Con nhớ căn nhà lưng tựa đồi thông

Hai hàng nước mắt tuôn rơi, hòa vào những giọt mưa bám trên mặt. 'Ba ơi! Con nhớ Ba, nhớ căn nhà lưng tựa đồi thông'…

Trời vừa tạnh cơn mưa rào sau bữa cơm trưa, nắng lên óng ánh những chiếc lá ven đường. Tôi nhón chân nhảy lò cò qua những đụn cát nhỏ chưa được dọn, đu tay lên cành hòe mới trồng ở góc sân để vào nhà.

Bên trong vẫn ngổn ngang vật liệu, một vài tấm cốt pha, một hộp đinh sắt, hai ba miếng bạt xanh đỏ…

Lên tầng hai, tôi bắt gặp bóng dáng quen thuộc đang đứng quay lưng phía cuối hành lang. Ba cao lớn, đội chiếc mũ công trường màu trắng, khoanh tay trước ngực. Tôi chạy lại, bấu những ngón tay nhỏ xíu vào cánh tay Ba. Ba cúi đầu, mỉm cười, những giọt mồ hôi lấm tấm hai bên thái dương chảy xô vào nhau, thành dòng rơi xuống:

- Con gái đến đấy à? Trên này dọn sạch rồi, con chọn xem thích ở phòng nào.

- Thật à Ba? Tôi vui sướng tròn mắt.

Cảnh quê nhà.

Cảnh quê nhà.

Một làn gió thổi mạnh, mang theo mùi của đất, của cỏ cây mà mỗi cơn mưa khi rời đi thường để lại. Có hương thơm khác lạ của một thứ cây nào đó. Tôi quay mặt ra hướng gió, nhướn người, thích thú thấy cả một đồi thông lớn sau nhà. Ánh mặt trời lấp đầy khoảng trống giữa những thân cây thẳng, soi rọi đám bụi li ti. Những chiếc lá kim dài lấp lánh dưới nắng như muôn ngàn sợi kim tuyến giăng mắc khắp khu đồi.

Ba bế tôi lên, chỉ cho tôi những cây khác trên đồi: cây keo, cỏ hồng, cây lá găng nấu thạch, bụi thấp thấp kia là lạc tiên, khi quả chín ăn rất ngon…

Tôi đã sống như cô công chúa nhỏ trong căn nhà lớn đó, với người mẹ hiền dịu, người cha ấm áp, với chiếc tủ đầy ắp sách báo, chiếc giường phủ ga hồng thơm phức.

Mỗi chiều đi làm về, Ba thường ngồi đọc sách ngoài ban công. Nắng chiều đổ bóng trên chiếc ghế Ba ngả lưng. Tôi ngồi cạnh bên chăm chú học, tranh thủ hỏi Ba những bài tập khó. Ba biết nhiều thứ, bất kể lĩnh vực gì. Ba giảng bài toán mà tôi làm nửa ngày không ra, dạy tôi phân tích thơ Đường, chỉ tôi những phương trình hóa học khó nhằn… So với cái đầu bé nhỏ của tôi, Ba là bể tri thức mà dù nhiều năm miệt mài, tôi không thể sánh bằng.

Vào cuối tuần, Ba đưa tôi đi hiệu sách, mua về nhiều thứ: cuốn từ điển to dày làm tôi thích tiếng Anh; tấm bản đồ thế giới dán kín nửa bức tường làm tôi yêu môn Địa, mơ ước đi khắp nơi; những cuốn truyện để sẵn trên giá làm tôi tò mò đọc rồi say mê lúc nào không hay…Ba không nói nhiều hay giục giã, chỉ âm thầm nhen nhóm niềm yêu thích trong tôi.

Những ngày cuối cấp, tôi thức khuya ôn bài. Biết con gái sợ tối, Ba để cửa phòng hé, ánh đèn vàng hắt ra hành lang. Tôi còn học, đèn phòng Ba còn sáng. Nửa đêm Ba gõ cửa, hỏi: “Con gái đói không? Lên bếp Ba nấu đồ cho”. Có hôm mải học tôi từ chối, Ba năn nỉ: “Thế lên ăn với Ba, Ba đói quá”. Tôi biết Ba nói để tôi ăn, Ba sợ con học mệt, mất sức lại gầy gò thêm. Trên góc bếp, hai Ba con vừa ngồi ăn vừa chuyện trò. Ngoài cửa sổ, đồi thông về khuya im lìm, hòa vào màn đêm đen đặc, chỉ thấy viền của những ngọn cây nổi rõ trên nền trời những hôm trăng sáng.

Nét chữ của ba

Nét chữ của ba

Đôi khi, Ba cũng là một ông bố khó tính. Ba thường lớn tiếng mắng hay đánh đòn những lúc tôi mải chơi không giúp mẹ việc nhà, không quan tâm đến ai, cáu gắt vì chuyện không vui ở ngoài. Ba dặn dò: “Mỏi mệt ở bên ngoài chỉ mang về để chia sẻ, không phải để dằn vặt nhau, người ở nhà không có lỗi với con”.

Vì thế, dù công việc áp lực nhưng về nhà, Ba luôn vui vẻ, hài hước. Ba hay trêu để mấy mẹ con cười ầm, chạy quanh nhà. Ba dành thời gian cùng mấy chị em chơi đủ thứ: cờ vua, cá ngựa, chăm cây, nuôi mèo, nuôi cá... Những thú chơi lặt vặt khác của con gái Ba cũng kiên nhẫn chơi cùng, pha trò để chị em tôi cười nắc nẻ. Ba không có con trai, chỉ có ba cô con gái, nhưng dù ai nói gì, Ba luôn yêu thương và tự hào.

