Còn thiếu quyết liệt, quá 'êm dịu' với việc chây ỳ giảm cước vận tải
Giá xăng, dầu trong nước đã giảm sâu sau 4 kỳ liên tiếp, thế nhưng giá cước vận tải vẫn 'án binh bất động' ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Trễ đến bao giờ?
Từ đầu tháng 7 đến nay, sau 4 lần giảm giá liên tiếp, giá xăng dầu trong nước đã giảm mạnh với mức trung bình khoảng trên 20% so với đỉnh điểm vào ngày 21/6.
Động thái này đã giúp chi phí của nhiều ngành nghề bớt áp lực, đặc biệt là đối với các ngành có quan hệ mật thiết với xăng như vận tải. Và cho đến nay, giá cước vận tải của nhiều loại hình vận tải vẫn "cố thủ" như thời điểm giá xăng hơn 30.000 đồng/lít.
Cụ thể, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, giá dịch vụ giao thông công cộng vẫn tăng 2,16% trong tháng xăng dầu giảm sâu. Trong đó, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 2,64%, đường bộ tăng 2,73%, taxi tăng 1,22%, đường sắt tăng 0,32%, xe buýt tăng 2,29%.
Điển hình như cho sự “cố thủ” này là việc lên nhanh xuống chậm trong cước phí vận tải của Grab. Theo đó, vào giữa tháng 3/2022, để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng, Grab là hãng xe công nghệ đầu tiên thông báo tăng giá cước để bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế. Cụ thể, giá GrabCar thông báo tăng từ 20.000 đồng lên 29.000 đồng/2km đầu tiên với xe 4 chỗ, các kilomet tiếp theo tăng từ 9.000 đồng lên 10.000 đồng.
Tuy nhiên mặc dù hiện tại dù giá xăng dầu giảm sâu, giá cước tối thiểu 2km đầu tiên vẫn “neo” ở 29.000 đồng cùng loạt “ma trận” phụ phí vẫn bủa vây người dùng như phí thay đổi lộ trình, phụ phí ban đêm…. và gần đây nhất là phụ phí nắng nóng khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về sự tận thu của hãng xe này.
Trong một động thái liên quan, ngày 11/7 vừa qua, giá cước tối thiểu của GrabTaxi cũng được điều chỉnh, với mức 1,4km đầu tiên và giá cước mỗi kilomet tiếp theo đến dưới 30km ở mức 15.000 đồng, áp dụng cho cả xe taxi 4 chỗ và xe taxi 7 chỗ.
Lý giải về hiện trạng giá cước vận tải không tỉ lệ thuận với giá xăng dầu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho rằng khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải sẽ điều chỉnh tăng, còn khi giá xăng dầu giảm thì việc giảm giá cước có độ trễ nhất định.
Theo ông Sang, một trong những yếu tố cấu thành lên giá vận tải tăng là giá nhiên liệu. Khi giá nhiên liệu tăng thì sẽ làm cho giá cước vận tải tăng để bù đắp chi phí. “Đó là điều dễ hiểu”, ông Sang nói.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, thời gian qua, khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải ở một số lĩnh vực của ngành giao thông đã tăng. Trong lĩnh vực đường bộ, có khoảng 80-90% doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định kê khai điều chỉnh giá tăng từ 10-15%; vận tải hàng hóa tăng 17% nhằm bù đắp cho chi phí xăng dầu. Đối với hoạt động vận tải trong đô thị thì do có trợ giá nên không tăng.
Với đường sắt, tỉ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chiếm từ 21-30%. Tuy nhiên trong thời gian qua, hoạt động vận tải hành khách của đường sắt đang nằm trong chương trình cạnh tranh nên giá vận tải hành khách cũng không tăng, chỉ có giá dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường sắt là tăng từ 3-5%.
Với hàng hải, so với thời điểm cao nhất thì giá vận tải đường hàng hải đã giảm 20%. “Mặc dù thời gian qua, hàng hải là ngành có tỉ lệ cấu thành giá từ xăng dầu rất lớn nhưng các hãng tàu cũng không có thông báo tăng giá”, ông Sang cho hay.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết khi giá xăng dầu giảm mà các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm giá cước, Bộ GTVT đã có nhiều văn chỉ đạo cho các đơn vị khẩn trương triển khai, rà soát, kê khai để giảm giá.
