Con rạch trong thành phố
Đối với cuộc đời của nhiều người dân sinh ra ở đất Sài Gòn - Gia Định, con rạch Nhiêu Lộc gần gũi với đời sống hằng ngày và chảy dọc đời họ.
Con rạch ngoằn ngoèo chảy qua những cây cầu, cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Công Lý rồi đến cầu Trương Minh Giảng… Cầu Cao Miên, Bến Tắm Ngựa… dăm cái tên người già thích nhắc. Đường đi học qua khu Trương Minh Giả̉ng rồi đi lên cầu để ra Nguyễn Thông. Chuyến tắc xi chiều chủ nhật từ Phú Nhuận ra Sài gòn xem xi-nê băng ngang cầu Công Lý. Cùng đám bạn mím môi đạp xe vượt cầu Thị Nghè đến Sở Thú xem cọp xem voi. Những kỷ niệm tản mạn ai cũng có.
Người già cả nhớ cây cầu bắc qua Sở Thú bị sập khi coi pháo bông thời ông Diệm. Đám con nít ven rạch tắm táp, vớt trùn chỉ, bắt cá. Bỗng dưng con rạch của họ bị gọi là con kinh, dù chẳng ai đào nên nó.
Buổi tối, nhóm bạn tóc hoa râm cùng chơi với nhau thuở thiếu thời ngồi trong ánh sáng đèn vàng, uống vài chai bia lạnh với vài con mực nướng ở bờ kè dọc con rạch, nay đã tươm tất với vườn cây nhỏ, hàng rào và những góc sân có máy tập thể dục.
Họ từng là những đứa trẻ của ngoại ô Sài Gòn, đứa ở gần Cầu Bông, đứa dân Ông Tạ, còn tôi ở Phú Nhuận. Trong đêm mùa hè trời đầy sao ở phía ngôi chùa Pháp Hoa “đẹp nhất bờ Nhiêu Lộc”, chúng tôi sung sướng tận hưởng bầu không khí mát rượi của con rạch thân yêu nay đã sạch và đẹp hơn rất nhiều, không phải bịt mũi nếu đi bộ hay nín thở khi lái xe qua cầu ở những năm 1980, 1990.
Có người ví rạch Nhiêu Lộc như sông Sein của Sài Gòn, hay Hoàng Phố của Thượng Hải. Riêng tôi nghĩ nó là diện mạo bên trong của một thành phố sông nước, soi lồng lộng đời sống của người Sài Gòn – Gia Định ba trăm năm qua.
Xưa đã có lúc trong leo lẻo, rồi lại đục ngầu hôi hám rác rến, rồi lại trong xanh, đời con rạch như một đời người ba chìm bảy nổi. Ba mươi năm trước, đưa anh bạn từ nước ngoài ngang qua cầu, anh ấn vai xin dừng lại để chụp ảnh một khung cảnh nhà ổ chuột chập chùng trên cầu, lạ như một bức tranh trừu tượng rối rắm nhìn từ cầu Trương Minh Giảng.
Dũ sống trên căn nhà nửa trên bờ, nửa chìa ra rạch Thị Nghè. Phần nửa nhà đưa ra được đặt trên cột bê tông hẳn hoi nên khá vững chải. Ở vậy mà sướng, gió sau nhà thổi lồng lộng qua mặt nước xanh trong. Những năm đầu thập niên 1970 cho đến 1980, nước vẫn còn trong, có thể nhìn thấy đồng xu chìm xuống chỗ nước cạn. Hồi nhỏ đi bắt cá, lươn... đến lúc vớt được nhiều con trùn chỉ để bán là biết nước rạch đã bắt đầu ô nhiễm. Từ đó trong nhà vào lúc nước ròng đã nghe mùi nồng hôi và chung quanh đã ken đầy những căn nhà cất tạm. Khu “Khăn đen suối đờn” gần đó, mang tên một tiệm bán khăn xếp ở Bình Dương, đã bị suy diễn là vì đặt trong khu đất sát con rạch nhỏ dài và nước đen như cái khăn đen, tiếng nước chảy róc rách như tiếng đàn.
