Con số, trách nhiệm và… kỳ vọng!
Chặng đường 40 năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) không ngừng lớn mạnh, trở thành tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ.
Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh: “Ý thức trách nhiệm phát triển VUSTA”
PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, cách đây 60 năm, ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tại Đại hội Đại biểu lần thứ nhất của Hội Phổ biến kiến thức Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam.
Ngày 26/3/1983, VUSTA được thành lập. Chủ tịch đầu tiên là Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa.
“Suốt chặng đường 40 năm, từ một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, VUSTA đã trở thành tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam”, PGS.TS Phạm Ngọc Linh nói và cho biết thêm, lễ kỷ niệm lần này là dịp để tất cả cán bộ, nhân viên nhìn lại và tự hào về quá trình hình thành và phát triển của tổ chức, để có thêm động lực, tinh thần sáng tạo, tiếp tục cống hiến, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước, mà Nghị quyết Đại hội Xlll của Đảng đã đề ra.
Với việc tập hợp, phát huy trí tuệ và sức sáng tạo của đông đảo chuyên gia, trí thức ở nhiều ngành, lĩnh vực khoa học khác nhau, VUSTA đã thực hiện hàng ngàn nhiệm vụ tư vấn, phản biện, góp ý khách quan, thẳng thắn và kịp thời nhiều vấn đề quan trọng của đất nước; phổ biến rộng rãi kiến thức khoa học và công nghệ cho nhân dân, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh: “Tôi tự hào có mặt trong ngôi nhà chung của trí thức và ý thức rõ trách nhiệm khi tiếp bước, gánh vác một phần trọng trách đối với sự phát triển VUSTA trong chặng đường mới”.
Tổng thư ký Nguyễn Quyết Chiến: “Đảng và Nhà quan tâm hơn nữa cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức”
“Là thành viên Thường trực Đoàn Chủ tịch khóa VIII, tôi hy vọng với bề dày kinh nghiệm và thành tựu đạt được trong 40 năm, chúng ta tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của Đảng và Nhà nước để các chủ trương, chính sách đối với đội ngũ trí thức nói chung và VUSTA nói riêng sớm được hoàn thiện, bảo đảm tính đồng bộ; từ đó, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để các nhà khoa học, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ yên tâm công tác, cống hiến”, ThS. Nguyễn Quyết Chiến, Tổng thư ký cho biết.
Theo ThS Nguyễn Quyết Chiến, dù còn khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách nhưng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực tận hiến vì sự nghiệp phát triển đất nước, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, cán bộ, hội viên trong hệ thống VUSTA đã và đang đạt được nhiều kết quả trên các mặt công tác, góp phần hoàn thiện nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hiện nay, toàn hệ thống tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội VIII (2020-2025) của VUSTA, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với những yêu cầu ngày càng cao, kỳ vọng và khát vọng ngày càng lớn.
Phó Tổng thư ký Lê Công Lương: “Cả quãng đời sung sức nhất gắn bó với khoa học - công nghệ”
“Tôi vô cùng xúc động chào đón 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Cả quãng đời đẹp nhất, sung sức nhất của tôi gắn bó với khoa học - công nghệ và hoạt động hội”, TS Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường bày tỏ.
Từ địa phương tới Trung ương, TS Lê Công Lương có cơ hội làm việc với nhiều người, nhiều thế hệ lãnh đạo VUSTA. Điều đặc biệt khiến ông trân trọng là thế hệ lãnh đạo, cán bộ hội, lãnh đạo thực sự tâm huyết, yêu nước, cống hiến vì khoa học và công nghệ, vì sự phát triển của tổ chức và đội ngũ trí thức.
Từ vị Chủ tịch đầu tiên - GS.VS Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa đến GS Hà Học Trạc, GS Vũ Tuyên Hoàng, GS Hồ Uy Liêm, GS Đặng Vũ Minh và hiện nay là TSKH Phan Xuân Dũng… đều là những nhà khoa học xuất sắc, hết lòng nỗ lực xây dựng cơ quan trở thành tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“VUSTA đã thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình - là đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức trở thành một lực lượng nòng cốt trong liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó là điều đáng tự hào”, Phó Tổng thư ký Lê Công Lương nói.
Theo TS Lê Công Lương, trong giai đoạn mới, để xứng đáng với truyền thống 40 năm, các tổ chức hội từ trung ương tới địa phương, tổ chức khoa học công nghệ cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt công tác vận động trí thức, thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ thực sự là yếu tố then chốt, đột phá, đưa Việt Nam cất cánh, hội nhập với khu vực và thế giới.
Trưởng ban Phạm Hữu Duệ: “40 năm - chặng đường vẻ vang”
Là Trưởng ban Tổ chức cán bộ và Chính sách hội, ThS Phạm Hữu Duệ cho hay, 40 năm qua là cả hành trình vẻ vang, sự đóng góp không mệt mỏi của các nhà khoa học, đội ngũ cán bộ hội ở cơ quan trung ương, các liên hiệp hội địa phương, hội ngành toàn quốc và tổ chức khoa học - công nghệ.
Hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội, nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức và hợp tác quốc tế ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
“VUSTA và các hội thành viên đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động, nhiều nhà khoa học đã được vinh danh Anh hùng lao động, tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KH&CN… Đó là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước”, ông Phạm Hữu Duệ cho hay.
Trưởng ban Lê Thanh Tùng: “156 hội thành viên, 3,7 triệu hội viên… dấu ấn đậm nét VUSTA”
Chia sẻ về sự kiện kỷ niệm 40 năm, ThS Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức tự hào: “VUSTA ngày càng khẳng định được vai trò của mình và đồng hành với dân tộc trong chặng đường xây dựng và phát triển đất nước”.
Từ ngày đầu thành lập có 15 hội thành viên với vài vạn hội viên, đến nay Liên hiệp Hội Việt Nam có 156 hội thành viên (trong đó: 63 liên hiệp hội địa phương, 93 hội ngành toàn quốc), với 3,7 triệu hội viên. Theo đó, 2,2 triệu là trí thức khoa học và công nghệ, chiếm 32,5% trong cả nước. Đó là những con số mang dấu ấn đậm nét của VUSTA.
Trưởng ban Bùi Kim Tuyến: “Mong muốn tổ chức lớn mạnh hơn nữa”
“Cận kề lễ kỷ niệm, tôi nhớ các vị lãnh đạo tiền bối, đầy tâm huyết với sự nghiệp phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam. Tôi ước mong Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng phát triển và có nhiều đóng góp cho đất nước”, ThS. Bùi Kim Tuyến, Trưởng ban Tư vấn, Phản biện và Giám định xã hội bày tỏ.
Theo ThS Bùi Kim Tuyến, nhờ “kết duyên” với VUSTA, bà được gặp gỡ và học hỏi các nhà khoa học, trí thức tiêu biểu, trong đó có nhiều vị mà bà ngưỡng mộ…
“Thật hạnh phúc và vinh dự được là thành viên của Liên hiệp Hội. Tôi mong muốn tổ chức sẽ lớn mạnh và lớn mạnh hơn nữa; có nhiều đóng góp thiết thực trong công tác tư vấn, phản biện và giám định các vấn đề lớn, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, bà Kim Tuyến cho biết.