“Chúng tôi cũng kỳ vọng thời gian tới, khi giá xăng dầu tiếp tục giảm ổn định thì giá vận tải cũng giảm theo giá xăng dầu”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói.
Không thể tiếp tục trù trừ
Về vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thừa nhận việc giảm giá cước vận tải phải có độ trễ tuy nhiên ông cho rằng độ trễ như vậy chỉ được chấp nhận trong khoảng 15-20 ngày, đến nay đã gần 1,5 tháng kể từ đầu tháng 7 mà giá cước vận tải vẫn “án binh bất động” là điều không thể chấp nhận, không những ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp, mà ở góc độ vĩ mô còn ảnh hưởng đến các cân đối lớn, đến lạm phát, đến sự ổn định của nền kinh tế.
“Xét về lý, Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá đã nêu rõ đích danh Bộ GTVT phải có biện pháp điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào. Vậy với sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ GTVT đã chỉ đạo các cấp quản lý thi hành như thế nào, có thực sự quyết liệt hay chưa?
Xét về tình, giá cước vận tải có tính bao trùm, động chạm đến giá thành của hầu hết các loại hàng hóa. Nếu cái “lô cốt” này mà không chịu phá vỡ thì hàng loạt các “lô cốt” sau đó sẽ chây ì với lý do giá cước vận tải chưa giảm, chi phí logistic vẫn còn cao.
Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm chính ở phía cơ quan Nhà nước thuộc về Bộ GTVT với việc xem xét, đánh giá, rà soát kê khai giá còn quá chậm. Bên cạnh đó, còn có trách nhiệm của Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan có trách nhiệm về quản lý giá.
Gần 1,5 tháng mà cước vận tải vẫn chưa động đậy cho thấy các Bộ, ngành dường như còn thiếu quyết liệt, quá “êm dịu” với những thái độ “chây ỳ” của các doanh nghiệp vận tải”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh đồng thời cho rằng “đến nay không thể tiếp tục trù trừ”.
Theo đó, chuyên gia kinh tế này cho rằng các cơ quan có trách nhiệm cần tiến hành tổ chức kê khai giá cước vận tải ngay và luôn, sử dụng tối đa các công cụ quản lý, kiểm soát để giảm mạnh độ trễ của quá trình giảm giá hay tăng giá bất hợp lý. “Không những yêu cầu giảm giá cước, chúng ta có thể còn phải xem xét thu hồi khoản tiền chênh lệch trong giai đoạn đáng lý đã phải giảm giá cước nhưng chưa thực hiện”, ông Phú nhấn mạnh.
“Rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành. Việc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau là thể hiện sự thiếu trách nhiệm với nhà nước, với xã hội. Bài toán bây giờ là cứu cộng đồng doanh nghiệp nói chung hay là bài toán cục bộ lợi ích?”, ông Vũ Vinh Phú cho biết đồng thời cần quyết liệt thực hiện theo các biện pháp được nêu rõ trong Công điện 679 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), để giảm giá cước vận tải làm động lực để giảm giá nhiều mặt hàng không trong tiêu dùng cần có sự tham gia của nhiều bên.
“Giá cả do thị trường quyết định và phụ thuộc vào quy luật cạnh tranh, do đó nếu muốn giá cước vận tải giảm phải có những doanh nghiệp tiên phong giảm, tạo nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để giữ thị phần khách hàng. Đó là biện pháp tự nhiên phù hợp với quy luật thị trường.
Ở phương diện cơ quan quản lý nhà nước, cần phải khuyến cáo đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra về kê khai giá, tránh các hiện tượng cố tình kéo dài độ trễ của giảm giá cước hoặc tăng giá một cách vô lý.
Người tiêu dùng và công luận cũng cần lên tiếng để tạo áp lực đối với thị trường, thậm chí tẩy chay đối với các đơn vị cung cấp cố tình thực hiện sai vấn đề kê khai giá”, TS. Ngô Trí Long cho biết.