Kha có hàm râu quai nón bạc trắng như Hemingway. Khi rời căn nhà sát cầu Ông Tạ để ra nước ngoài gần bốn mươi năm trước, trong ký ức Kha không thể hình dung con rạch này đã có lúc đen hôi một cách kinh hoàng như thập kỷ 1980 và sau đó nữa. Và cũng không hình dung nổi là nó đẹp như bây giờ.
Dù đã bắt đầu bị lấn chiếm làm nhà ở từ hồi lứa chúng tôi mới năm sáu tuổi, rạch Nhiêu Lộc lúc ấy vẫn còn nét hoang sơ và không đến nỗi bẩn thỉu. Kha viết trong cuốn nội san, kể là mùa mưa, nước rạch dâng lên chảy tràn hai bờ khu Ông Tạ. Con đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) ngập lênh láng, xe hơi, xe gắn máy bị nước vào ống bô không đi lại được. Phía bên kia cầu về hướng rạp Đại Lợi mỗi lần ngập như trong một cái hồ, nước lên tới nửa thước. Nhà ở khu này đều thủ sẵn những tấm ván gỗ để chặn nước ở cửa cho khỏi vào trong nhà.
Kha kể vài năm sau 1975, dân chúng khu Ông Tạ đồn là ở cầu Ông Tạ có ma. Câu chuyện truyền miệng lan dần, họ nói trong chiến tranh đạn lửa, ma quỷ sợ hãi nên ẩn dưới cõi âm. Hòa bình đến, ma quỷ hiện hình lên để thanh toán nợ đời. Cư dân quanh cầu kháo nhau trong những ngày đó, chó của các nhà gần cầu không hiểu vì sao cứ khoảng bốn năm giờ sáng là sủa vang rân suốt mấy tuần liền.
Những người đi làm heo từ sớm, khi trời chưa sáng hẳn ở công-xi heo kể rằng: đi ngang cầu Ông Tạ, họ thấy có một bóng đen đứng bên cầu, leo lên thành cầu và nhảy từ thành cầu tới trước cửa nhà bác Thìn. Bị chó sủa ầm ĩ, cái bóng đó nhảy băng qua đường trước cửa nhà ông Phó Cúp thì chó bên đó lại sủa.
Có người bạo gan, mang đèn pin tới soi thì thấy cái bóng quay về cầu Ông Tạ, nhảy ùm xuống rạch Nhiêu Lộc và biến mất. Rọi đèn pile dõi theo nhưng không tìm thấy cái bóng đâu cả. Thiên hạ còn đồn có một em nhỏ chết trôi theo rạch Nhiêu Lộc trong một lần mưa nước ngập. Bị chết oan, hồn không siêu thoát. Mấy nhà gần đó như nhà bác Thìn, bác Quyền và ông Phó Cúp mấy tuần lễ liền cứ phải cúng tế cho vong hồn em nhỏ này sớm được đi đầu thai kiếp khác.
Từ khi có chuyện ma đồn đại ở cầu Ông Tạ, lũ trẻ không dám vào trong rạch Nhiêu Lộc để bắt cá. Nhà Kha ở gần cầu, trước đó thường cùng đi với mấy đứa bạn hàng xóm lội nước ở rạch Nhiêu Lộc bắt cả lòng tong, cá sặc, cá phướn, có hôm bắt được cả cá xiêm. Sau lại bị cấm không cho vào rạch vì sợ chết đuối. Thêm vào đó, nước dưới con rạch Nhiêu Lộc đã bắt đầu ô nhiễm.
