Côn Sơn qua những cuốn sách cổ

Để hiểu hơn về di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trên hành trình trở thành di sản thế giới, trong bài viết này, tác giả xin được cung cấp thêm một số tư liệu quý ghi về cảnh núi Côn Sơn và chùa Côn Sơn xưa.

Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 11, mặt khắc 55 có ghi về chùa Côn Sơn xưa. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 11, mặt khắc 55 có ghi về chùa Côn Sơn xưa. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Trong tác phẩm “Lịch triều Hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú có viết về cảnh núi Côn Sơn rằng: “Trong huyện Chí Linh có nhiều núi đẹp, cảnh lạ như núi Côn, cảnh vật thanh vắng âm u, là nơi Băng Hồ (biệt hiệu của Trần Nguyên Đán) người đời Trần về hưu trí ở đấy, hang núi rất đẹp”.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 27 thì: "...núi Côn Sơn ở cách huyện Chí Linh 21 dặm về phía đông bắc, như hình kỳ lân, nên lại gọi là núi Kỳ Lân... Dưới núi có ao gọi là giếng Mắt Rồng, nước khe chảy quanh trước sau, có cầu Thấu Ngọc và am Bạch Vân, trên đỉnh núi có chùa Tư Phúc...”. Chùa Tư Phúc mà sách Đại Nam nhất thống chí nhắc đến còn có tên gọi là chùa Tư Quốc, ngày nay còn gọi là chùa Côn Sơn (lấy tên theo núi Côn Sơn). Chùa Côn Sơn được được xây dựng từ đời nhà Trần.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 11 ghi lời chú về chùa: “Chùa này có tên là Tư Quốc, tương truyền do nhà sư Pháp Loa đời Trần xây dựng. Chùa làm ở núi Côn Sơn, thuộc Chí Linh, tỉnh Hải Hưng ngày nay”.

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 11, mặt khắc 2 ghi về việc Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đến chơi Côn Sơn hỏi han chính sự Trần Nguyên Đán. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 11, mặt khắc 2 ghi về việc Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đến chơi Côn Sơn hỏi han chính sự Trần Nguyên Đán. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Tương truyền, hòa thượng Huyền Quang cũng thường tu ở đấy. Ngoài ra, đây cũng là nơi uống rượu, ngâm thơ, ung dung tự tại của Tư đồ Trần Nguyên Đán khi đã về nghỉ hưu. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông cũng lui tới để hỏi ông việc chính sự. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 11, mặt khắc 2 ghi rằng: “Nguyên Đán là bậc đại thần, người họ Tôn thất, thấy quyền chính trong nước ngày một rơi vào tay kẻ quyền thần, nên không để ý đến việc kinh bang tế thế nữa, bèn xin cáo lão, về núi Côn Sơn để vui cùng khóm trúc và đá núi; đặt tên hiệu là Băng Hồ. Thượng hoàng đã từng đến chơi nhà, hỏi han việc mai sau”.

Sau này, cháu ngoại của Trần Nguyên Đán là danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi cũng đã ở đây và có làm bài thơ tức cảnh nổi tiếng về núi Côn Sơn.

Không chỉ vua Trần Nghệ Tông mới đến đây chơi, dưới triều vua Lê Thái Tông, vào năm Nhâm Tuất (1442), nhân chuyến đi tuần miền Đông, duyệt quan ở thành Chí Linh, Nguyễn Trãi đã đón ông đến ngự ở chùa Côn Sơn. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 17, mặt khắc 22 còn ghi: “Tháng 7, mùa thu, nhà vua đi tuần phía đông, vào chơi chùa núi Côn Sơn, nơi Nguyễn Trãi ở. Nhà vua tuần hành phía đông, duyệt võ ở Chí Linh, Lê Trãi đón mời, nhà vua đến chơi chùa núi Côn Sơn, nơi ở của Lê Trãi. Trước kia, Nguyên Đán, Tư đồ đời Trần, về hưu ở núi Côn Sơn. Núi này có chùa gọi là Tư Quốc, phong cảnh rất đẹp và u tĩnh. Nguyễn Trãi là cháu ngoại Nguyên Đán. Năm 60 tuổi, Trãi nghỉ việc, về ở tại Côn Sơn”.

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 17, mặt khắc 22 ghi về việc Nguyễn Trãi đón vua Lê Thái Tông đến chơi chùa Côn Sơn vào năm 1442. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 17, mặt khắc 22 ghi về việc Nguyễn Trãi đón vua Lê Thái Tông đến chơi chùa Côn Sơn vào năm 1442. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì cứ đầu mùa xuân, trai gái ở vùng đất Hải Dương và các vùng phụ cận kéo nhau đến chùa Côn Sơn để dâng hương đến cả mấy tuần liền. Nơi đây được xem là thắng hội của một phương.

Đời Trần Minh Tông, Trạng nguyên Lý Đạo Tái biệt hiệu là Ứng Quang cũng cáo quan về ở ẩn tại đây.

Sách Đồng Khánh địa dư chí, ghi về địa chí tỉnh Hải Dương, mục khí hậu huyện Chí Linh ghi lại một chi tiết thú vị là người dân nơi đây đã nhìn vào cảnh núi Côn Sơn để dự đoán thời tiết: “Núi Côn Sơn ở xã Chi Ngại, khí trời nóng gắt nhất vào tiết tháng 6, tháng 7. Nếu thấy trên đỉnh núi có vệt khí đen bốc lên mờ mờ thì sau đó có mưa. Người quanh vùng vẫn xem hiện tượng ấy để đoán thời tiết có mưa hay không (tục gọi vệt khí đen đó là cây nước).

Có thể nói, dù đã trải qua hàng trăm năm lịch sử với biết bao thăng trầm của thời cuộc, Côn Sơn ngày nay vẫn giữ được màu sắc thanh xuân, tươi mát, u tịch trong màu xanh kỳ diệu của núi rừng. Di tích Côn Sơn như một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình, gợi cho du khách một “tâm hồn thơ mộng dịu dàng”.

THƠM QUANG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/con-son-qua-nhung-cuon-sach-co-175740