Côn Sơn - chốn 'tùng lâm đẹp đẽ'
Nhờ các thế hệ nối tiếp bồi đắp, đến nay khu di tích Côn Sơn đã ngút ngàn cây lá, trở thành chốn "tùng lâm đẹp đẽ".
Ngày 15.2.1965, tại chùa Côn Sơn, Bác Hồ đã căn dặn “Cán bộ và nhân dân phải bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây để nơi đây trở thành nơi tùng lâm đẹp đẽ”. Gần 60 năm qua, Côn Sơn đã được các thế hệ bồi đắp, thành "nơi tùng lâm đẹp đẽ".
Đất Phật
Côn Sơn cổ tự ẩn mình giữa bạt ngàn cổ thụ. Kia là Bàn Cờ Tiên, Thạch Bàn, Giếng Ngọc, đây là am Bạch Vân, đền Nguyễn Trãi, Ngũ Nhạc Linh Từ, động Thanh Hư, cầu Thấu Ngọc… Cảnh quan, vạn vật, mây trời hòa quyện. Cụm di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Yên Tử - Vĩnh Nghiêm đang chờ ngày UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Anh Nguyễn Văn Cường, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết Côn Sơn là một đại danh lam, thắng tích của đất nước, gắn liền với Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Trong lịch sử, từ thời Trần, hơn 700 năm qua, khu di tích vẫn gồm núi Côn Sơn, am Bạch Vân, hồ Côn Sơn, chùa Côn Sơn, núi Ngũ Nhạc. Các kiến trúc tôn giáo gắn liền với cảnh quan thiên nhiên, với rừng Côn Sơn không thay đổi.
Khung cảnh ở đây luôn làm du khách say lòng. Cùng với hàng vạn du khách hành hương về Côn Sơn những ngày này, bà Trần Khánh Vân ở Hà Nội cho biết từ năm 1968 khi còn là sinh viên bà đã được đến đây lần thứ nhất. Sau đó, vì nhiều lý do nên đến giờ bà Vân mới được quay trở lại. "Khi đó, Côn Sơn vắng vẻ và cảnh quan còn khá tiêu điều. Lần này quay lại mới thấy Côn Sơn thật khác lạ, những công trình Phật giáo hòa quyện cùng thiên nhiên tươi đẹp", bà Vân nói.
Ngút ngàn cây lá
Để có một Côn Sơn đẹp đẽ ngày nay với kiến trúc, thiên nhiên dung hòa là công sức của bao thế hệ. Từ năm 1960, Côn Sơn là di tích cấp quốc gia được xếp hạng ngay đợt đầu, đến năm 2012 trở thành di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2010, khu di tích đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt quy hoạch tổng thể, vẫn gồm hệ thống di tích và cảnh quan môi trường. Các vùng như núi Côn Sơn, am Bạch Vân, hồ Côn Sơn, chùa Côn Sơn, núi Ngũ Nhạc là vùng lõi, vùng đỏ. Rừng Côn Sơn được xác định rất quan trọng, gắn bó mật thiết và không thể tách rời, trực tiếp tạo cảnh quan, không gian cho toàn bộ khu di tích. Từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX, vườn thực vật Côn Sơn được xây dựng, quy tụ hơn 600 loại gen cây của toàn quốc, được coi là vườn bảo vệ các loài gen quý trong cả nước.
Nhưng từ cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, rừng trúc, rừng tùng, thảm thực vật bị tàn phá hoàn toàn, chỉ còn lại ít cây thông.
Việc phục hồi rừng khu di tích Côn Sơn không chỉ làm sống lại những cánh rừng tự nhiên mà phải gắn rừng với khu di tích, danh lam thắng cảnh bậc nhất quốc gia, phải bảo đảm được giá trị về lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng. Với đặc trưng của rừng Côn Sơn, việc phục hồi bắt buộc phải giữ được những loài cây ưu thế, đặc trưng đã gắn liền với lịch sử khu di tích, đã được sử sách, thơ văn ghi chép, đó là thông, tùng, trúc, mai, tre và thảm thực vật gồm hàng trăm cây hương liệu, cây thuốc quý. Bởi vậy, trải qua nhiều năm, việc bảo vệ, cải tạo, trồng rừng ở đây được đặc biệt quan tâm, nhất là vào Tết trồng cây mùa xuân hằng năm.
Từng cánh rừng lần lượt xanh, chim muông trở về trú ngụ. Bây giờ về với Côn Sơn, du khách không chỉ được chiêm bái các công trình Phật giáo, tìm hiểu về các danh nhân, hiền sĩ, lịch sử của khu di tích mà còn được đắm mình vào không gian xanh ngút ngàn. Theo Ban Quản lý rừng Hải Dương, hiện khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc có khoảng 1.500 ha rừng, trong đó có khoảng 600 ha rừng thông già, phần còn lại là rừng trồng mới. Rừng được bảo tồn và phục hồi tích cực, diện tích trồng bổ sung đạt từ 10-20 ha mỗi năm...
Dưới mưa xuân như khói, núi rừng Côn Sơn xanh thẳm ngút ngàn tầm mắt. Màu xanh đã trở lại nơi này bền vững, bao bọc lấy giá trị trường tồn của khu di tích quốc gia đặc biệt.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/78106/con-son---chon-tung-lam-dep-de.html