Tôi không có kỷ niệm nào về con rạch này thuở thiếu thời, nhưng khi lớn lên đi học đi làm, ấn tượng không hề nhỏ. Nhớ năm 1982, có lần tôi phải đến nhà cô bạn cùng lớp gọi đi tập văn nghệ. Đó là một cô khá xinh, luôn diện những đồ đắt tiền như gợi lại thời Sài Gòn trước 1975.
Vào con hẻm nhỏ, tôi bất ngờ bước vào khu ổ chuột với những căn nhà cất trên rạch khúc gần cầu Trương Minh Giảng. Nắng tháng tư hầm hập bốc mùi hôi nồng nặc. Cô bạn mệt mỏi bước ra trên nền ván ọp ẹp, bận chiếc váy sang trọng ở nhà không tương thích nổi với căn nhà. Mấy ông anh ngồi trong bên trong, nước da trắng nổi lên trong bóng tối của căn nhà buổi trưa nóng hầm hập. Gia đình họ từng sống sung sướng ở ven biển miền Trung trước kia, trôi dạt về Sài Gòn mấy năm trước khi chiến sự dâng cao, góp thêm một gia đình trong khu ổ chuột này.
Tôi nhớ về Châu trong một lớp khiêu vũ phong trào ở một nhà văn hóa. Châu phụ giúp thầy dìu học viên mới những bài khó. Gặp tôi, Châu hay xin ít tiền mua thuốc hút. Châu kể nhà mình nghèo, mẹ bán ve chai, em làm nghề ép nhựa sách báo lề đường. Có lần Châu nói: “Đời mình sẽ không khổ hoài đâu, tin như vậy đi. Thế nào mình cũng có tương lai ngon lành!”.
Châu kể ba là lính cộng hòa mất trước 1975, có chú ruột là nhà thơ C. từng được nhà thơ Đinh Hùng khen ngợi khi bình thơ trên đài phát thanh Sài Gòn hồi xưa, bây giờ đang đạp xích lô. Nhà Châu trước kia cũng đã có lúc sống thoải mái. Một bữa trưa gần Tết, nghe tin Châu nằm bệnh viện nhưng chưa kịp vô thăm thì lại nghe tin đã mất, mang về nhà. Hôm đó, tôi tới nhà Châu. Khu Phan Xích Long dạo đó là vùng nước ngập trồng toàn rau muống. Đến cái cầu gỗ, tôi dắt xe qua được một phần ba cầu thì có thằng bé dắt một đàn dê lên cầu. Những con dê nối nhau, vừa đi vừa ngúc ngoắc đầu. Thấy vậy, tôi dắt lùi xe trở lại bờ nhường đường cho đàn dê đi qua. Đó là lần đầu tiên tôi thấy một đàn dê được chăn dắt ở ngày cái thành phố từng mang tiếng là phồn hoa này.
Nhà Châu, chính xác là cái chòi lá dựng ngay mép nước bờ rạch Nhiêu Lộc. Lúc đó nước đang lên nhưng mùi vẫn nặng. Nắng cuối năm mà nồng như nắng mùa hè, không khí ngột ngạt. Trong chòi, một bà cụ gầy còm đi qua lại, mặt đầy nếp nhăn nhưng vẻ mặt thản nhiên, cam chịu. Người chú nhà thơ của Châu rít thuốc nói: “Sống ở cái xóm nhà lá hôi hám này, rồi cũng chết sớm thôi”.
Chiến cuộc, nghèo đói đã đưa đẩy họ về sống bên bờ rạch này. Họ là chứng nhân cho một đoạn đời của thành phố, của con rạch và của chính gia đình họ.
Một con rạch nhỏ chảy trong một thành phố lớn. Chứa đựng trong lòng nó là một câu chuyện dài nửa thế kỷ với bao thăng trầm của chính nó. Chỉ mong nó được giữ gìn tốt, không trở lại vẻ xấu xí từng có ngày xưa.
Phạm Công Luận
(Trích sách “Sài gòn chuyện đời của phố” tập II)
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/con-rach-trong-thanh-pho-37346.html