Tôi vẫn ước, giá như mình có thể sống hạnh phúc trong căn nhà đó mãi.

Thế nhưng, vào một ngày hè mưa tầm tã năm tôi hai mươi, đang học xa nhà, mẹ gọi nói dự án của Ba thất bại, căn nhà người ta đã lấy, Ba ốm nặng. Mọi thứ sụp đổ, tôi khóc ướt đẫm gối hằng đêm, gắng gượng học hành, lao vào làm thêm bất cứ công việc gì. Có những ngày đói chỉ ăn gói mì tôm, mùa đông rét buốt không một tấm áo dày. Mỗi lần gọi điện về nhà, tủi thân chất chứa nhưng chỉ cần nghe giọng Ba, lại thấy bao áp lực tan biến. Ba không kêu than một lời, Ba luôn nói Ba khỏe, Ba không sao…

Biết bao cố gắng, tưởng rằng tất cả rồi sẽ qua.

Nhưng không, tôi mất Ba giữa mùa hè tháng Sáu nắng mưa xé lòng.

Khi sắp đứng dậy được, tôi lại ngã thêm lần nữa. Đối với tôi, Ba là tất cả. Ba ra đi đột ngột khiến tôi lạc lõng, hoang mang không biết làm sao gánh vác gia đình. Đêm đêm, khi mọi người đã ngủ, tôi mở cánh cửa, ngồi ngoài hiên căn nhà mấy mẹ con thuê trọ, ngửa mặt lên bầu trời thăm thẳm, nhìn những đám mây, những vì sao, nước mắt giàn giụa: Ba ơi! Ba đang ở đâu? Con phải làm gì hả Ba?

Rồi tôi biết mình không thể yếu đuối mãi, nhìn di ảnh Ba trên ban thờ nghi ngút khói, tôi nhớ lời Ba dặn cùng ánh mắt đỏ hoe trước lúc ra đi: “Ba lúc nào cũng ở bên các con, con giúp Ba lo cho em”. Ánh mắt đó của Ba, cả đời tôi không thể nào quên. Tôi lao vào công việc, kèm cặp, động viên các em - như cách Ba đã luôn ở bên.

Tôi tự hỏi điều gì giúp một đứa con gái mỏng manh, mơ mộng đủ sức vượt qua nhiều nỗi đau trong suốt 10 năm dài đằng đẵng?

Đến hôm nay, ngồi ngắm cơn mưa mùa hạ đầu tiên của Hà Nội trút như thác đổ xuống con ngõ nhỏ, tôi nhận ra, thứ cho tôi sức mạnh là tình yêu thương. Ba không còn, căn nhà đầm ấm không còn nhưng một dòng chảy yêu thương vẫn âm ỉ tồn tại trong gia đình tôi.

Tình yêu, sự đồng hành Ba vun đắp bao năm đã phủ lên tuổi thơ đầy những ngọt ngào, để tôi tự hào, nhìn về và phấn đấu. Những kỉ niệm đẹp như hũ kẹo ngọt, mỗi khi chán chường, mỏi mệt, tôi lại lấy ra gặm nhấm để rồi mạnh mẽ hơn. Đó chính là sức mạnh từ gia đình, là điều ý nghĩa nhất Ba để lại.

Tôi ngồi ngoài hiên, những hạt mưa to vẫn xối rầm rầm trên mái tôn mỏng. Nước theo đường máng chảy liên tục thành dòng trắng xóa, đổ mạnh xuống nền sân gạch, bắn tỏa ướt xung quanh.

Mưa mùa hạ đến nhanh mà đi cũng nhanh. Tôi dựa lưng vào cửa, ngước mắt lên bầu trời giờ đã lặng yên sau những vần vũ, rít gào. Một thứ hương thoang thoảng đưa lại, mơ hồ mà thân quen. Nhắm mắt, hít một hơi sâu, tôi nhận ra thứ mùi nhè nhẹ của đất, của cỏ cây.

Tôi tưởng như mình của 20 năm về trước, nhảy nhảy trên nền gạch ướt, chạy về phía Ba, đứng ngang bụng Ba, bám những ngón tay nhỏ xíu vào cánh tay rắn rỏi, ngắm đồi thông sau nhà reo trong gió, ngắm núi đồi xanh cao vời vợi.

Hai hàng nước mắt tuôn rơi, hòa vào những giọt mưa bám trên mặt. “Ba ơi! Con nhớ Ba, nhớ căn nhà lưng tựa đồi thông”…

Một người cha có thể giàu có hay nghèo khổ. Một người cha có thể hiền hòa hay khó tính. Một người cha có thể ở cạnh bên hay đã mãi xa… Dù thế nào, chỉ cần có tình yêu thương, người cha luôn là cả thế giới đối với cô con gái bé nhỏ.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn biên tập

Bài dự thi cuộc thi viết Cha và con gái

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Huyền

Địa chỉ: KĐT Văn Phú, Phường Phú La, Quận Hà Đông, Hà Nội.

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem

Ban tổ chức

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/con-nho-can-nha-lung-tua-doi-thong-d191655.html