Con sốt cao không có tiền mua thuốc, chồng hí hửng khoe chiếc vợt pickleball 5 triệu mới mua

Tôi từng nghĩ thể thao là một thói quen tốt. Cho đến khi chồng tôi 'đắm chìm' vào pickleball – không chỉ là những trận đấu mỗi chiều, mà cả tâm trí, thời gian, trách nhiệm của anh cũng đều 'chuyển sân'. Còn tôi, một mình chật vật giữa con ốm, bữa cơm nguội, và một cuộc hôn nhân ngày càng lạnh lẽo.

Tôi vốn không có ác cảm gì với bộ môn pickleball. Ngược lại, tôi từng thấy nó là một hoạt động thể thao lành mạnh, giúp người ta vận động, kết nối, xả áp lực sau những giờ làm việc mệt mỏi. Thế nhưng, tôi không ngờ chính bộ môn tưởng chừng vô hại ấy lại trở thành “cơn nghiện” khiến chồng tôi dần rời xa tổ ấm.

Chồng tôi là một người đàn ông hiền lành, làm kỹ sư phần mềm, từng là kiểu “chồng người ta” mà ai cũng ngưỡng mộ. Anh không rượu chè, không đàn đúm, luôn về nhà đúng giờ. Những năm đầu chung sống, tôi tự thấy mình may mắn khi có một người chồng biết nghĩ cho vợ con.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi kể từ ngày anh mang về chiếc vợt pickleball đầu tiên. Anh hồ hởi kể với tôi rằng đây là bộ môn rất dễ chơi, thú vị, rèn luyện sức khỏe. Tôi không phản đối, thậm chí còn ủng hộ – có niềm vui, có đam mê là điều đáng quý.

Nhưng chỉ sau vài tháng, “niềm vui” ấy nhanh chóng vượt khỏi giới hạn. Anh bắt đầu đi từ chiều tới tối, say sưa trong các nhóm trò chuyện, săn giải giao lưu, bàn về vợt, sân, kỹ thuật… Tôi nhắc nhở, anh chỉ cười: “Chơi một tí thôi mà, em khó tính quá”. Nhưng cái “một tí” đó dần trở thành mỗi ngày, mọi ngày. Con tôi còn nhỏ, hay ốm vặt, tôi gọi chồng không nghe, nhắn tin không trả lời. Anh về, thấy tôi cằn nhằn thì khó chịu: “Có mỗi việc trông con cũng than hoài, để anh chơi một chút không được à?”.

Tôi không cấm anh có sở thích riêng. Nhưng kể từ khi nào sở thích lại được đặt trên cả trách nhiệm làm cha, làm chồng?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tôi từng thử ra sân cùng anh để tìm lại kết nối. Nhưng anh không để ý. Anh bận giao lưu, bận cười nói, còn tôi đứng đó, ngơ ngác và lạc lõng. Có lần, trong nhóm chat của anh, tôi thấy một người đàn ông đăng ảnh vài cô gái mặc đồ thể thao gợi cảm và đùa: “Lựa mẫu mới cho sân mình nha anh em”. Chính chồng tôi là người “thả haha” đầu tiên. Tôi không kết luận anh ngoại tình. Nhưng tôi thấy tổn thương. Đó là cách anh thể hiện sự tôn trọng với phụ nữ và với người vợ đang loay hoay ở nhà?

Tôi đem chuyện ra nói thì bị chê “nhạy cảm”. Một người bạn còn mỉa mai: “Không giữ được chồng thì đừng đổ lỗi cho một môn thể thao”. Tôi câm nín. Phải rồi, phụ nữ vẫn luôn được mặc định là người phải giữ. Giữ lửa, giữ hôn nhân, giữ cả sự chung thủy của chồng. Còn đàn ông thì có quyền... say mê.

Tôi chỉ muốn hỏi: có người đàn ông nào còn muốn ở lại, mà lại cần phải “giữ”? Một người tử tế, bản lĩnh, dù đam mê đến mấy cũng sẽ biết đâu là giới hạn, đâu là ưu tiên. Như chồng chị bạn tôi, cũng mê pickleball nhưng luôn về đúng giờ cơm, cuối tuần không bao giờ bỏ vợ con ở nhà một mình.

Còn chồng tôi từ đam mê thành vô tâm, từ vô tâm thành lạnh nhạt. Anh quên mất rằng có một người phụ nữ đang cố gắng giữ lấy mái nhà này từ bữa cơm, từ lọ thuốc, từ cái áo chiếc quần cho con.

Tôi không đòi hỏi quá nhiều. Tôi chỉ mong anh hiểu rằng gia đình không phải lựa chọn thứ yếu sau những trận đấu và những nhóm chat rôm rả. Một tổ ấm chỉ có nghĩa khi cả hai cùng muốn trở về.

Tối qua, con tôi sốt cao 39 độ. Tôi nhắn anh về đưa con đi khám. Tin nhắn chỉ hiện “đã nhận”. Gọi thì không nghe. Tôi một mình bế con ra phòng khám, bác sĩ bảo con có dấu hiệu hen nhẹ, kê đơn hơn 3 triệu đồng. Tôi mở ví, còn 800.000. Gọi anh lần nữa, anh bắt máy nhưng chỉ bảo: “Anh đang đánh nốt trận, để tí nữa về đưa”.

Tôi nuốt nghẹn, đành mua thuốc hạ sốt tạm thời, bế con về nhà. Vừa tới cửa, con nôn ọe. Tôi dỗ con, nấu cháo, lau người.

Đúng lúc đó, anh về tay cầm chiếc vợt mới, vui vẻ khoe: “Em coi nè, vợt này 5 triệu, đánh nhẹ tay lắm, hôm nay thắng đã đời luôn”.

Tôi chết lặng. Tôi hỏi: “Con đang sốt, không có tiền mua thuốc, còn anh thì đi mua vợt?”. Anh gãi đầu: “Anh có biết con bệnh tới mức đó đâu...”.

Tôi không nói gì nữa. Không phải vì giận, mà vì mỏi mệt. Đây không phải lần đầu. Nhưng là lần đầu tôi thấy lòng mình trống rỗng đến thế.

Le Vân (t/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/con-sot-cao-khong-co-tien-mua-thuoc-chong-hi-hung-khoe-chiec-vot-pickleball-5-trieu-moi-mua-20430.html