'Con nuôi đồn biên phòng'
Trong những năm qua, cuộc sống của bà con các xã vùng biên giới tỉnh Thanh Hóa còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều học sinh trong độ tuổi đến trường phải bỏ học vì gia đình quá nghèo.
Cháu Vi Việt Khang “Con nuôi đồn biên phòng” Na Mèo (Quan Sơn) đang chăm sóc vườn rau cùng với các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo.
Trước thực trạng này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thanh Hóa triển khai mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” - nhận nuôi học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các em có điều kiện học tập và phát triển.
Đồn Biên phòng Tam Chung, đứng chân trên địa bàn xã Tam Chung (Mường Lát) vui nhộn hơn bởi sự có mặt của 2 “chiến sĩ nhí”, Vi Văn Thắng và Vi Văn Tuất, cả 2 em đều sinh năm 2006, cùng ở bản Poọng, xã Tam Chung. Đây là 2 em nhỏ người dân tộc Thái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã, được Đồn Biên phòng Tam Chung nhận nuôi.
Em Vi Văn Thắng chia sẻ với chúng tôi: Bố em nghiện ma túy, mất vì căn bệnh HIV/AIDS cách đây đã lâu. Sau khi bố mất, gia đình em vốn đã nghèo, càng thêm kiệt quệ. Bị mọi người trong bản xa lánh, kỳ thị nên em không muốn đến trường, suốt ngày chỉ biết quanh quẩn ở nhà hoặc lên nương rẫy giúp mẹ, không muốn gặp bất cứ ai. Một thời gian sau, mẹ em cũng bỏ nhà về quê ngoại ở Sơn La, nên em phải chuyển về sống cùng bác ruột và ông nội. Hoàn cảnh gia đình bác ruột cũng rất nghèo khó nên không giúp đỡ được nhiều cho em. Cùng chung hoàn cảnh với em Thắng, em Vi Văn Tuất có bố cũng mắc phải “căn bệnh thế kỷ”, qua đời năm 2012. Mẹ của em Tuất vì sự kỳ thị, xa lánh của người dân nên phải khăn gói đi làm ăn xa lâu lâu mới về, em sống cùng chị gái và bà nội già yếu, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào các cô, các bác. Trước tình hình trên, đảng ủy, chỉ huy đồn họp bàn, đi đến thống nhất báo cáo với Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cùng bàn bạc với chính quyền xã và các cơ quan liên quan nhận 2 cháu về nuôi tại đơn vị để tiếp tục giúp các cháu nuôi ước mơ đến trường – Thượng tá Trần Đình Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Chung cho biết.
Theo Thượng tá Trần Đình Hòa “Lúc đầu mới về đồn, các cháu còn sợ sệt, ít chịu giao tiếp, chỉ ở trong phòng. Chưa hiểu tâm lý của các cháu nên anh em trong đơn vị rất khó xử, dần dần các cháu quen, cởi mở hơn và rất ngoan. Tại đồn, 2 cháu được bố trí một căn phòng khá thoải mái, mỗi cháu được trang bị riêng giường ngủ, tủ đựng quần áo, sách vở và góc học tập. Sống ở môi trường mới, các cháu nhận được tình yêu thương, sự kèm cặp mỗi ngày, thứ mà vốn dĩ lâu nay đã thiếu thốn từ gia đình. Các chiến sĩ biên phòng luôn dành những gì tốt đẹp nhất để các cháu vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập và phát triển toàn diện. Giờ hai cháu đã quen với tác phong sinh hoạt trong môi trường quân đội, cũng thực hiện các chế độ trong ngày như bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ khác, chỉ khác khi đêm về phải học bài, đơn vị đã cử người thường xuyên dạy học cho các cháu”.
