Còn thương rau đắng mọc sau hè
Hôm nay ngày hội trường, anh về quê mời các bạn đồng niên bữa tiệc thân mật. Liên đến muộn, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Dựng vội chiếc xe còn nguyên kệ buộc hàng đằng sau, chị sà vào ngồi cùng các bạn. Mấy cô bạn gái nhìn Liên ái ngại vì thương chị phải đi bán hàng giờ đó mới về.
Những câu chuyện của một thời tuổi trẻ cứ thế râm ran khi rượu đã mềm môi. Cả lớp xúm lại trêu anh chị. Cô bạn vốn nổi tiếng đáo để trong lớp nói toang toác với Liên: “Gớm, ngày đấy bố mẹ mày cứ chê anh Phúc đi. Lấy anh ấy thì đã không gặp phải lão chồng mất nết, đời đã đỡ khổ”. Chị rơm rớm nước mắt. Anh lừ mắt với cô bạn, rồi mời mọi người cùng nâng ly để chị đỡ ngại ngần.
Ngày ấy, anh và chị cùng lớn lên ở một miền quê thanh bình. Cả hai học cùng một lớp. Anh mất mẹ từ sớm, bố anh đi bước nữa. Từ nhỏ, anh là đứa trẻ ngoan ngoãn nhưng mắt lúc nào cũng đượm buồn vì thiếu thốn tình cảm. Nghĩ cũng lạ, một cô gái xinh xắn, năng nổ trong công tác đoàn thể của trường, nói chuyện có duyên như chị lại “để mắt” tới anh. Chính chị là người đã lôi anh ra khỏi lối sống khép mình, e ngại để hòa đồng cùng tập thể lớp. Anh học giỏi các môn tự nhiên, còn chị học giỏi các môn xã hội nên hai người thường qua nhà học bài cùng nhau. Họ thân thiết và như một cặp “bù trừ” cho nhau cả trong học tập và tính cách.
Cuối năm học cấp 3, họ yêu nhau. Nhà chị bấy giờ là gia đình có điều kiện trong xã nên bố mẹ chị cũng có ý “kén chọn” cho con gái chỗ nào “môn đăng hộ đối”. Vậy nên, họ tỏ thái độ gay gắt khi biết anh chị yêu nhau. Mỗi lần anh đến chơi, bố chị mắt quắc lên, không thèm đáp lại lời chào của anh. Mẹ chị thì “đá thúng đụng nia”, mắng chó chửi mèo. Có lần, mẹ chị còn lia cả bộ ấm chén xuống đất khi chị đang pha nước mời anh. Trăm sự cũng chỉ vì anh nghèo.
Năm đó, trong ngày hội làng, anh Hiệp ở làng bên mê mẩn tâm thần khi nhìn thấy chị biểu diễn văn nghệ. Anh ta tuy ít học nhưng “thoáng tính” vì nhà có cửa tiệm vàng. Lần nào tới chơi, anh ta cũng mua sắm ngập quà biếu bố mẹ chị. Mẹ chị khóc lóc, tỉ tê, xin chị thuận lòng lấy anh Hiệp. Thương mẹ, lại thêm năm đó chị thi trượt đại học nên tinh thần suy sụp, chị gật đầu về làm dâu nhà anh Hiệp khi vừa tròn 18 tuổi.
Về làm dâu nhà anh Hiệp ít lâu, chị sinh liền tù tì 2 đứa con lít nhít. Cuộc sống khó khăn, miệng ăn núi lở. Anh Hiệp cũng lộ dần bản chất ham ăn lười làm nên số vốn của bố mẹ cho cũng dần tan hết. Chị phải bươn chải ra chợ buôn bán kiếm tiền nuôi con. Còn anh ta, lâm vào nợ nần vì cờ bạc và trở thành một gã nát rượu.
Năm đó, Phúc thi đỗ đại học nên lên thành phố học. Cũng bởi buồn vì chuyện của chị nên anh rất ít về thăm quê. Sau này, anh nên duyên cùng một cô gái người gốc thành phố. Có lẽ, ông trời thương anh nên cuộc sống cứ thế thuận buồm xuôi gió. Anh trở thành một Tổng giám đốc thành đạt trong lĩnh vực địa ốc. Trong lần về dự đại lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường, anh biết hoàn cảnh thật của chị. Nhìn thần sắc chị tiều tụy, anh xót xa muôn phần. Từ đó, Phúc tìm cách đưa tiền qua các bạn cùng học để giúp đỡ Liên.
Chiều nay, nhìn theo bóng Liên nhỏ bé đứng trên con phà xa dần sang bờ bên kia sông, Phúc bất giác thở dài... Anh không thể quên những chia ngọt sẻ bùi của Liên dành cho anh năm nào. Đâu đó, loang trong gió chiều bài hát: “Còn thương rau đắng mọc sau hè”.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/con-thuong-rau-dang-moc-sau-he-164060.html