Căn bệnh khiến nam giới ngại cởi áo, né tránh đám đông

Nhiều nam giới đến viện vì vùng ngực sưng đau, thậm chí nhạy cảm như phụ nữ. Ít ai ngờ đây là biểu hiện của một tình trạng rối loạn nội tiết không hiếm gặp.

 Thống kê y văn cho thấy, 50-70% nam giới từng có dấu hiệu vú to rõ rệt trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời. Ảnh: Freepik.

Thống kê y văn cho thấy, 50-70% nam giới từng có dấu hiệu vú to rõ rệt trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời. Ảnh: Freepik.

Không ít nam giới đến bệnh viện trong tình trạng sưng đau vùng ngực, thậm chí mô tả cảm giác tương tự phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt. Họ hoang mang, xấu hổ, âm thầm chịu đựng mà không biết mình đang mắc một căn bệnh có tên khoa học Gynecomastia - phì đại tuyến vú nam.

50-70% nam giới từng có dấu hiệu vú to bất thường

Theo thạc sĩ, bác sĩ Tạ Thị Hồng Thúy, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, phì đại tuyến vú ở nam giới là tình trạng tuyến vú phát triển bất thường ở một hoặc cả hai bên, xảy ra ở mọi độ tuổi, từ trẻ sơ sinh, thiếu niên dậy thì, người trung niên cho tới người già.

Thống kê y văn cho thấy, 50-70% nam giới từng có dấu hiệu vú to rõ rệt trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời. Đặc biệt, khoảng 66% trẻ nam tuổi vị thành niên có biểu hiện này do sự mất cân bằng giữa hormone estradiol và testosterone trong thời kỳ phát triển.

Nguyên nhân chính của Gynecomastia là sự mất cân bằng nội tiết tố, khi estrogen (nội tiết tố nữ) tăng và androgen (nội tiết tố nam) giảm hoặc thụ thể androgen trong cơ thể bị thiếu hụt.

Tình trạng này có thể tự hết khi hormone ổn định, tuy nhiên phần lớn trường hợp cần can thiệp bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Ở trẻ sơ sinh, vú to có thể xuất hiện thoáng qua do ảnh hưởng từ estrogen trong cơ thể mẹ. Sau sinh, hiện tượng này thường biến mất.

 Bệnh nhân nam trước và sau khi điều trị phì đại tuyến vú. Ảnh: BSCC.

Bệnh nhân nam trước và sau khi điều trị phì đại tuyến vú. Ảnh: BSCC.

Đối với người trung niên và người cao tuổi (trên 65 tuổi), tỷ lệ mắc bệnh cao hơn do suy giảm testosterone theo tuổi tác và thay đổi tỷ lệ nội tiết tố trong cơ thể.

Đáng chú ý, nhiều thuốc điều trị trầm cảm, tim mạch, nội tiết tố, hoặc các bệnh lý nền như u tuyến yên, bệnh gan, suy thận, bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý thượng thận cũng có thể gây phì đại tuyến vú nam.

Ngoài ra, các khối u tuyến yên, tuyến thượng thận, phổi và tinh hoàn có thể làm rối loạn nội tiết và dẫn đến Gynecomastia. Đây là những nguyên nhân cần loại trừ khi bệnh nhân được thăm khám chuyên sâu.

Gynecomastia có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư vú ở nam

Dù rất hiếm gặp, nhưng Gynecomastia cũng có thể là biểu hiện sớm của ung thư vú ở nam giới - căn bệnh chiếm khoảng 1% tổng số ca ung thư vú. Đặc biệt, với người mắc hội chứng Klinefelter, nguy cơ ung thư vú cao gấp 60 lần người bình thường.

Do đó, khi phát hiện có khối u, đau, tiết dịch hay thay đổi bất thường ở ngực, nam giới tuyệt đối không nên chủ quan mà cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán sớm.

Dựa trên đặc điểm hình thái tuyến vú trên siêu âm, phân loại của Rohrich: Độ 1: phì đại tối thiểu < 250 g, không có sa trễ; Độ 2: phì đại vừa 250-500 g, không có sa trễ; Độ 3: phì đại nặng > 500 g, sa trễ độ 1; Độ 4: phì đại nặng kèm sa trễ độ 2 hoặc 3. Ảnh: BSCC.

Dựa trên đặc điểm hình thái tuyến vú trên siêu âm, phân loại của Rohrich: Độ 1: phì đại tối thiểu < 250 g, không có sa trễ; Độ 2: phì đại vừa 250-500 g, không có sa trễ; Độ 3: phì đại nặng > 500 g, sa trễ độ 1; Độ 4: phì đại nặng kèm sa trễ độ 2 hoặc 3. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Thúy cho hay thực tế, ngoài cảm giác sưng đau, nhạy cảm ở vùng ngực, Gynecomastia còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý người bệnh. Nhiều người trở nên mặc cảm, ngại tiếp xúc, tránh thể thao, mất tự tin trong các mối quan hệ.

Theo bác sĩ Thúy, tất cả bệnh nhân nam có sự xuất hiện tuyến vú phát triển bất thường, điều cần thiết nên kiểm tra sớm. Việc phát hiện bệnh không quá khó khăn, chỉ cần khám lâm sàng và siêu âm, chụp chiếu tuyến vú, xét nghiệm hormone, sinh thiết trong trường hợp có khối u, đánh giá các bệnh lý phối hợp…

Tùy theo nguyên nhân và mức độ, bác sĩ có thể đề xuất nhiều hướng điều trị không can thiệp hoặc can thiệp phẫu thuật:

Tập luyện và chế độ ăn uống: Hiệu quả với những trường hợp do béo phì, rối loạn chuyển hóa;
Thuốc cân bằng nội tiết tố: Dành cho bệnh nhân có rối loạn hormone;
Áo nịt Gynecomastia: Hỗ trợ thẩm mỹ tạm thời với trường hợp nhẹ;
Phẫu thuật: Lựa chọn cuối cùng nhưng triệt để, giúp loại bỏ tuyến vú, mô mỡ và tạo hình lại ngực. Kỹ thuật mổ tùy thuộc mức độ phì đại và sa trễ, với các đường mổ tinh tế để tránh sẹo xấu.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/can-benh-khien-nam-gioi-ngai-coi-ao-ne-tranh-dam-dong-post1570339.html