Ngoài Đồn Biên phòng Tam Chung, các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn các xã biên giới cũng đã nhận nuôi các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”, như: Đa Lộc (Hậu Lộc); Pù Nhi, Tén Tằn (Mường Lát); Bát Mọt (Thường Xuân)... Trong năm 2019, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, BĐBP tỉnh Thanh Hóa cũng đã làm thủ tục và đón nhận cháu Vi Việt Khang, sinh năm 2007, học sinh lớp 7, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, THCS Na Mèo, là con em địa phương có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về làm con nuôi của đồn. Tuy xã Na Mèo (Quan Sơn) nằm giáp Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, kinh tế của xã khá phát triển nhưng vẫn có nhiều bản ở vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, đồn đã khảo sát và thấy trên địa bàn xã có một số cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn đặc biệt. Có cháu bố mất sớm, có cháu nhà quá nghèo, cha mẹ bệnh tật lại có cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cháu Vi Việt Khang hoàn cảnh bố mất sớm, mẹ bỏ đi biệt tăm, cháu còn nhỏ nhưng phải ở với ông bà nội, cuộc sống rất khó khăn. Nhận thấy nguyện vọng của gia đình cũng muốn gửi cháu cho đồn biên phòng nuôi nấng, giúp đỡ nên đồn đã quyết định nhận cháu là con nuôi. Ngày đồn chính thức nhận cháu làm con nuôi, cấp ủy, chính quyền xã Na Mèo đã có mặt để làm các thủ tục chứng thực và bàn giao cháu cho đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng.
Chúng tôi có mặt ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo vào một chiều thứ 7. Buổi chiều cháu Vi Việt Khang không phải đi học nên sau giờ ngủ trưa cháu dậy đúng giờ, gấp chăn màn ngăn nắp giống hệt các chú bộ đội rồi theo chân các chiến sĩ đi chăm sóc vườn rau xanh của đơn vị. Cháu Khang hào hứng làm việc và tỏ ra rất hứng thú với các hoạt động cùng với các cán bộ, chiến sĩ. Cháu Vi Việt Khang vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: Từ nhỏ cháu đã phải chịu nhiều thiệt thòi vì bố mất sớm, mẹ đi đâu không rõ, cháu ở với ông bà nội, được làm con nuôi của đồn biên phòng cháu có được mái ấm mới, có điều kiện học tập và rèn luyện tốt hơn để sau này trở thành người có ích cho xã hội. Sau này lớn lên cháu ước muốn được trở thành chiến sĩ trong lực lượng BĐBP để bảo vệ người dân, được đi bắt tội phạm và quan trọng hơn đó là cháu có thể giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh như cháu bây giờ.
Thiếu tá Lê Ngọc Đông, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, cho biết: Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” là chủ trương mới và nhân văn mà lực lượng BĐBP thực hiện. Vì vậy, ngay từ khi có chủ trương đơn vị đã thực hiện nghiêm từ khâu rà soát đối tượng đến triển khai đầy đủ các bước, thủ tục pháp lý. Công việc mà các chiến sĩ BĐBP đã được chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn ủng hộ nhiệt tình. Chính quyền xã Na Mèo đã trực tiếp làm tốt khâu vận động, giải thích và hoàn tất các thủ tục bàn giao con nuôi cho đơn vị theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài nhận cháu Vi Việt Khang làm con nuôi, 5 năm qua đơn vị còn nhận đỡ đầu 6 em học sinh trong chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, trong đó có 2 em là học sinh bản Lơi, huyện Viêng Xay (Lào) và 4 em thuộc địa bàn 2 xã Na Mèo, Sơn Thủy (Quan Sơn). Những hoạt động thiết thực của đơn vị nhằm thắt chặt hơn tình quân dân, tình hữu nghị Việt Nam - Lào, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới.
“Con nuôi đồn biên phòng” là một mô hình hiệu quả và mang tính nhân văn sâu sắc. Bên cạnh việc tích cực, tự giác chung tay giúp đỡ các cháu người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mô hình còn phát huy truyền thống đạo lý “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Qua đó góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng với đồng bào các dân tộc trên biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/con-nuoi-don-bien-phong/114555.htm