Con phải điều trị tâm lý vì chứng kiến cha mẹ thường xuyên cãi nhau

Sống trong môi trường cha mẹ thường xuyên cãi nhau, trẻ có thể vô thức cho rằng bạo lực là cách thể hiện tình cảm, kiểm soát hoặc gây sự chú ý.

Gia đình anh chị tôi bất hòa đã lâu. Vợ chồng thường cãi nhau, xô xát trước mặt các con. Cháu trai 7 tuổi không nghe lời, thường trêu ghẹo bạn bè, la hét khi không vừa ý. Tôi rất lo lắng cho cháu và chị gái mình. Mong được bác sĩ tư vấn. (Độc giả giấu tên, Lâm Đồng).

Bác sĩ Trần Quang Huy, Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, tư vấn:

Hiện nay, số lượng trẻ phải điều trị vì gặp sang chấn tâm lý, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi,… khi chứng kiến cha mẹ, người lớn tranh cãi, bạo lực, chia ly, đang tăng dần.

Nhiều em bị la mắng, bạo lực từ người thân và bị tổn thương. Có trẻ thu mình không giao tiếp, có trẻ trở nên bạo lực và ức hiếp bạn bè, có trẻ muốn làm bị thương cha mẹ và bản thân…

Ban đầu trẻ bị buồn, sợ, lo lắng, đơn độc. Các cảm xúc này lặp lại nhiều lần với cường độ cao sẽ dẫn đến rối nhiễu tâm lý nghiêm trọng. Điều đó khiến trẻ hoảng loạn, lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn hành vi, cảm xúc và rơi vào sai lệch về nhận thức.

Khi sống trong môi trường như vậy, trẻ có thể hiểu sai về những điều được phép - không được phép. Thậm chí, trẻ vô thức tự diễn giải bạo lực là cách thể hiện tình cảm, hoặc cho rằng bạo lực với người thân yêu là phù hợp, dùng bạo lực để kiểm soát, gây sự chú ý và được quan tâm.

Nếu không được điều chỉnh kịp thời, trẻ sẽ áp dụng vào quan hệ với bạn bè, thầy cô, cộng đồng. Từ đó, dẫn đến các rối loạn cư xử, rối loạn thách thức chống đối, trẻ càng lúc càng bị xa cách.

Phụ huynh cần nhớ trẻ nhỏ phát triển các kỹ năng phần lớn theo cách thức bắt chước. Đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên, cách người lớn tương tác, thói quen ứng xử, hành vi bộc lộ khi vui mừng hay tức giận… đều là những gợi ý mạnh mẽ cho trẻ khi gặp tình huống tương tự.

Chính vì vậy, trước hết, cha mẹ hãy chăm sóc cho sức khỏe tinh thần của chính mình, đừng để xung đột, cãi vã, bạo lực. Đây có thể là dấu hiệu của sự kiệt sức, căng thẳng hoặc lo âu kéo dài.

Chúng ta quản lý những cơn căng thẳng của mình không chỉ vì con, mà còn vì trải nghiệm hạnh phúc xứng đáng có được trong hành trình làm cha mẹ. Cha mẹ hạnh phúc, con cái mới hạnh phúc. Bên cạnh đó, phụ huynh không đơn độc mà còn sự hỗ trợ của nhà trường, các đơn vị hỗ trợ chăm sóc tâm lý trẻ em khi cần thiết.

Linh Giao

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cha-me-cai-va-thuong-xuyen-con-tre-phai-dieu-tri-tam-ly-2128271.html