Còn thủ tục hành chính không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân

Thảo luận tại Tổ sáng nay về tình hình KT - XH và NSNN năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, đa số đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình, đánh giá cao những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, khó khăn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT - XH năm 2024 như Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu.

Năm thứ 3 liên tiếp ngành y tế đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các chỉ tiêu KT - XH Quốc hội giao trong năm 2023 và 2024, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nhận thấy, mặc dù tình hình thế giới còn nhiều biến động, khó lường nhưng Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực, thể hiện trên nhiều phương diện, trong đó có những điểm nhấn về hoàn thiện thể chế, quy hoạch và hạ tầng giao thông. Trong đó, về hạ tầng giao thông, đầu năm chúng ta đã khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam; giữa năm khánh thành 9 dự án và cuối năm khánh thành đồng loạt 4 dự án; đồng thời đưa vào sử dụng 475km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến hết năm 2023 là khoảng gần 1.900km.

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Về lĩnh vực lao động - y tế, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ, Chính phủ, các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 68/2022/QH15. Cụ thể, 3 chỉ tiêu về lao động, xã hội đều đạt, gồm: tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều); trong 3 chỉ tiêu về y tế có 2 chỉ tiêu vượt và một chỉ tiêu đạt, gồm: số bác sĩ trên 10.000 dân, số giường bệnh trên 10.000 dân và tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế. Đây là năm thứ 3 liên tiếp ngành y tế đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết.

Thủ tục hành chính vẫn là “điểm nghẽn”

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, còn một số vấn đề cần quan tâm. Một trong số đó là, năm 2023, số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 12,3% so với năm 2022; số người được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng 23,73% so với năm 2022. Năm 2024, trung bình mỗi tháng có hơn 100 nghìn người rút bảo hiểm xã hội một lần; lũy kế 4 tháng là 430 người rút, riêng tháng 4.2024 có 122.599 người rút bảo hiểm xã hội một lần; chưa kể hàng năm có 70 - 80 nghìn người nghỉ hưu.

Trong khi đó, mỗi năm số lượng tham gia bảo hiểm xã hội chỉ đạt khoảng 950 nghìn người. Đây là một nguy cơ cho an sinh xã hội và an toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu vấn đề.

Cùng mối quan tâm với các đại biểu tại phiên thảo luận tổ sáng nay, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm nay (loại trừ yếu tố giá) tăng 5,3%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019; áp lực cạnh tranh gia tăng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là từ các nước trong khu vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Trong 4 tháng đầu năm, có hơn 86,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2023. Đầu tư khu vực tư nhân phục hồi nhưng còn chậm, chỉ tăng khoảng 4,2%. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 9.4 vừa qua chỉ tăng 0,92% so với năm 2023.

Đặc biệt, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, thủ tục hành chính vẫn là “điểm nghẽn”. Theo báo cáo của Chính phủ, ngày 18.5.2024, về kết quả rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính, từ năm 2021 đến hết tháng 3.2024, có 2.886 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (gồm: 1.486 thủ tục hành chính, 175 yêu cầu, điều kiện, 92 chế độ báo cáo, 164 quy chuẩn, tiêu chuẩn và 969 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành) tại 246 văn bản quy phạm pháp luật (gồm: 15 luật, 68 nghị định, 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 157 thông tư, thông tư liên tịch và 2 văn bản khác), ước tính tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt khoảng18,2% trên tổng số 15.801 quy định kinh doanh.

Tuy nhiên, Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc cũng nêu rõ, vẫn còn một số quy định, thủ tục hành chính không phù hợp, song chậm được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa dẫn chứng.

Ưu tiên nguồn lực, thực hiện nhanh thủ tục đầu tư một số công trình hạ tầng quan trọng

Từ thực tiễn của địa phương, phản ánh của cử tri và Nhân dân, ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề xuất một số nội dung góp phần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đã đề ra trong thời gian tới cũng như những vướng mắc của địa phương cần được Trung ương quan tâm, giải quyết.

Cụ thể, về giải pháp thúc đẩy phát triển liên kết vùng, phát huy vai trò của Hội đồng Vùng, thực hiện hiệu quả Quy hoạch đã được phê duyệt - một trong những giải pháp đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tích cực thúc đẩy và quyết liệt chỉ đạo, đại biểu Lã Thanh Tân nêu rõ, ngày 4.5.2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, tạo bước đột phá trong kết nối giao thông khu vực phía Bắc, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành ưu tiên nguồn lực, thực hiện nhanh các thủ tục đầu tư một số công trình hạ tầng quan trọng, như: các bước tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; các dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mới song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ - Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện; đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; các cảng khu vực Nam Đồ Sơn - Văn Úc; dự án phát triển TP. Hải Phòng thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cấp, cải tạo các tuyến hành lang để phát huy các điều kiện thuận lợi về đường thủy của Hải Phòng kết nối với các địa phương trong khu vực.

Theo đại biểu Lã Thanh Tân, các công trình này khi được khai thác sẽ tác động mạnh mẽ không chỉ cho Hải Phòng mà sẽ là những động lực mới cho vùng đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước.

Về nhà ở xã hội cho người lao động, đại biểu Lã Thanh Tân cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để chủ động bố trí cho người lao động của doanh nghiệp mình, do nhu cầu không nhiều và chưa có nhiều kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội, đồng thời giảm chi phí, thời gian thực hiện đầu tư, xây dựng,

Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định, cơ chế để doanh nghiệp có thể thực hiện được việc này. Do đó, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị Chính phủ cần sớm có quy định về vấn đề này để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.

Nguyễn Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/con-thu-tuc-hanh-chinh-khong-phu-hop-gay-kho-khan-cho-doanh-nghiep-nguoi-dan-i372630/