Cơn sốt giá vàng sẽ đi về đâu?
Chênh lệch càng cao sẽ tương ứng với rủi ro càng lớn khi thị trường đảo chiều. Vì thế sức hấp dẫn của vàng nhẫn với người mua lớn hơn. Lượng người mua lớn sẽ khiến giá ngày càng tăng cao.
Vì sao giá vàng nhẫn liên tục lập đỉnh?
Cách đây gần 2 tháng vào ngày vía Thần Tài (ngày 19/2 dương lịch tức mùng 10 tháng Giêng), giá bán vàng nhẫn trong nước quanh mốc 65 triệu đồng/lượng. Tính từ mốc giá này, đến nay, giá vàng nhẫn trong nước đã tăng tới hơn 10 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng hơn 14%. Bất chấp chênh lệch giá mua - bán mặt hàng này được các doanh nghiệp đưa ra ở mức gần 1,5 triệu đồng/lượng, đà tăng của giá vàng nhẫn vẫn giúp người mua lãi hơn 8 triệu đồng/lượng, tương đương lợi suất 12% sau chưa đầy 2 tháng.
Khi giá vàng nhẫn ngày 8/4 lên hơn 75 triệu đồng/lượng, trên các con phố vàng ở Hà Nội lại tái diễn cảnh người dân xếp hàng mua bán. Từ đầu năm nay, cảnh người dân mua bán liên tục xảy ra mỗi khi giá vàng biến động, tăng cao.
Theo một chuyên gia về sản xuất kinh doanh vàng, trong chục năm qua, kể từ khi thực hiện Nghị định 24, doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Do đó, thu mua vàng trên thị trường là nguồn duy nhất để doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Nhưng nay doanh nghiệp cũng lo ngại rủi ro pháp lý khi các vụ công an bắt vàng lậu ngày càng nhiều nên họ phải thận trọng hơn khi mua vàng nguyên liệu. Chi phí mua nguyên liệu vì thế cũng đắt hơn.
Phân tích nguyên nhân vàng nhẫn tăng giá kỷ lục, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, tình trạng vàng nhẫn tăng liên tục thời gian gần đây là do lượng người mua tăng đột biến. Giá vàng nhẫn đang rẻ hơn rất nhiều so với giá vàng miếng. Cùng hàm lượng như nhau song nhẫn tròn trơn không được "gắn mác" độc quyền bởi nhà nước, thông qua thương hiệu SJC như vàng miếng. Điều này dẫn đến sự chênh lệch gần chục triệu đồng giữa mỗi lượng nhẫn tròn trơn và vàng miếng SJC.
Chênh lệch càng cao sẽ tương ứng với rủi ro càng lớn khi thị trường đảo chiều. Vì thế sức hấp dẫn của vàng nhẫn với người mua lớn hơn. Lượng người mua lớn sẽ khiến giá ngày càng tăng cao. Đặc biệt, theo chuyên gia, hiện tâm lý người mua đang bị ảnh hưởng bởi những đề xuất sửa đổi liên quan đến chính sách điều hành, quản lý thị trường (Nghị định 24) đối với vàng miếng.
Mới đây, các chuyên gia, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Việc này nhằm sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương; mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần; hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt.
Trong nhiều thời điểm, giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ như trước đây. Thói quen, nhận thức của người dân với vàng miếng có sự thay đổi, một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế. Các chuyên gia đề xuất bỏ quy định Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Ông Thịnh phân tích, nếu đề xuất này được thông qua thì giá vàng miếng sẽ giảm xuống mức phù hợp với xu thế thị trường hơn. Thông tin này sẽ khiến nhiều người chuyển sang tích trữ vàng nhẫn đang có giá rẻ hơn rất nhiều và tính ổn định cao hơn vàng miếng. Thực tế trên thị trường, hiện có nhiều người đã bán vàng miếng để mua vàng nhẫn.
Giá vàng có thể giảm trong thời gian tới
Về những tồn tại trên thị trường vàng, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính cho rằng, chúng ta không thể sửa tận gốc ngay lập tức các vấn đề của thị trường. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vàng; và ngay cả Bộ Tài chính, Bộ Công an cũng vào cuộc để làm cho thị trường ngày càng tốt hơn.
Để bình ổn trên thị trường vàng cũng như đảm bảo an ninh tài chính, trước hết, phải thừa nhận Nghị định 24/2012 đã giải quyết được vấn đề rất quan trọng là chống vàng hóa. Suốt từ năm 2012 đến nay, vàng không còn được coi như một loại tiền tệ để đo giá trị hàng hóa nữa, mà thị trường vàng chỉ là một mảnh ghép đặc biệt của thị trường tài chính, tiền tệ.
Do đó, chúng ta cần có nghiên cứu, đưa ra cơ chế xây dựng thị trường vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng phải đảm bảo dưới sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế, do nhu cầu quá lớn dẫn đến áp lực tương đối cao nên chúng ta cần có thời gian để điều chỉnh.
"Trong thời gian tới, giá vàng thế giới sẽ có cơ hội để về lại quanh mốc 2.000 USD/ounce, khi đó, giá vàng Việt Nam cũng sẽ giảm. Có thể nói giá vàng trong nước hiện nay đã quá cao, bên cạnh việc chênh lệch lớn với giá vàng thế giới thì chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra cũng ở mức cao. Các nhà đầu tư nên xem xét hoạt động mua bán phù hợp, để vừa đảm bảo giá trị tài sản của mình và cũng vừa sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả cho đầu tư vào sản xuất, kinh doanh,... giúp tăng trưởng, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội", vị chuyên gia khuyến nghị.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu, muốn mua và "chơi" vàng trong lúc này, người mua cần cập nhật diễn biến giá vàng theo từng giờ, không nên "bỏ tất cả trứng vào cùng một rổ". Thay vào đó, nếu có tiền tiết kiệm, người mua vàng có thể dùng 1/3 số tiền đó để đầu tư, phần còn lại tiếp tục đầu tư vào kênh chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên người đầu tư vàng cần phân tích kỹ về lợi nhuận, liệu có thể đạt được tỷ suất lợi nhuận 15% trên cơ sở một năm khi đầu tư vàng hay không?
"Không nên 'lướt sóng' ở thời điểm này bởi thị trường vàng biến động rất khó lường. Mình mua vàng với ý định ngày mai bán ra có lời nhưng chưa chắc ngày mai vàng đã tiếp tục tăng. Đặc biệt, người mua vàng không nên vay tiền để mua vàng bởi nếu giá vàng giảm sẽ bị lỗ, bên cạnh đó còn phải trả lãi ngân hàng", TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/con-sot-gia-vang-se-di-ve-dau-169240410121916298.htm