Cơn sóng thiếu lương thực, thực phẩm lan tới trung tâm châu Âu
Ngay tại châu Âu, quê hương của những quốc gia giàu có nhất, những cộng đồng an sinh xã hội tốt nhất, tình trạng thiếu lương thực đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng COVID-19.
Cuộc sống không dễ dàng với Patricia, ngay cả khi đại dịch chưa bùng phát. Cô vật lộn với bất ổn tâm lý sau khi thoát khỏi người chồng bạo hành. Patricica cùng các con chuyển tới một căn hộ nhỏ ở phía đông London, chẳng có gì ngoài vài bộ quần áo.
Vài năm nay, Patricia làm nhân viên phục vụ quán cà phê, nhưng cô đã mất việc do cuộc khủng hoảng COVID và nước Anh bước vào giai đoạn phong tỏa. Dù đã thắt chặt chi tiêu hết mức, cô vẫn phải tìm đến một ngân hàng thực phẩm để có thể nuôi sống mấy miệng ăn.
“Thật khó để giải thích với bọn trẻ điều mà bạn đang đối mặt, vào lúc mà chúng chỉ cần ăn – chúng thực sự không hiểu chuyện thiếu đói”, Patricia đau khổ nói với CNN.
Giống như nhiều người khác sống ở khu Tháp Hamlets, phía đông London, một trong những khu vực nghèo nhất ở thủ đô nước Anh, Patricia đã phải nhờ cậy đến Quỹ First Love.
Quỹ từ thiện chuyên cung cấp thức ăn miễn phí, trợ giúp chỗ ở và hỗ trợ pháp lý này cho biết, họ đã chứng kiến sự tăng vọt đến 925% nhu cầu trợ giúp thực phẩm trong giai đoạn đầu đại dịch.
“Khi dịch COVID ập tới, đó là nhân tố ‘thay đổi cuộc chơi’ với chúng tôi”, ông Denise Bentley, người sáng lập First Love nói. Bentley cho biết đại dịch đã làm trầm trọng hơn tình trạng bất ổn lương thực vốn đã tồn tại ở Anh, đặc biệt là ở khu vực Tháp Hamlets.
Theo CNN, đại dịch COVID đã thực sự đào sâu thêm hố ngăn cách giữa những người “có” và người “không có”. Hồi tháng 7, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết virus SARS-CoV-2 càng làm nặng nề hơn những rủi ro và bất bình đẳng vốn đã tồn tại nhiều thập kỷ, và cảnh báo “toàn bộ những tiến bộ đạt được về xóa đói nghèo và thu hẹp bất bình đẳng đã bị tụt lùi nhiều năm, chỉ trong vài tháng”.
Thậm chí ngay tại châu Âu – quê hương của những quốc gia giàu có nhất, những cộng đồng thịnh vượng và an sinh xã hội tốt nhất, mối lo ngại về nạn thiếu lương thực thực phẩm cũng đã tồn tại từ lâu trước cuộc khủng hoảng COVID-19.
Năm 2019, một báo cáo của Eurostat ước tính có 92,4 triệu người dân tại EU có nguy cơ nghèo đói hoặc bị gạt ra bên lề xã hội, tương đương 21,1% tổng dân số.
Một báo cáo khác của Eurostat từ năm 2018 tiết lộ rằng 33,4 triệu người châu Âu không đủ khả năng chi trả một bữa ăn có thịt, cá, hoặc đồ chay tương đương – cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề trên khắp châu Âu.
Và khi đại dịch xảy ra, mọi thứ còn tồi tệ hơn. Ngày càng có nhiều người ở các thành phố lớn nhất châu Âu bắt đầu rơi vào cảnh thiếu lương thực, thực phẩm và phải nhờ đến sự trợ giúp của các ngân hàng lương thực, được tổ chức bởi các tổ chức thiện nguyện.
Trussell Trust, mạng lưới ngân hàng lương thực lớn nhất của Anh, cho biết họ đã chứng kiến sự gia tăng 47% nhu cầu trong giai đoạn đầu của đại dịch. Lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm của mình, UNICEF tuyên bố sẽ cung cấp thức ăn cho trẻ em đói ở Anh.
Liên đoàn Các ngân hàng thực phẩm châu Âu (FEBA) cũng báo cáo nhu cầu thực phẩm hỗ trợ tăng khoảng 30% trên mạng lưới 430 ngân hàng thực phẩm ở châu Âu của họ so với mức trước đại dịch- với phạm vi dao động từ 6% đến 90% ở các quốc gia khác nhau.
Jacques Vandenschrik, Chủ tịch FEBA, cho rằng mặc dù các quốc gia EU thường được coi là có tiêu chuẩn vàng cho các chương trình phúc lợi, hiện nay các ngân hàng lương thực đang phải lấp đầy khoảng trống mà các chính phủ để lại.
Một thực tế rõ ràng là nhiều người trên khắp châu Âu chỉ cần bị vài lần lỡ trả lương, hoặc gặp một biến cố trong cuộc sống, là đã phải nhờ đến hỗ trợ từ ngân hàng thực phẩm.
"Điều đó có thể xảy ra với bất kỳ ai", Patrice Blanc, Chủ tịch Ngân hàng thực phẩm Pháp Restos du Cœur cho biết.
Theo ông Blanc, làn sóng đói do đại dịch gây ra đã khiến nhu cầu hỗ trợ từ ngân hàng lương thực trên toàn nước Pháp tăng 40% trong năm nay. Trong đó, các vùng ngoại ô phía bắc của Paris bị ảnh hưởng đặc biệt, với hàng trăm người xếp hàng quanh các ngân hàng thực phẩm mỗi ngày.
“Không phải họ nên xấu hổ, mà là xã hội nên xấu hổ”, ông Blanc phát biểu, nhấn mạnh rằng những kỳ thị của xã hội đối với việc đến ngân hàng thực phẩm có thể ngăn cản mọi người hưởng những lợi ích khác mà các ngân hàng này mang lại.
"Thứ mà các ngân hàng cung cấp lương thực không chỉ là thực phẩm, họ còn cung cấp các mối quan hệ xã hội. Nghèo đói không chỉ là câu hỏi về thu nhập, mà còn là câu hỏi về sự cô đơn, và cuộc chiến chống lại sự cô đơn”. Đó là nhận định của Jochen Brühl, Chủ tịch Tafel Deutschland, một ngân hàng thực phẩm hỗ trợ hơn 1,6 triệu người ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Ông Brühl cho rằng: “Nhiều người đang bị đe dọa hoặc bị ảnh hưởng bởi đói nghèo cũng có vấn đề về sự cô đơn và căng thẳng tâm lý. Nhiều năm qua, chúng tôi đã chỉ ra với các chính trị gia và xã hội rằng nhiệm vụ của Tafel không phải là xóa bỏ đói nghèo, mà nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ mọi người”.
Theo ông Brühl, các biện pháp phúc lợi tốt hơn cùng với hành động của chính phủ có thể là một lối thoát cho nhiều người đang gặp khó khăn. "Nhiệm vụ của chính trị và xã hội phải là đưa chủ đề nghèo đói nhiều hơn vào chương trình nghị sự”, ông Jochen Brühl nói.