Còn tình trạng 'cào bằng' trong thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế
Ngày 19-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 36
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết phiên họp 36 dự kiến diễn ra trong 4 ngày, xem xét 12 nội dung quan trọng và dành 1,5 ngày tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về 3 dự án luật: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhấn mạnh khối lượng công việc của phiên họp lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp, yêu cầu cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan báo cáo ngắn gọn - rõ, đúng thời gian cho phép; các thành viên UBTVQH tập trung phát biểu đi thẳng vào vấn đề. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây cũng là một bước chuẩn bị "từ sớm, từ xa" để đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho kỳ họp thứ 8.
Tiếp tục chương trình phiên họp, UBTVQH xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023".
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thực hiện kế hoạch giám sát, Đoàn giám sát đã tổ chức các Đoàn công tác làm việc trực tiếp tại 9 địa phương, với một số trường đại học, bệnh viện công lập, cơ sở văn hóa nghệ thuật, các đơn vị ở cơ sở...; làm việc với 11 Bộ trước khi làm việc với Chính phủ về kết quả giám sát...
Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đạt kết quả tích cực, nhất là giai đoạn 2015 - 2021 vượt mục tiêu đề ra (giảm 13,33%, trong khi chỉ tiêu là 10%).
Hầu hết các cơ quan đã xây dựng đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. Giai đoạn 2015 - 2021, tổng biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, vượt mục tiêu đề ra; số lượng cấp phó cơ bản đã đáp ứng tiêu chí quy định.
Bên cạnh đó, chính sách xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từng bước phát huy hiệu quả; góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao của người dân và giảm áp lực, quá tải trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo báo cáo của Đoàn giám sát, việc đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả hơn. Việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công trong được chú trọng, góp phần khắc phục tình trạng lãng phí.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu còn mang tính cơ học. Tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị đang chậm lại trong giai đoạn 2021 - 2023.
Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2023 ở các địa phương đạt tỉ lệ thấp. Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp. Các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai chậm, kết quả không cao.
"Việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện thành công ty cổ phần tiến hành chậm, kết quả rất thấp. Còn nhiều vướng mắc trong thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các viện nghiên cứu, trường đại học"- ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.
Đoàn giám sát cũng nêu rõ việc thực hiện cơ chế tự chủ chưa bền vững, đồng bộ. Tổng chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động sự nghiệp vẫn tăng qua từng năm. Bên cạnh đó, cơ chế cho phép các đơn vị sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết còn bất cập.
Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các Bộ, ngành còn nhiều, việc chuyển giao về địa phương quản lý còn chậm; công tác quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.