trồng lại răng.
Giờ bạn học sinh ấy đã học lớp 12, nhưng thỉnh thoảng gặp lại, chúng tôi vẫn nhắc lại câu chuyện năm ấy” – cô Thơm kể lại.
Là một nhân viên y tế học đường đã có nhiều năm kinh nghiệm, cô Thơm cho rằng, để làm tốt vai trò của nhân viên y tế trong các cơ sở giáo dục, trước hết cần phải có chuyên môn nghiệp vụ; sau là phải tìm hiểu về tâm lý học sinh theo từng lứa tuổi của từng cấp học và phải có cách ứng xử khéo léo, thái độ vui vẻ, gần gũi, nhiệt tình chăm sóc khi học sinh đau ốm.
Cần chăm lo hơn nữa đến nhân viên y tế học đường
Nói thêm về hành trình làm nghề của mình, cô Thơm cho biết, dù đã làm việc lâu năm, nhưng vì đơn vị không có biên chế, nên cô vẫn là nhân viên hợp đồng, ký theo từng năm.
Vì thế, cô Thơm chỉ đi làm và hưởng lương 9 tháng theo lịch học của học sinh, còn 3 tháng hè cô nghỉ không lương và phải tự đóng 100% tiền bảo hiểm xã hội. Những chế độ, chính sách ưu tiên của nhà nước cô cũng không được hưởng.
“Nhiều lúc tôi cũng buồn và muốn bỏ nghề, nhưng nghĩ lại đã bỏ công sức đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nên tôi lại cố gắng. Vì làm việc đã lâu rồi, tôi không chỉ tâm huyết với nghề, mà còn dành nhiều tình cảm cho đồng nghiệp và các em học sinh.
May mắn là khi đi làm, luôn được sự hỗ trợ, chia sẻ từ phía nhà trường, đồng nghiệp; được sự quan tâm, tạo điều kiện của ban giám hiệu nhà trường, nên tôi cũng thực hiện thêm một số công việc khác và có thêm thu nhập” – cô Nguyễn Minh Thơm cho hay.
Tiến sĩ Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị. Ảnh: NVCC
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, đối với các trường đã có biên chế về nhân viên y tế từ trước, thì công tác y tế học đường cơ bản vẫn giữ ở mức ổn định.
Nhưng ở một số trường trên cả nước hiện nay, khi nhân viên y tế (biên chế cũ) đã về hưu hoặc nghỉ việc, do ảnh hưởng của việc tinh giản biên chế, cộng thêm việc sắp xếp lại vị trí việc làm khiến cho việc tuyển mới đội ngũ này cũng rất khó khăn. Dẫn đến việc một số trường còn thiếu nhân viên y tế.
Vì vậy, một số địa phương thường ký hợp đồng với các trung tâm y tế xã, quận, huyện…, hoặc giao cho các cán bộ, giáo viên khác trong trường kiêm nhiệm vị trí của nhân viên y tế để thực hiện công tác y tế học đường.
“Một khó khăn nữa, không chỉ riêng đối với nhân viên y tế mà đối với nhân viên trường học nói chung, hiện nay mức lương còn thấp, chế độ đãi ngộ chưa nhiều đã ảnh hưởng đến quá trình công tác của đối tượng này, khiến họ phải cân nhắc về công việc” – Tiến sĩ Lê Thị Hương nhận định.
Nhận định thêm về khó khăn của đội ngũ nhân viên y tế học đường hiện nay, Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp cho biết: “Trước đây, theo Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 về việc hướng dẫn vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, vị trí việc làm của nhân viên y tế học đường được chuyển vào nhóm 4 - nhóm hỗ trợ (gồm nhân viên y tế, bảo vệ, lao công).
Điều này, gây hoang mang, dao động, khiến không ít nhân viên y tế học đường trên cả nước gặp phải khó khăn, và có những người đã nghĩ đến việc từ bỏ vị trí công tác.
Tuy ở Đắk Lắk không ghi nhận về tình trạng này, nhưng đội ngũ nhân viên y tế của tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn vì nguồn kinh phí của các nhà trường bố trí cho hoạt động y tế còn hạn chế, lương và các khoản phụ cấp dành cho nhân viên y tế chưa tương xứng với công việc đang làm và chưa phù hợp với điều kiện cuộc sống”.
Vừa qua vào cuối năm 2023, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 7583/BNV-TCBC, trong đó xác định lại vị trí việc làm “Y tế học đường” thuộc nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung (không bị xếp vào nhóm hỗ trợ, phục vụ như Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT (vị trí việc làm y tế học đường tại trường mầm non, phổ thông được xếp vào vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ chung nhóm với các vị trí bảo vệ, tạp vụ, nấu ăn - PV) và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT như trước đây).
Nhận xét về quy định mới này, cả hai lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đều cho rằng đây là một dấu hiệu tích cực, thể hiện phần nào sự quan tâm của các bộ, ban, ngành đối với đội ngũ nhân viên y tế học đường.
“Mặc dù vị trí nhân viên y tế được xếp vào nhóm chuyên môn dùng chung, nhưng chế độ, chính sách đối với nhóm nhân viên này vẫn chưa thực sự giữ chân được đội ngũ nhân viên y tế học đường trong tương lai.
Do vậy, cần có những cải cách, thay đổi khác để nhân viên y tế học đường yên tâm công tác trong môi trường giáo dục, xứng đáng với vị trí và tầm quan trọng của công tác y tế học đường.
Tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đề xuất với Chính phủ để nhân viên trường học được hưởng mức phụ cấp ưu đãi 25%. Đây cũng chính là mức phụ cấp ưu đãi nghề thấp nhất mà cán bộ quản lý, giáo viên đang được hưởng và cũng là mức phụ cấp công vụ đang được hưởng, giúp đội ngũ nhân viên y tế yên tâm công tác và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình” – Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp nêu kiến nghị.